Hội thi do Tổng cục Dạy nghề thuộc Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội tổ chức 3 năm 1 lần.
Bà Mai Thúy Nga - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Trưởng Ban tổ chức hội thi - cho biết: Hội thi được tổ chức theo 3 cấp là cấp cơ sở; cấp tỉnh (thành phố); cấp quốc gia.
Tham gia hội thi lần này có 50 tỉnh, thành với 359 thiết bị được đăng kí dự thi, của 161 cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Các thiết bị đăng kí dự thi tập trung ở các nhóm nghề: Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử và viễn thông (181 thiết bị); Công nghệ kỹ thuật cơ khí (104 thiết bị); Máy tính và Công nghệ thông tin (32 thiết bị); nhóm nghề tổng hợp (42 thiết bị).
Các thiết bị này là thành quả sáng tạo của các tác giả (nhóm tác giả) là những giáo viên có kỹ năng nghề cao và từng thiết kế, chế tạo thành công những sản phẩm đạt chất lượng cao, đang được áp dụng giảng dạy tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Hội thi góp phần khẳng định vai trò của thiết bị trong việc đảm bảo chất lượng đào tạo; khắc phục tình trạng thiếu thiết bị tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để từng bước nâng cao chất lượng dạy và học, xóa bỏ tình trạng “dạy chay, học chay”.
Đây còn là cơ hội để đội ngũ giáo viên, học sinh, sinh viên phát huy tiềm năng trí tuệ, sức sáng tạo trong việc tạo nên các thiết bị đào tạo có chất lượng phù hợp với chương trình đào tạo và sát với thực tế sản xuất để ứng dụng vào thực tiễn dạy và học, đồng thời tiết kiệm kinh phí mua sắm thiết bị.
Ngoài ra, hội thi còn là dịp để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trao đổi, học hỏi lẫn nhau về kinh nghiệm sáng chế và cải tiến thiết bị đào tạo, tạo phong trào tự làm thiết bị đào tạo rộng rãi.
Theo quy định của hội thi, các thiết bị dự thi sẽ được chấm theo thang điểm 100 với các tiêu chí về: tính sư phạm (35 điểm); tính khoa học, kĩ thuật và sáng tạo (40 điểm); tính ứng dụng (15 điểm); trình bày (10 điểm).
Sau Hội thi, Ban tổ chức sẽ giới thiệu các thiết bị đạt giả nhất, nhì, ba cho các cơ sở đào tạo nhằm nhận rộng, áp dụng vào giảng dạy...