Ứng viên tổng thống Đảng Cộng hòa Mỹ Donald Trump mới đây lại tiếp tục ‘làm dày’ thêm bảng sưu tập các phát ngôn gây sốc của mình bằng tuyên bố nếu Mỹ bị tấn công, người Nhật có thể sẽ ngồi nhà và xem TV Sony.
Ngày 5/8, ông Donald Trump có bài phát biểu tại bang Iowa, chỉ trích các quốc gia không đóng góp tài chính nhiều cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và những nước nhận sự bảo vệ từ Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc.
AFP dẫn lời ông Trump: “Chúng ta đều biết về hiệp ước với Nhật Bản rằng, nếu Tokyo bị tấn công, chúng ta sẽ sử dụng toàn bộ lực lượng và sức mạnh của Mỹ. Nhưng nếu chúng ta bị tấn công, Nhật Bản sẽ chẳng phải làm gì cả. Họ có thể sẽ chỉ ngồi nhà và xem TV Sony.”
Donald Trump: "Nếu Mỹ bị tấn công, Nhật Bản sẽ ngồi nhà xem TV Sony".
Ông cũng tỏ ra khá bất mãn khi cho rằng Washington ra sức bảo vệ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ả Rập Saudi và một số quốc gia khác, nhưng “họ lại không phải chi trả bất cứ khoản phí nào cho điều này”. Theo ông, "họ phải chi trả bởi vì bây giờ không như 40 năm trước, cần phải có một sự qua lại giữa hai bên”.
Sự liên minh của Nhật Bản với Mỹ về phòng thủ bắt đầu sau khi Thế Chiến II kết thúc. Mỹ hiện có khoảng 47.000 binh sĩ đồn trú tại Nhật Bản.
Trước đó, ngày 26/3, trong bài phỏng vấn với tờ The New York Times, tỉ phú Donald Trump đã nói rằng, Nhật Bản và Hàn Quốc nên tự phát triển khả năng răn đe hạt nhân để sẵn sàng đối phó với Triều Tiên và Trung Quốc, thay vì cứ nhờ Mỹ giúp đỡ. Ông Trump cho hay, nếu trở thành tổng thống, ông sẽ rút quân khỏi 2 nước trên trừ khi các nước này đóng góp nhiều hơn trong mối quan hệ với Mỹ.
Theo Donald Trump, Mỹ nên chuẩn bị ngừng bảo vệ đồng minh trừ khi các nước này chi trả nhiều hơn. Hàn Quốc và Nhật Bản tự phát triển vũ khí hạt nhân để tự vệ nhằm giảm bớt gánh nặng an ninh cho Mỹ.
Sau đó, vào tháng 4, ông Trump lại tiếp tục tuyên bố Nhật Bản cần chi trả cho việc quân đội Mỹ đóng quân tại đây hoặc phải "tự bảo vệ lấy mình".
Chính phủ Nhật Bản sau đó nhanh chóng lên tiếng phản bác bình luận của ông Trump và khẳng định ý kiến trên là "không thực tế". Bà Yuki Tatsumi, chuyên gia tại Chương trình Đông Á thuộc Trung tâm Stimson, trụ sở ở Washington, Mỹ, đánh giá, tuyên bố của tỷ phú Trump cho thấy một sự thật là ông rất thiếu những kiến thức cơ bản về chính sách đối ngoại.
Theo bà Yuki Tatsumi, việc ông Trump quả quyết rằng Nhật Bản cùng các đồng minh khác phải phụ thuộc vào chiếc ô an ninh của Mỹ là một nhận định sai lầm nghiêm trọng.
Theo Tatsumi chỉ trích mà ông Trump đưa ra không đúng với hoàn cảnh thực. Nhật Bản hiện vẫn trả một khoản tiền tương đối lớn nhằm trang trải các chi phí để lực lượng quân sự Mỹ duy trì hiện diện tại nước này. Theo một bản thỏa thuận có hiệu lực hôm 1/4, Nhật nhiều khả năng còn phải thanh toán tới 1,6 tỷ USD một năm trong vòng nửa thập kỷ tới. Mức chi này tăng nhẹ so với cùng kỳ 5 năm trước.
