Cơ chế mới cho việc phát hiện lãng phí

Cơ chế mới cho việc phát hiện lãng phí

(GD&TĐ) - Trong nhiều điểm mới của dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí sửa đổi mà Thanh tra Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có một điểm nổi bật đáng chú ý là bổ sung trách nhiệm giải trình trước cơ quan chức năng và trước công luận của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc để xảy ra lãng phí trong đơn vị mình. Tại điều 7 của Luật cũng có quy định bảo đảm việc thực hiện quyền giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của công dân, cơ quan, tổ chức .

Ảnh có tính chất minh họa/internet
Ảnh có tính chất minh họa/internet

Một tâm lý khá phổ biến tồn tại từ rất lâu trong cộng đồng người Việt là hễ đề cập tới luật là người ta nghĩ về những vấn đề được cho là đại sự quốc gia, là nghiêm cẩn, to tát. Chẳng hạn khi nói tới lãng phí thì người ta có thể kể tới hàng trăm, hàng ngàn kiểu; nhưng khi chống lãng phí được đưa vào luật thì người ta lại chỉ tính tới những biểu hiện lãng phí lớn trong tài sản, đất đai, vật tư, nguyên vật liệu ở các cơ quan công sở nhà nước, doanh nghiệp; mà ít ai chú ý tới sự lãng phí từ những biểu hiện tưởng như là nhỏ nhặt hàng ngày, nhưng lại là cái gốc phát sinh mọi lãng phí khác.

Chẳng hạn, thực hiện Nghị định 11 của Chính phủ về cắt giảm chi tiêu công, hầu hết các cơ quan, đơn vị, địa phương đều báo cáo việc dừng các dự án không cần thiết, dừng mua sắm thiết bị công, tiết kiệm chi phí hội họp. Song trong thực tế, hiện tượng lãng phí của công vẫn rất phổ biến. Có cơ quan công sở đã dán khẩu hiệu: “Ra khỏi phòng nhớ tắt các thiết bị điện” hẳn hoi, nhưng phòng làm việc của lãnh đạo thì để máy lạnh cả ngày, kể cả khi phải ra ngoài cả buổi cũng không tắt.

Không ít cơ quan có máy photocoppy, nhưng cán bộ, nhân viên văn phòng vẫn “tiện thể” in hàng loạt văn bản gửi đi trên máy in và sẵn sàng vứt vào sọt rác hàng loạt bản in sai chưa màu mè như ý. Một đại biểu của Hội đồng Nhân dân nọ kể: Có cơ quan hành chính phát không chiếc Ipad giá trên mười lăm triệu đồng để tiết kiệm tiền in tài liệu. Số tiền này đủ để cấp tài liệu bằng bản giấy cho đại biểu đến hàng chục năm. Nhưng điều đáng nói hơn cả là chiếc Ipad này, không phải chỉ để đọc tài liệu mà còn dùng để… chơi điện tử "giết” thời gian ngay cả trong giờ làm việc, hội họp. Trường hợp người đứng đầu cơ quan tự cho mình cái quyền được hàng ngày đưa đón bằng xe công hay sử dụng xe công vào việc tư cũng không phải là hi hữu.

Có một kiểu lãng phí đã trở nên phổ biến gần như được mặc nhiên thừa nhận, đó là lãng phí thức ăn trong các buổi tiệc tùng, liên hoan. Do quan niệm “lâu lâu mới có một kỳ”, nhiều nơi dồn tiền bạc chỉ vào một bữa tiệc “no cái bụng, đói con mắt”. Lại có cơ quan biết chắc là đồ ăn, thức uống không thiếu nhưng vẫn gọi thêm thừa mứa, chỉ để “cho anh em vui vẻ” hoặc là để chứng tỏ với đại biểu về cái gọi là “sang trọng” mến khách của cơ quan mình. Một chủ nhà hàng cho biết, số thức ăn dư thừa đổ đi hàng ngày được dùng để nuôi hàng chục con lợn trong chuồng nhưng lợn ăn không hết, toàn phải thuê người chở đi đổ. Trong khi đó, theo số liệu thống kê mới đây nhất, trên thế giới mỗi năm có 20.000 trẻ em dưới 5 tuổi bị chết đói; cứ 7 người có 1 người bị đói thường xuyên.  

Ai là người chịu trách nhiệm phát giác những hành vi gây lãng phí như đã kể trên? Giao trách nhiệm cho người đứng đầu là cần thiết, nhưng cần thiết hơn cả là phải hướng vào việc tạo những cơ chế để phát hiện lãng phí và quản lý từ gốc nguồn tiền làm phát sinh chi tiêu lãng phí. Làm được như vậy thì Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí mới  có hiệu quả, có chiều sâu và thật sự  đi vào cuộc sống.

Hồng Thúy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ông Trần Quí Thanh lãnh 8 năm tù.

Ông Trần Quí Thanh bị phạt 8 năm tù

GD&TĐ - Sáng 25/4, TAND TPHCM tuyên phạt 8 năm tù đối với bị cáo Trần Quí Thanh (Chủ tịch Tân Hiệp Phát) về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Minh họa/INT

Khơi nước gần dập lửa xa

GD&TĐ - Iran đã bước vào giai đoạn xung khắc mang bản chất mới với Mỹ và Israel nên càng cần yên bình ở phía biên giới chung với Pakistan.