Làm từ thiện có trách nhiệm
Một số người siêu giàu trên thế giới đã ký vào thỏa thuận đặc biệt: Đầu tư một phần tài sản của họ theo cái cách có thể giúp cải thiện cuộc sống của nhiều người khác, thay vì đơn thuần “phát chẩn” hay đưa tiền vào các quỹ từ thiện.
Tham gia thoả thuận “ImPact” có nhiều tỉ phú USD. Đây là sáng kiến của Justin Rockefeller, người gọi tỉ phú quá cố John D. Rockefeller bằng ông cố và Josh Cohen (CEO của Công ty Tyden Ventures).
Trong số các thành viên sáng lập, còn có Liesel Pritzker Simmons (thừa kế tập đoàn khách sạn Hyatt Hotels, Jason Ingle (người gọi cố tỉ phú xe hơi Henry Ford bằng ông cố) và Jim Sorenson (con trai của tỉ phú James LeVoy Sorenson).
Sáng kiến mới này khá tương đồng với chương trình “The Giving Pledge” của hai tỉ phú Bill Gates và Warren Buffett, trong đó buộc những ai tham gia phải cam kết giao ít nhất phân nửa giá trị sản nghiệp của họ khi họ qua đời.
Tuy nhiên, điểm khác biệt là ở chỗ, thỏa thuận mới nhấn mạnh đến việc đầu tư chứ không nhắm đến cho tiền tiêu xài hay viện trợ.
“Không có số tiền nào hoặc khoản viện trợ nào có thể giải quyết được các vấn đề mà thế giới đang phải đối mặt - phụ trách điều hành Impact Abigail Noble nói – Chúng ta phải tận dụng cả hoạt động kinh doanh và các thị trường vốn, kết quả mới cao hơn.
Những nước công nghiệp hoá đang ở giữa làn sóng khởi nghiệp (start-up). Có thể gọi đây là “cuộc cách mạng kinh doanh”, cho giới trẻ nhiều chọn lựa hơn, khi bước chân vào thương trường và làm thay đổi diện mạo của việc sử dụng lao động trong thời hiện đại”.
Abigail Noble
Noble cho biết, bà đang tập trung liên hệ với những gia đình giàu và có ảnh hưởng nhất trên qui mô toàn cầu, đặc biệt là thế hệ trẻ lớn lên trong các gia đình này, những người muốn tiếp tục hoạt động đầu tư từ thiện mà cha mẹ, ông bà để lại.
Thỏa thuận “ImPact” đã xây dựng được mạng lưới toàn cầu gồm 125 thành viên từ ngày thành lập vào năm 2015.
Trong số thành viên tham gia có cả các tỉ phú đến từ Brazil và Hàn Quốc. Những người tham gia cam kết trên tinh thần tự nguyện là sẽ “tăng cường đầu tư vì tương lai của những người thiếu may mắn”.
Thỏa thuận dựa vào chữ tín chứ không có văn kiện pháp lý ràng buộc nào về số tiền phải đầu tư. Cũng không có qui định mức đầu tư tối thiểu. ImPact cũng không tiết lộ số tiền đầu tư của mỗi người vào hoạt động từ thiện. Mời gia nhập chỉ bằng thư chứ không có bản điều lệ hội viên.
Rút kinh nghiệm trong đầu tư từ thiện
Nhưng theo Noble, tính bình quân mỗi hội viên tham gia có sản nghiệp không dưới 700 triệu USD. ImPact sẽ theo dõi thành tựu tài chính các khoản đầu tư của từng thành viên và chia sẻ thông tin với các hội viên khác để học hỏi kinh nghiệm.
“Nhờ vậy, mỗi gia đình có thể so sánh các khoản đầu tư từ thiện của mình với người khác để xem ai sinh lợi hơn và hiệu quả hơn trong công tác từ thiện” - Noble nói.
Tỉ phú Jean Case đồng sáng lập Impact thông qua hội từ thiện Case Foundation mà bà và chồng, Steve Case (đồng sáng lập công ty AOL).
“Thỏa thuận là sợi dây kết nối các thành viên với nhau và cùng nhau đầu tư cho từ thiện. Sức mạnh và hiệu quả tăng thêm nhờ số đông” - Case nói. Bà cho biết thế hệ trẻ của các gia đình giàu có đã thay đổi cách làm từ thiện so với thế hệ cha ông.
Thay vì phát chẩn đơn thuần và cứu trợ mỗi khi xảy ra thảm họa, họ xem hoạt động từ thiện là “đầu tư thường xuyên” ngay trong trụ sở công ty gia đình.
Hoạt động từ thiện khi đó không còn là phân phối nữa, mà là những lợi ích khác, từ giáo dục đến nhà ở, việc làm và y tế cho những người cần sự trợ giúp.
Giúp người nghèo có một công việc, giúp người bệnh nghèo được chữa bệnh miễn phí, đưa con cái người khó khăn đến trường là những cách giúp đỡ có hiệu quả tốt hơn là phát cho họ một số tiền rồi ai về nhà nấy.
Việc sử dụng đồng tiền không được kiểm soát nên hiệu quả rất thấp” - Case nói. Bà cho biết số tiền các thành viên Impact đầu tư vào các hoạt động kinh doanh hoặc văn hóa xã hội vì mục đích từ thiện đã tăng từ 32% tổng giá trị tài sản của họ trong năm 2015 lên 45% trong năm 2017 (số liệu của Công ty tư vấn quản lý tài sản tư nhân U.S. Trust thuộc Ngân hàng Mỹ (Bank of America-BAC).
