Janki Goud đạt huy chương đồng judo trong cuộc thi quốc tế được tổ chức ở Uzbekistan năm 2017.
Theo CNN ngày 22.8, cưỡng hiếp phụ nữ là một vấn nạn khá phổ biến ở Madhya Pradesh, Ấn Độ. Vào năm 2016, vùng này ghi nhận 4.882 trường hợp bị cưỡng hiếp. Phụ nữ và trẻ em gái bị khuyết tật là đối tượng nguy cơ cao của vấn nạn này ở Ấn Độ.
Đối với cô gái khiếm thị Janki Goud (23 tuổi, ở Madhya Pradesh, phía bắc Ấn Độ) cũng vậy, nỗi sợ bị cưỡng hiếp là rất lớn.
Theo thống kê của tổ chức phi chính phủ Sightsavers, Goud là một trong hơn 8 triệu người khiếm thị ở Ấn Độ và cũng là một trong 200 phụ nữ ở nước này được dạy judo để bảo vệ bản thân khỏi bị cưỡng hiếp.
Từ năm 2014, tổ chức này đã phối hợp với các tổ chức liên quan ở địa phương thực hiện một chương trình dạy võ judo cho phụ nữ bao gồm những phụ nữ khuyết tật ở Ấn Độ để giúp họ tự bảo vệ khỏi nạn cưỡng hiếp.
Nhờ vào chương trình này, cuộc đời của Goud đã thay đổi. Judo đã giúp cô trở thành nhà vô địch trong cuộc thi võ judo quốc gia dành cho người khiếm thị và đạt huy chương đồng trong cuộc thi quốc tế được tổ chức ở Uzbekistan vào năm ngoái, theo We.news.
Goud đã mất đi ánh sáng sau khi cô mắc bệnh sởi lúc 5 tuổi. Trong thời gian đầu đến với chương trình, cô là một người rụt rè và không tự tin khi giao tiếp, theo đại diện của tổ chức Sightsavers.
Bây giờ, cô dường như là một người khác. Cô đã trở thành người phát ngôn của chương trình.
Theo CNN, những người hướng dẫn sử dụng xúc giác và âm thanh để dạy võ cho những cô gái khiếm thị.