Cô gái khiếm thính học tiến sĩ

GD&TĐ - Là người khiếm thính, Jiang Mengnan, 29 tuổi, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Trường Đại học Thanh Hoa, vươn lên đầy nghị lực, trở thành một trong 10 nhân vật truyền cảm hứng của Trung Quốc năm 2021.

Jiang Mengnan hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Trường Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc.
Jiang Mengnan hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Trường Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc.

Khám phá thế giới trong tĩnh lặng

Jiang, 29 tuổi, người dân tộc Yao, sinh ra ở huyện miền núi Nghi Chương, tỉnh Hồ Nam. Khi mới 6 tháng tuổi, Jiang mất khả năng nghe do mắc bệnh viêm phổi. Kể từ đó, cuộc đời Jiang chìm trong tĩnh lặng.

Cha mẹ của Jiang là giáo viên cấp THCS. Trước khi Jiang được sinh ra, họ đã kỳ vọng rất nhiều vào con gái và tin tưởng sẽ nuôi dạy cô bé trở thành người đặc biệt.

Việc biết con gái vĩnh viễn không thể nghe thấy giống như đòn giáng mạnh vào hai vợ chồng. Tuy nhiên, hai người đã vượt qua cú sốc ban đầu và cùng tìm hiểu những biện pháp tốt nhất để hỗ trợ con gái.

Thời điểm đó, do y học chưa phát triển, mọi người tin rằng cứ 10 người khiếm thính thì 9 người mắc chứng rối loạn ngôn ngữ (rối loạn về xử lý thông tin ngôn ngữ). Nhưng mẹ của Jiang vẫn tham dự nhiều lớp tư vấn giáo dục đặc biệt để học kỹ năng chăm sóc và dạy dỗ trẻ khiếm thính.

Sau đó, bà đăng ký cho Jiang theo học tại một trung tâm phục hồi chức năng nói dành cho trẻ khiếm thính với chi phí tương đối đắt đỏ. Ở nhà, cha mẹ luyện tập với Jiang mỗi ngày.

Jiang nhớ lại: Khi ấy, bố mẹ xin cho tôi một chiếc máy trợ thính cũ. Mỗi ngày, tôi đeo nó, ngồi quay lưng với mẹ và nhìn vào chiếc gương để trước mặt để quan sát hình dạng miệng khi mẹ nói.

Mẹ đặt tay tôi lên cổ họng để tôi cảm nhận được độ rung của dây thanh quản và nhịp thở tương ứng. Sau đó, tôi tự thực hành trên cổ họng mình để nắm bắt mối quan hệ giữa độ rung của họng và sự thay đổi hình dáng miệng.

“Hồi ấy, cả nhà không biết phương pháp đào tạo trên giúp tôi có thể nói chuyện như một đứa trẻ bình thường. Chúng tôi chỉ luyện tập và luyện tập cho đến khi tôi có thể trò chuyện trôi chảy”, Jiang cho biết.

Ngoài ra, để học tiếng phổ thông tốt hơn, Jiang thường đến nơi làm việc của bố mẹ, xem nhờ TV trong khi mọi người làm việc. Ngày này qua tháng nọ, cô bé chăm chú quan sát miệng của các nhân vật trên màn hình.

Nỗ lực của gia đình dần được đền đáp xứng đáng. Từ một âm “ah” ban đầu, Jiang bắt đầu đánh vần được những âm tiết phức tạp hơn, phân biệt âm sắc trong các ký tự tiếng Trung.

Đến năm 2 tuổi, khả năng ngôn ngữ của Jiang tương đương với bạn bè đồng trang lứa. Cô bé có thể phát âm trôi chảy từ “bố”, “mẹ” bằng tiếng Quan Thoại (tiếng phổ thông tại Trung Quốc) và phương ngữ Yizhang. Đến 7 tuổi, Jiang có thể đọc được khẩu hình của người đối diện nên gia đình đăng ký cho em vào một trường tiểu học công lập địa phương.

