Tư duy cổ điển, phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch
Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo Xanh (GreenID) là người đại diện cho VSEA cho biết lá thư vừa hoàn thành và gửi đến Bộ trưởng Trần Tuấn Anh. Ngày 11/12/2020, Bộ Công Thương đã đăng tải Bản dự thảo Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên trang thông tin chính thức của Bộ để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. VSEA đã nghiên cứu bản thảo và tổ chức hội thảo khoa học với các chuyên gia để tổng hợp ý kiến đóng góp cho bản dự thảo nêu trên.
Về mặt tích cực, theo VSEA thì đây là bản quy hoạch năng lượng đầu tiên mang tính chất tổng thể và có tính định hướng cho các quy hoạch năng lượng thành phần như than, dầu khí, điện, năng lượng tái tạo. Đây là một nỗ lực rất đáng ghi nhận và hoan nghênh của cơ quan lập quy hoạch. Bản dự thảo quy hoạch tổng thể đã khắc phục được nhiều tồn tại của các quy hoạch phân ngành trước đây.
Trong quy hoạch này đã ứng dụng mô hình tối ưu, đưa ra so sánh 5 phương án cho vào mô hình tính toán chung của quy hoạch tổng thể và 11 phương án cho quy hoạch phân ngành điện. Đó là phương pháp tính toán hiện đại, đáng tin cậy. Vấn đề chủ yếu và quan trọng nhất là yếu tố đầu vào mô hình có đúng không, có chính xác không?
Theo VSEA, bản dự thảo quy hoạch vẫn dựa theo tư duy cổ điển với hệ thống năng lượng kiểu truyền thống, phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Trong khi đó, hệ thống năng lượng hiện đại của thế giới dựa vào 4 trụ cột gồm: Giảm phát thải; Phi tập trung; Chuyển đổi số và Điện khí hóa. Tư duy mới này cần được sử dụng làm kim chỉ nam xuyên suốt quy hoạch để nắm bắt kịp với xu thế thời đại.
Tốc độ tăng trưởng GDP được sử dụng trong dự báo của Quy hoạch hiện chưa tính tới tác động của Covid-19. VSEA kiến nghị Quy hoạch cần xem xét kỹ tác động trên để bảo đảm việc dự báo nhu cầu năng lượng bám sát thực tế có nhiều biến động, tránh nguy cơ dẫn tới lãng phí nguồn lực đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng chưa cần thiết.
Không thể coi điện than giữ vai trò quyết định
Bà Ngụy Thị Khanh - Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo Xanh (GreenID) cho biết, trong quy hoạch, cần giảm tối đa nhập khẩu năng lượng sơ cấp, đặc biệt là nhập khẩu than. Thay vào đó, cần khai thác tối đa nguồn năng lượng sơ cấp trong nước để hướng tới mục tiêu Việt Nam trở lại thành nước xuất khẩu năng lượng trong tương lai.
Về nguồn tiềm năng khí nội địa, cần bổ sung tiềm năng của hai mỏ Kèn Bầu và Khánh Hòa vào nguồn cung năng lượng sơ cấp. Đây là hai mỏ mới thăm dò được trong năm 2020 nhưng hiện chưa được đưa vào xem xét trong bản dự thảo quy hoạch. Tiềm năng kỹ thuật của năng lượng tái tạo trong nước được xác định rất lớn, có thể mang lại lợi ích đa chiều về môi trường, kinh tế, xã hội, việc làm nhưng tỷ lệ sử dụng trong quy hoạch còn rất nhỏ.
“Quy hoạch đang xác định ngành than vẫn giữ vai trò quyết định trong phát triển năng lượng quốc gia nhưng trong thực tế tiềm năng khai thác than trong nước không còn nhiều, phụ thuộc vào nhập khẩu ngày càng tăng lên. Trong lúc đó, ngành than toàn cầu đang trong xu thế thoái trào. Thực tế này đặt ra yêu cầu cần định vị lại vị trí của ngành than trong tương lai từ đó đưa ra hướng đi đúng đắn nhằm bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động của ngành này”, bà Ngụy Thị Khanh cho hay.
Để tạo đột phá cho phát triển năng lượng tái tạo, quy hoạch cần bổ sung đánh giá tiềm năng và đưa vào sử dụng các dạng lưu trữ năng lượng. Pin lưu trữ, đặc biệt pin
Li-ion và Hydrogen được sản xuất bằng điện tái tạo với chi phí đang tiếp tục giảm dự kiến sẽ phát triển nhanh chóng trong những năm tới, có thể thay đổi tỷ lệ các dạng năng lượng trong cơ cấu năng lượng quốc gia. Nhiều quốc gia trong khu vực đã có chính sách phát triển kinh tế Hydro. Việt Nam cần nghiên cứu đánh giá tiềm năng của loại hình này để đón đầu xu thế.
Theo VSEA, về thị trường và giá năng lượng, hiện quy hoạch mới chỉ đưa ra thị trường cho ngành điện là chưa đủ. Quy hoạch cần có thị trường năng lượng đồng bộ giữa các ngành với thời điểm và lộ trình bắt buộc. Trên cơ sở có lộ trình về thị trường năng lượng, quy hoạch cần yêu cầu đề ra các chính sách và cơ chế cụ thể để triển khai. Tương tự, đối với giá năng lượng cũng cần phải đưa ra tính toán cụ thể cho từng giai đoạn đi kèm đánh giá tác động tới nền kinh tế từ đó có phương án bảo đảm an sinh xã hội. Đây là yếu tố quyết định tính khả thi của quy hoạch.
Về huy động vốn, hiện các kênh huy động vốn được đưa ra còn chung chung, thậm chí có những nguồn khả năng huy động được rất thấp. Nhu cầu vốn của quy hoạch mỗi năm rất lớn. Vì vậy, VSEA kiến nghị cần có kịch bản huy động vốn đi kèm biện pháp cụ thể cho từng giai đoạn để bảo đảm tính khả thi của quy hoạch.