Noble hy vọng với cách làm mới của một nhóm nhỏ người giàu sẽ dẫn đến sự thay đổi mạnh mẽ trong phương pháp làm từ thiện của thời hiện đại.
Bất bình đẳng tại Mỹ cao hơn cả Kenya!
Danh sách các tỉ phú ký vào “cam kết Giving Pledge” hứa trao phân nửa sản nghiệp của họ cho quỹ từ thiện hiện đã lên đến 168 người.
Phát động từ năm 2010 bởi vợ chồng Bill-Melinda Gates (sản nghiệp 88,5 tỉ USD) và Warren Buffett (sản nghiệp 74,2 tỉ USD), mục tiêu của Giving Pledge là xóa nghèo, trợ giúp người tị nạn, nạn nhân thiên tai, tăng cường vị thế của phụ nữ, chăm sóc y tế toàn cầu, giáo dục, nghiên cứu y học, nghệ thuật, văn hoá, cải cách hệ thống tư pháp và bảo vệ môi trường.
Năm nay, trong danh sách 400 người Mỹ giàu nhất của tạp chí Forbes không có tên 169 tỉ phú, vì họ còn “nghèo” hơn những người lọt vào danh sách.
Trong số bị loại có giám đốc điều hành mạng xã hội Facebook, Sheryl Sandberg, với sản nghiệp trị giá 1,6 tỉ USD và nhà đầu tư Nelson Peltz với sản nghiệp trị giá 1,7 tỉ USD. Họ chưa đủ 2 tỉ USD để gia nhập vào top 400.
Bình quân, mỗi người trong danh sách 400 có 6,7 tỉ USD, tăng 6 tỉ USD so với năm ngoái. 267/400 người “tay trắng làm nên”, không dựa vào thừa kế.
Tổng cộng tài sản của 400 tỉ phú là 2,7 ngàn tỉ USD, tăng 0,3 ngàn tỉ so với năm ngoái nhờ thị trường chứng khoán khởi sắc. 8 tỉ phú giàu nhất có sản nghiệp tương đương với phân nửa dân số nghèo nhất thế giới.
Bill Gates đồng sáng lập Microsoft đứng đầu danh sách 24 năm liên tiếp. Các công ty công nghệ thống trị danh sách 10 người giàu nhất nước Mỹ, ngoài Gates còn nhà sáng lập tập đoàn Amazon Jeff Bezos, người giàu thứ 2 nước Mỹ trong năm 2017, rồi đến nhà sáng lập Facebook, Mark Zuckerberg, đồng sáng lập Công ty Oracle Larry Ellison.
Cựu thị trưởng New York, Michael Bloomberg, xếp thứ 8 và hai đồng sáng lập Google, Larry Page và Sergey Brin xếp thứ 9 và 10. Có 22 người lần đầu tiên có tên trong danh sách 400 và 14/22 “tay trắng làm nên”.
Trong khi những người giàu nhất nước Mỹ giàu thêm thì bất bình đẳng sản nghiệp tại Mỹ còn tệ hơn ở Kenya. Theo chỉ số Gini của CIA, điểm càng cao càng bất bình đẳng, năm 2017, nước Mỹ đạt 45 điểm trong khi Kenya đạt 42,5 điểm, Vương quốc Anh 32,4 điểm và Phần Lan 21,5 điểm.
Warren Buffett, Bill và Melinda Gates |
Thú đọc sách của người siêu giàu
Hai thiếu niên làm việc tại một cửa hàng tạp hóa tại Omaha, Nebraska. Đứa lớn hơn xuất thân từ một gia đình nghèo bị ảnh hưởng nặng bởi Đại suy thoái kinh tế Mỹ phải bán rong kiếm tiền.
Đứa trẻ hơn, cháu của một chủ cửa hàng tạp hóa phải bỏ đại học để làm những công việc vặt, từ bán chewing gum đến giao nước ngọt tại nhà. Mỗi đứa kiếm được 2 USD/ngày.
Nhưng vài thập niên sau, chúng kiếm được 20 tỉ USD mỗi năm trong công ty Berkshire Hathaway do mình sáng lập. Một người tên Charlie Munger, một người tên Warren Buffett.
Cả hai nhà đầu tư thành công này đều có thói quen đọc sách. Trước khi đầu tư vào thị trường chứng khoán, Buffett bỏ ra 80% thời gian rảnh rỗi trong ngày để đọc sách. Đến khi bắt đầu đầu tư ông vẫn đọc sách từ 500-800 trang/ngày.
Còn Charlie Munger, hiện 84 tuổi nói trước các sinh viên luật của một trường đại học: “Một trong những bí quyết thành công của tôi là đọc sách mỗi ngày, và đọc ít nhất là vài chục trang trước khi đi ngủ”.
Tỉ phú Elon Musk cũng mê sách từ khi còn là một đứa trẻ bị bắt nạt tại Nam Phi. Truyện thần tiên và khoa học giả tưởng đã giúp ông khuây khỏa.
Tỉ phú Bill Gates cho biết, ông đọc khoảng 50 cuốn sách mỗi năm mà đa số không phải tiểu thuyết. Năm 2015, tỉ phú Mark Zuckerberg của Facebook từng cổ động phong trào mỗi hai tuần đọc ít nhất là 1 cuốn sách.