Nỗ lực mang âm thanh về với cuộc sống

Jiang là một trong 10 nhân vật truyền cảm hứng năm 2021 của Trung Quốc.
Jiang là một trong 10 nhân vật truyền cảm hứng năm 2021 của Trung Quốc.
Sau khi câu chuyện của Jiang Mengnan được truyền thông Trung Quốc đưa tin, cô đã nhận được nhiều sự ủng hộ, khích lệ từ cộng đồng. Một số người bày tỏ Jiang đã truyền cảm hứng để họ phấn đấu vươn lên trong cuộc sống. Năm 2021, Jiang là một trong 10 nhân vật truyền cảm hứng của Trung Quốc, giải thưởng do Đài Truyền hình quốc gia CCTV tổ chức nhằm vinh danh 10 người tạo ảnh hưởng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Tuy nhiên, trường học không giống như ở nhà. Nếu tự luyện tại nhà, bố mẹ thường ngồi đối diện với Jiang để cô bé đọc khẩu hình. Nhưng trên lớp, giáo viên sẽ quay lưng với học sinh để viết bảng hoặc đi vòng quanh lớp. Do vậy, Jiang khó nắm bắt lời nói của thầy cô.

Cha mẹ Jiang đã nghĩ ra một cách là dạy trước kiến thức cho con gái. Trong trí nhớ của Jiang, hầu như không có kỳ nghỉ hay cuối tuần. Cô bé dành toàn bộ thời gian để học tập nhưng cảm thấy rất vui vẻ vì được ở bên gia đình. Trên lớp, cô bé luôn ngồi bàn đầu để quan sát khẩu hình của giáo viên. Nhờ chăm chỉ và kiên trì, điểm số của Jiang luôn thuộc tốp đầu của lớp.

Lớn lên, Jiang bắt đầu nhận ra mình khác biệt so với bạn bè đồng trang lứa và khác biệt này gây ra nhiều trở ngại. Cô không thể giao tiếp thoải mái với mọi người. Trong nhóm, bạn bè thường xa lánh Jiang vì cô tương tác kém. Mỗi lần cảm thấy cuộc sống thật bất công, cô bé càng tự nhủ phải cố gắng nhiều hơn nữa.

Năm 12 tuổi, Jiang quyết định đăng ký vào trường trung học nội trú trong thành phố vì chất lượng đào tạo của trường thuộc hàng đầu tại địa phương dù phải rời xa vòng tay cha mẹ. Khi sống trong ký túc xá trường trung học, cô đặt đồng hồ báo thức trên điện thoại di động vào mỗi tối và giữ chặt thiết bị này suốt đêm để cảm nhận độ rung khi chuông reo.

Nhờ những nỗ lực không mỏi mệt, năm 2011, Jiang trúng tuyển ngành Dược tại Trường Đại học Cát Lâm. Ban đầu, cô muốn học ngành Y nhưng phải từ bỏ vì khiếm thính nên chọn học dược và lấy bằng thạc sĩ. Năm 2018, cô được nhận vào làm nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Trường Đại học Thanh Hoa, một trong những trường đại học tốt nhất của Trung Quốc.

Trước khi đến Thanh Hoa, Jiang đã cấy ghép ốc tai điện tử vào tai phải. Điều này giúp cô lấy lại một phần thính giác dù cuộc phẫu thuật tương đối nguy hiểm. Cũng nhờ vậy, cô có thể giao tiếp tốt hơn với mọi người và khai thác sâu hơn tiềm năng của bản thân. Dự kiến, Jiang sẽ tốt nghiệp Thanh Hoa vào mùa hè này.

Trong tương lai, nữ nghiên cứu sinh hy vọng có thể vận dụng những kiến thức đã được học để an ủi và cứu chữa mọi người khỏi đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần. Ngoài học tập, Jiang cũng dành nhiều thời gian bên bạn bè, gia đình để tận hưởng cuộc sống.

“Tôi vẫn nhớ như in khoảnh khắc nghe thấy tiếng chim hót trong khuôn viên Thanh Hoa sau khi cấy ốc tai. Đó là thanh âm tuyệt đẹp, trong trẻo y hệt những gì tôi tưởng tượng trong những năm qua”, Jiang xúc động bày tỏ.

Theo China Today

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