Tình yêu với Toán học
GS.TSKH.NGND Hoàng Xuân Sính cho biết: "Năm 1951, sau khi tốt nghiệp bằng tú tài 1 tại Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), ban Sinh ngữ, tiếng Anh và tiếng Pháp, tôi được cậu ruột đón sang Pháp học tiếp chương trình phổ thông, rồi lên đại học, chuyên ngành Toán học. Lý do chọn khoa Toán, không phải ngành sở trường của mình là theo quyết định của gia đình. Cha mẹ nói rằng nếu sau này muốn quay về xây dựng đất nước, thì phải học Toán và tôi đã nghe theo"
Theo GS.TSKH.NGND Hoàng Xuân Sính, mọi người vẫn cho rằng Toán học là ngành khoa học vừa khó, vừa khổ, không phù hợp với phụ nữ, nhưng bà học Toán một cách dễ dàng và tự nhiên, dường như Toán học đã chọn bà. Sau khi tốt nghiệp Đại học Toulouse (Pháp), bà đăng ký học lên Thạc sĩ Toán học, một cấp học khó thời đó, vì nhiều người "học đến bạc đầu" nhưng không đậu. Ở Pháp, chỉ có con cháu hai dòng họ danh giá Marie Curie và Langevin mới dám thi và có cơ may đỗ.
GS Hoàng Xuân Sính (ngoài cùng bên trái) và GS Toán học Alexandre Grothendieck (giữa) một lần sang Việt Nam. Ảnh: Gia đình cung cấp. |
GS Hoàng Xuân Sính sinh ngày 5/9/1933, quê làng Cót, Từ Liêm, Hà Nội. Năm 1951, sau khi tốt nghiệp bằng tú tài 1, ban Sinh ngữ, tiếng Anh và tiếng Pháp tại trường THPT Chu Văn An, bà sang Pháp học tiếp chương trình phổ thông, rồi đại học, chuyên ngành Toán học. Tốt nghiệp Đại học Toulouse, bà học lên thạc sĩ Toán học ở tuổi 26. Năm 1960, bà về giảng dạy tại Đại học Sư phạm Hà Nội. Tháng 5/1975, bà Sính quay lại, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Đại học Paris 7.
Nhưng với sự quyết tâm và bền bỉ, bà đã làm được điều hiếm hoi đó, ở tuổi 26. "Thật may mắn là tôi đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ quốc gia về Toán học, dưới sự hướng dẫn của nhà toán học nổi tiếng người Pháp Alexander Grothendieck. Nhớ tới lời dạy của Bác Hồ đối với anh chị em Việt kiều: "Mỗi người cố học giỏi lấy một nghề, sau này trở về phục vụ Nhân dân". Những lúc Tổ quốc gian khó nhất, là khi Nhân dân cần chúng ta nhất. Chọn con đường của nhiều trí thức yêu nước cùng thời, tôi biết, trở về chính là yêu nước" - GS.TSKH Hoàng Xuân Sính chia sẻ.
Dốc sức cho giáo dục và Toán học
Ba tháng sau khi nhận bằng Thạc sĩ, bà Hoàng Xuân Sính về nước, đến Bộ Giáo dục "xin việc" và chọn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Chiến tranh chống Mỹ, phải sơ tán, bà vừa dạy học vừa làm luận án Tiến sĩ, dưới sự hướng dẫn của thiên tài toán học thế kỷ XX, nhà toán học nổi tiếng người Pháp Alexander Grothendieck.
Trong suốt 8 năm làm luận án, bà chỉ nhận được 2 - 3 bức thư từ người thầy. Trước khi sang Paris bảo vệ luận án, bà đã trình bày kết quả nghiên cứu của mình tại Đại hội Toán học Việt Nam năm 1971 ở Hà Nội và Đại hội Toán học thế giới năm 1974 được tổ chức tại Vancouver (Canada).
GS.TSKH Hoàng Xuân Sính đã bước sang tuổi 92 nhưng vẫn đau đáu niềm đam mê với Toán học và trách nhiệm với giáo dục. |
Tháng 5/1975, bà sang Paris, bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ tại Đại học Paris 7, trước đông đảo giáo sư, tiến sĩ, các nhà khoa học Pháp và giới trí thức Việt kiều. "Đó là ngày vinh quang và hạnh phúc nhất trong cuộc đời tôi", Nhà giáo Hoàng Xuân Sính chia sẻ.
Trở về Việt Nam tiếp tục sự nghiệp sư phạm, với cương vị Chủ nhiệm Bộ môn Đại số (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), bà dốc sức đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ cho nhà trường. Bà cũng tham gia viết chương trình cho bộ môn, phân công giảng dạy.
"Những năm tháng đó qua đi trong khó khăn chung của cả nước, tôi tự hào là mình đã làm được nhiều việc cho nghề, cho giáo dục và cho Toán học", GS.TSKH.NGND Hoàng Xuân Sính hồi tưởng.
Trong số nhiều cống hiến cho giáo dục, có thể kể đến bản Luận án viết tay của của bà có tên "Gr-Catégories" (Gr -Phạm trù), gửi cho thầy giáo là Giáo sư Toán học nổi tiếng Alexandre Grothendieck năm 1973. Mới đây Bản luận án này đã được đưa về xuất bản tại Việt Nam.
Trong lời giới thiệu về "Gr-Catégories", GS Hà Huy Khoái, nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam chia sẻ, tác giả luận án tiến hành những nghiên cứu khoa học ở tầm rất cao trong điều kiện cô lập với cộng đồng quốc tế, thiếu thông tin, tài liệu, thiếu cả những phương tiện tối thiểu nhất như bút giấy, ánh sáng.