Chân trái khiếm khuyết, không thể di chuyển bình thường như chúng bạn, thế nhưng cô bé người Xơ Đăng - Y Kiêu Phường (4 tuổi, thôn Đăk Plò, xã Đăk Rơ Ông, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) vẫn quyết đến trường với đôi nạng do cha tự chế.
Nhà Y Kiêu Phường nghèo, không có tiền nên cha mẹ chẳng đưa em đi khám. Khi bạn bè cùng trang lứa tập đi, thì em lại di chuyển bằng cách bò, lết đôi chân trên nền nhà.
Năm 3 tuổi, thấy chúng bạn chạy nhảy, vui đùa trước sân, Phường cũng tập đứng lên rồi lò cò một chân. Thế nhưng, vết trầy xước đã in hằn lên tay, chân em bởi những lần té ngã. Với đoạn đường dốc, Phường dùng đôi tay và chân phải nâng cơ thể nặng nhọc vượt qua. Mồ hôi nhễ nhại, quần áo lấm lem… em vẫn vui và hạnh phúc vì được đứng trên chân lành lặn còn lại. “Em thích chơi với các bạn lắm. Dù không lành lặn, nhưng em muốn ra ngoài, nhìn cảnh vật”, Phường bộc bạch.
Phường là con thứ 4 trong gia đình có 6 anh, chị em. Có 8 miệng ăn, song nhà chị Y HMúp - mẹ Y Kiêu Phường chỉ trông chờ vào vài sào đất trồng lúa và mì. Cả năm thu hoạch bán được khoảng 10 triệu đồng. Những ngày giáp hạt, gia đình ăn rau dại, mua nợ thức ăn… đến mùa thu hoạch trả bằng lúa, mì.
Dù vậy, vợ chồng chị Y HMúp vẫn cố gắng lo cho 6 đứa con đi học. Bộ quần áo đến lớp của lũ trẻ đa phần được nhà hảo tâm hỗ trợ. Hoặc 2 - 3 năm mấy anh, chị em mới được thay một lần, có khi anh chị mặc rồi lại đến các em.
Khiếm khuyết chân trái nhưng cô học trò Y Kiêu Phường luôn nỗ lực đến trường học chữ. Ảnh: Dung Nguyễn. |
Thấy bạn bè đi học, Phường mong được đến trường tập đọc, tập viết. Thương con, năm Phường lên 3 tuổi, cha mẹ và ông bà nội thay phiên nhau cõng bé tới lớp.
“Con bị khiếm khuyết đôi chân, mình nghĩ con chỉ có thể quanh quẩn ở nhà vì tự ti, mặc cảm. Từ ngày được đến trường con vui, hào hứng khiến người làm cha, làm mẹ hạnh phúc”, chị Y HMúp tâm sự.
Trường Mầm non xã Đăk Rơ Ông quan tâm, kêu gọi nhà hảo tâm hỗ trợ thức ăn, nhu yếu phẩm hỗ trợ gia đình Phường. Ảnh: Dung Nguyễn. |
Đợt nghỉ lễ 30/4 vừa qua, trong lúc vui chơi cùng bạn bè, chẳng may Phường bị té, chân trái của cô bé càng cong vẹo hơn. Để con thuận lợi di chuyển, anh A Mar (35 tuổi) mày mò làm đôi nạng gỗ, cột bằng dây cao su… Từ ngày có đôi nạng, việc đi lại của cô bé Xơ Đăng dễ dàng hơn. Những giờ ra chơi, Phường tự chống nạng ra sân, lên xuống cầu thang chơi ô ăn quan, vẽ hình… với bạn.
“Dù có nạng nhưng đi vẫn đau chân lắm. Em muốn đi học gặp cô giáo, chơi với bạn. Em ước mơ trở thành bác sĩ, tự chữa khỏi chân để đi lại bình thường”, cô bé lí nhí nói.
Cô Nguyễn Thị Thìn - Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Đăk Rơ Ông chia sẻ, gia đình em Y Kiêu Phường diện hộ nghèo. Kinh tế phụ thuộc vào vài sào đất trồng mì, lúa… nên bữa đói, bữa no. Chân trái của cô bé bị khiếm khuyết nhưng vì cuộc sống khó khăn nên gia đình không có điều kiện đưa bé đi khám, điều trị. Dù không lành lặn nhưng Phường ngoan ngoãn và ham học.
Vừa qua, nhà trường đã kết nối với nhà hảo tâm đưa em đi khám để sớm can thiệp, giúp đi lại thuận lợi hơn. Đồng thời, hướng dẫn gia đình làm các thủ tục, giấy tờ cho Phường nhận chế độ hỗ trợ người khuyết tật. Ngoài ra, mỗi khi có nhà hảo tâm tặng quà, nhà trường luôn ưu tiên, nhằm động viên, khích lệ em vượt qua bất hạnh.