Để trấn an cả 2 nước Hàn Quốc và Nhật Bản về những tuyên bố của mình, ngày 20/5, Donald Trump cho hay sẽ bảo vệ Hàn Quốc và Nhật Bản nếu ông làm tổng thống. Tuy nhiên, vẫn đi kèm điều kiện là “họ chỉ trả cho chúng tôi một khoản tiền bé xíu so với mức chi phí. Tôi muốn họ phải chi trả”.
“Chúng ta không phải là nước có thể gánh trách nhiệm bảo vệ cho Ả Rập Xê Út, Đức, 28 nước NATO trong khi nhiều nước trong số đó không chi trả cho chúng ta. Họ không thực hiện điều mà họ đã thỏa thuận. Chúng ta như những kẻ đần độn khi phải bảo vệ mọi người. Chúng ta phải được hoàn tiền vì chúng ta không thể đủ sức”, ông Trump lập luận.
Với kỹ năng thương lượng của một doanh nhân, ông Trump nhấn mạnh rằng có thể giành lại lợi ích của Mỹ bị mất đi dưới chính quyền của đảng Dân chủ.
Ông Trump cho biết, có khoảng 28.000 lính Mỹ đang đóng quân tại Hàn Quốc. Nước này hiện chi khoảng 900 triệu USD mỗi năm, tức gần một nửa chi phí cho sự hiện diện của lính Mỹ tại đây, theo Yonhap. Các quan chức Mỹ, gồm chỉ huy lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc Vincent Brooks nói chi phí cho số lính Mỹ này nếu đóng quân ở Mỹ là cao hơn so với tại Hàn Quốc.
Ông Robert Gates, bộ trưởng quốc phòng đầu tiên dưới thời Tổng thống Obama, hồi tháng 6/2011, trong bài phát biểu cuối cùng tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), thẳng thừng cảnh báo, chính phủ Mỹ cũng có giới hạn ngân sách trước các quốc gia không muốn đóng góp nguồn lực, đồng thời sẵn sàng điều chỉnh chính sách để đảm bảo an ninh quốc phòng. Phát biểu của ông Trump, dù mang tính khiêu khích, phần nào phù hợp với quan điểm của cựu bộ trưởng Gates.
Quan điểm của Donald Trump thực tế phần nào phù hợp với quan điểm của cựu bộ trưởng quốc phòng đầu tiên dưới thời Tổng thống Obama, Robert Gates.
Trump cũng từng khiến cộng đồng quốc tế quan ngại hồi tháng 4 khi ông nhấn mạnh các nước thành viên NATO nên bắt đầu thanh toán phần của họ và rằng những nước không đóng góp nhiều cho NATO có thể không được Mỹ bảo vệ.
Khi được hỏi liệu Mỹ có đem quân tiếp viện trong trường hợp ba thành viên NATO vùng Baltic là Estonia, Latvia và Litva bị Nga tấn công hay không, ông Trump trả lời "Họ đã hoàn thành nghĩa vụ với chúng tôi chưa? Nếu họ đã hoàn thành nghĩa vụ của mình, câu trả lời là có".
Mỹ là nước đóng góp hơn 70% ngân sách hoạt động cho NATO, và Washington đã nhiều lần than phiền rằng các đồng minh không tích cực đóng góp tài chính cho hoạt động của khối.Tuy nhiên trong lịch sử chưa có bất cứ chính trị gia nào đưa ra kiến nghị "khác thường" như ông Trump.
Trước tuyên bố này của tỷ phú, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon nói với giọng đầy châm biếm: "Điều 5 Hiệp ước 1949 là một cam kết tuyệt đối. Nó không diễn ra với bất cứ điều kiện ràng buộc hay hạn chế nào". Điều 5 của hiệp ước này nói rõ rằng NATO sẽ bảo vệ bất cứ thành viên nào trong trường hợp nước đó bị tấn công. Cho tới nay, Điều 5 mới chỉ được kích hoạt một lần, sau khi Mỹ hứng chịu đợt tấn công khủng bố kinh hoàng ngày 11/9/2001.
Bất chấp những tuyên bố có phần sai lệch của Trump cũng như thực tế là ông thường xuyên bị giới chính khách Mỹ chỉ trích, nhà tài phiệt New York vẫn giành được nhiều ủng hộ, vươn lên trở thành ứng viên dẫn đầu đảng Cộng hòa trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Điều này phản ánh rõ nét mối bất đồng giữa những gì mà các nhà hoạch định chính sách hình dung về vai trò của Mỹ trên thế giới với điều cử tri kỳ vọng ở chính phủ.