Ngày nay, nhiều bộ phim tài liệu và chương trình truyền hình về khám phá những ngôi nhà ma ám đã thu hút đông đảo người xem trên khắp thế giới. Để được trải qua những cảm giác lạnh người này, chúng ta không thể quên Hans Holzer, “thợ săn ma” đầu tiên của nước Mỹ.
Ám ảnh thế giới tâm linh
Hans Holzer và tác phẩm đầu tay của mình. |
Là nhà cận tâm lý học, chuyên nghiên cứu các hiện tượng siêu nhiên trên thế giới, tạo nguồn cảm hứng cho các bộ phim kinh dị Ghostbusters (Biệt đội săn ma), The Amityville Horror (Chuyện rùng rợn ở Amityville), Hans Holzer đã viết hơn 140 cuốn sách về những công việc khác thường của mình.
Ông dành cả đời để nghiên cứu những hiện tượng không thể giải thích được, như thần giao cách cảm, thôi miên và huyền bí. Từng tham gia dạy các khóa học về chủ đề này tại Viện Công nghệ New York, nhưng niềm đam mê thực sự của ông là đi khắp thế giới để điều tra về các thực thể trong lĩnh vực tâm linh được lan truyền.
Có lẽ công việc nổi tiếng nhất của ông là cuộc điều tra về ngôi nhà 'ma ám' ở Long Island, New York, địa điểm truyền cảm hứng cho bộ phim The Amityville Horror (2005).
Làm việc với một nhà ngoại cảm nổi tiếng, Holzer được cho là đã liên lạc được với linh hồn của một tù trưởng người Mỹ bản địa, người này cho ông biết ngôi nhà này bị nguyền rủa.
Holzer qua đời vào năm 2009, nhưng ông đã để lại một di sản lạ thường, tiếp tục truyền cảm hứng cho những “thợ săn ma” nghiệp dư, cũng như các chuyên gia thuộc lĩnh vực huyền bí.
Hans Holzer sinh ra ở Vienna, Áo vào ngày 26/1/1920. Thời thơ ấu, ông đã quan tâm tới những điều huyền bí. Ngay khi còn học mẫu giáo, Holzer thường bị giáo viên gửi thư về nhà mách với phụ huynh vì ông làm cho những đứa trẻ khác sợ hãi bằng những câu chuyện ma nghe được từ chú của mình.
Tuy nhiên, phải đến tuổi thiếu niên, Holzer mới thực sự đi sâu vào lĩnh vực tâm linh. Theo cuốn sách Ghost Hunter (Thợ săn ma), niềm đam mê của ông đối với những điều huyền bí tăng lên khi được đọc quyển Occultism in This Modern Age (Thuyết huyền bí trong thời đại hiện đại) của Tiến sĩ TK Oesterreich, Giáo sư thuộc Đại học Tübingen ở Đức.
Sau đó, Holzer đăng ký theo học tại Đại học Vienna trong một thời gian ngắn vào những năm 1930. Tại đây, ông nghiên cứu lịch sử, khảo cổ học và thuyết số học. Tuy nhiên, ngay trước khi Đức Quốc xã chiếm Áo vào năm 1938, ông và gia đình, vốn gốc Do Thái, đã chạy trốn đến New York.
Tại Mỹ, Holzer bắt đầu học tiếng Nhật ở Đại học Columbia, trước khi lấy bằng thạc sĩ về tôn giáo so sánh và bằng tiến sĩ cận tâm lý học tại Đại học Khoa học Ứng dụng London. Sau khi học xong, Holzer giảng dạy tại Viện Công nghệ New York.
Đầu những năm 1960, Holzer bắt đầu điều tra những vụ được cho là “ma ám” ở khu vực thành phố New York. Vào năm 1963, ông xuất bản Ghost Hunter, cuốn sách đầu tiên trong số 140 tác phẩm của mình. Trong đó, ông ghi lại những nghiên cứu điển hình thuộc lĩnh vực tâm linh và chẳng bao lâu đã trở nên nổi tiếng khắp thế giới về những vấn đề huyền bí.
Trong cuốn sách Ghosts: True Encounters with the World Beyon (Hồn ma: Những cuộc gặp gỡ thực sự với thế giới bên kia) xuất bản năm 1997 của ông, Hans Holzer đã định nghĩa ma là “ký ức cảm xúc còn sót lại của người đã chết một cách đau thương, thường là bi thảm, nhưng không biết về cái chết của mình.
Các hồn ma không muốn chia tay với thế giới vật chất, vì vậy họ tiếp tục ở lại chính nơi mà bi kịch hoặc tình cảm gắn bó của họ đã tồn tại trước khi cái chết thể xác diễn ra”.
Săn ma
Trong một cuộc phỏng vấn đăng trên Ghost Village vào năm 2005, khi được hỏi, ông muốn được tưởng nhớ như thế nào, Holzer trả lời: “Là một người luôn nói lên sự thật. Tôi không cần bia mộ. Nghĩa trang là vùng đất hoang phí, và tôi không tin vào bất kỳ hình thức tang lễ nào. Thân xác càng được thiêu sớm càng tốt. Nó thực sự chỉ là một cái vỏ”.
Từ những suy nghĩ này, Holzer thường làm việc với giới đồng cốt trong nỗ lực giao tiếp với những linh hồn tổn thương, bị bỏ lại phía sau.
Trong trường hợp nổi tiếng nhất, Holzer đã hợp tác với Ethel Johnson-Meyers để điều tra ngôi nhà, nơi Ronald DeFeo Jr đã sát hại cha mẹ và 4 anh chị em của hắn vào năm 1974.
Một gia đình chuyển đến ngôi nhà sau thảm kịch cho biết, họ đã nghe những giọng nói quái gở, ngửi thấy mùi lạ và nhìn thấy chất nhờn kỳ lạ rỉ ra từ tường và thảm. Họ hoảng sợ chuyển đi chỉ sau 28 ngày.
Vào năm 1977, Holzer bước vào ngôi nhà để tự mình trải nghiệm những hiện tượng ớn lạnh.
Trong tường trình của mình, Holzer và Johnson-Meyers cho biết đã liên lạc với một tù trưởng người Mỹ bản địa Shinnecock. Hồn của ông này cho biết ngôi nhà xây trên một khu đất chôn cất linh thiêng và một linh hồn giận dữ đã chiếm hữu DeFeo để giết gia đình anh ta. Sau đó, khi nghiên cứu những bức ảnh chụp ngôi nhà, Holzer nhận thấy có những quầng sáng kỳ lạ bao quanh các lỗ đạn từ khẩu súng của DeFeo trên tường.
Cuộc điều tra của Holzer gây nhiều tranh cãi, vì các nhà sử học khẳng định, người Shinnecock không sống ở Amityville. Tuy nhiên, “thợ săn ma” đã xuất bản một số quyển sách về trải nghiệm của mình, trong đó có quyển truyền cảm hứng cho bộ phim Amityville II: The Possession (Ngôi nhà rùng rợn 2).
Mặc dù ngày nay, Hans Holzer vẫn được mọi người nhớ đến như một “thợ săn ma” đầu tiên, nhưng ông tự nhận mình là “một nhà nghiên cứu khoa học về những điều huyền bí”. Ông không thích thuật ngữ “siêu nhiên”, vì nó ngụ ý các hiện tượng mà ông nghiên cứu nằm ngoài khoa học.
Vào tháng 4/2009, ở tuổi 89, ông rời thế giới này, qua “bờ vực bên kia” - một cụm từ mà ông đặt ra, để lại một di sản lớn hơn cả cuộc đời.
Dan Aykroyd, nhà văn và ngôi sao của Ghostbusters (1984) cho biết, Holzer là nguồn cảm hứng giúp ông cho ra đời bộ phim ăn khách này. Ông nói với Daily Mail vào năm 2013, “Tôi bị ám ảnh bởi Hans Holzer, thợ săn ma vĩ đại nhất từ trước đến nay. Điều này đã hình thành ý tưởng trong tôi về bộ phim Ghostbusters”.
Alexandra Holzer, người tiếp tục di sản của cha mình, hợp tác với một chương trình điều tra huyền bí có tên The Holzer Files của Travel Channel.
Trong một cuộc phỏng vấn đăng trên Ghost Village vào năm 2005, khi được hỏi, ông muốn được tưởng nhớ như thế nào, Holzer trả lời: “Là một người luôn nói lên sự thật. Tôi không cần bia mộ. Nghĩa trang là vùng đất hoang phí, và tôi không tin vào bất kỳ hình thức tang lễ nào. Thân xác càng được thiêu sớm càng tốt. Nó thực sự chỉ là một cái vỏ”.