Chuyện về 3 “cụ” sinh viên già nhất Việt Nam

Hai mái đầu trắng phau, một mái đầu “7 phần vôi, 3 phần tiêu muối” vẫn ngày đêm “chụm đầu vào nhau” trong một căn nhà ở TP Bắc Giang.

Chuyện về 3 “cụ” sinh viên già nhất Việt Nam

Không phải rượu, chẳng là chè, không phải cờ, cũng chẳng là “bạc” mà trước mắt họ là những… cuốn giáo trình.
Ba “cụ sinh viên” nhiều tuổi nhất đang học bài, đó là cụ Hoàng Ân (81 tuổi), cụ Nguyễn Văn Thành (74 tuổi) và ông Ngô Thế Hưng (55 tuổi).
"Học nhóm" ở tuổi... 80

Trong cái lạnh se sắt cuối đông, chúng tôi tìm đến căn nhà cấp 4 cũ kỹ trong một ngõ nhỏ của thôn Tân Phượng, xã Tân Mỹ, nơi có 3 cụ già đang miệt mài ngồi học. Thật khó tin khi đó là ba “cụ sinh viên” nổi tiếng nhất đất Bắc Giang và có lẽ cũng là cả nước vì tinh thần hiếu học.

Cụ Hoàng Ân râu tóc bạc phơ như một tiên ông, vì cụ bà phải qua nhà chăm sóc con gái mới sinh ở làng bên nên mấy lâu nay cụ ở nhà một mình. Cũng thành lệ, cứ mỗi lần cụ ở nhà, cụ Thành và ông Hưng, hai “bạn học đại học” lại kéo qua nhà cụ để cùng “học nhóm”.

Nhờ có hai ông bạn đồng môn vong niên này mà nhà cụ Ân lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười vui.

Xét về tuổi tác, “sinh viên” Hoàng Ân lớn nhất. Cụ sinh năm 1933, tính đến nay là tròn 81 tuổi. Trước đây, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên học đến lớp 6 thì cụ phải nghỉ học. Vì ham học, không chấp nhận số phận nên cụ tự học thêm đến lớp 8.

Lúc đó, cụ bắt đầu được tuyển vào làm ở Công Ty Ngoại Thương Hà Bắc. Năm 1970, vì thuộc diện “cán sự 2” nên cụ được lãnh đạo công ty cho đi học lớp dự bị Đại học Ngoại giao - Ngoại thương 1 năm rồi sau đó thi vào ngành Kế toán – Tài chính của trường Đại học Thương nghiệp.

Sau 5 năm học địa học, khi trở về quê, cụ được đề bạt làm Trưởng phòng Tài vụ của công ty Ngoại thương Hà Bắc. Cho đến năm 1980 thì cụ Ân được nghỉ hưu theo chế độ.

Ngay sau khi nghỉ hưu, không như những người già khác thường lấy thú vui điền viên nghỉ ngơi làm trọng để giữ gìn sức khỏe, cụ Hoàng Ân lao vào nghiên cứu và viết sử địa phương. Niềm đam mê từ thời trẻ của cụ đã được dành rất nhiều thời gian.

Càng nghiên cứu càng hăng. Càng phát hiện ra nhiều điều thú vị của lịch sử quê hương cụ càng mê mải, càng thấy như khỏe ra.

Thế rồi cụ đi khắp chốn tìm tòi tư liệu, đứng ra tổ chức nhiều cuộc hội thảo lớn nhỏ, có những cuộc tầm “làng xã” nhưng cũng có những cuộc quy mô “trung ương”.

Điển hình là hội thảo về nguồn gốc, lai lịch và công trạng của 5 vị tướng họ Vương ở đền Cao (Chí Linh, Hải Dương).

Nơi học tập quen thuộc của 3 cụ sinh viên
Nơi học tập quen thuộc của 3 "cụ sinh viên".

Trở thành sinh viên khi... 74 tuổi

Cũng vì niềm đam mê với lịch sử quê hương mà cuộc sống của cụ Ân rẽ sang ngả khác. Chả là vì đóng vai trò người chủ trì các cuộc hội thảo nên cụ phải viết rất nhiều tham luận và báo cáo.

Thấy những bản tham luận của mình rất lộn xộn, lủng củng và dài dòng nên cụ đã quyết định phải đi học để có được một phương pháp luận khoa học.

Thế là cụ lại…đi học! Lần này, cụ chọn một ngành mới toanh: Luật kinh tế. “Tôi chọn ngành Luật Kinh Tế của Viện Đại học Mở để học vì đây là ngành học có cả luật lẫn kinh tế.

Tôi học ngành này với mục đích có kiến thức và lý luận để cân nhắc, để mọi vẫn đề sao cho khoa học. Và quả đúng như tôi mong muốn, sau một thời gian học, tôi đã nắm vững hơn hệ thống lý luận và phương pháp luận khoa học.

Càng học tôi càng cảm thấy mê đắm việc nghiên cứu sử. Càng nghiên cứu tôi càng tìm ra những “chân trời mới” và “chân trời” ấy là động lực khiến một cụ già như tôi lao vào nghiên cứu sử quên tuổi tác”, cụ Ân nói.

Cụ Hoàng Ân cho biết, khi cụ bày tỏ ý định học thêm đại học, con cháu trong gia đình rất vui mừng ủng hộ. Và chính nhờ tấm gương hiếu học của cụ mà 14 người cháu của cụ đã noi gương ông mình, nỗ lực học lên thạc sỹ và đại học.

Tính đến nay, cụ đã có 4 người cháu là thạc sỹ, 10 người là cử nhân. Ngoài ra, trong quá trình học, cụ cũng được rất nhiều nhà khoa học tìm về tận nơi động viên, khuyến khích.

Cuộc đời sinh viên của cụ cũng có nhiều điều thú vị! “Những ngày đầu làm sinh viên có nhiều chuyện hài hước lắm. Người ta thấy tôi tóc chải ngược, đầu bạc phơ… cứ tưởng mình là Giáo sư nên khoanh tay chào rất lễ phép.

Nhiều người vừa gặp đã hồ hởi hỏi: “Thưa Giáo sư, Giáo sư về giảng dạy ở trường nào thế ạ?”, “Giáo sư dạy môn gì ạ?”. Người ta hỏi, tôi buồn cười lắm nhưng không dám cười.

Có hôm có người hỏi: “Giáo sư đi tìm ai?”. Tôi trả lời: “Tôi đi tìm chữ” thế rồi cả người hỏi và người trả lời phá lên cười vì người ta biết tôi là sinh viên”, cụ Ân hài hước kể.

Thẻ sinh viên của cụ Hoàng Ân
Thẻ sinh viên của cụ Hoàng Ân.

"Mối tình" vong niên

Bạn học địa học của cụ Hoàng Ân là cụ Nguyễn Văn Thành (74 tuổi), nguyên là một Trưởng phòng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang.

Cụ Thành bảo, mình nung nấu ý định học thêm từ rất lâu nhưng khi gặp cụ Ân thì mới đưa ra quyết định cuối cùng. Mục đích việc đi học của cụ Thành là muốn nắm chắc hệ thống văn bản pháp luật để có thể tư vấn cho người dân quê mình những công việc thường nhật một cách đúng luật.

Bạn học trẻ tóc mới “7 phần vôi, 3 phần tiêu muối” của cụ Ân là ông Ngô thế Hưng (55 tuổi), vốn là cán bộ quân đội nghỉ hưu. Ông Hưng từng có 12 năm hoạt động trong lĩnh vực điều tra hình sự của quân đội.

Việc theo học ngành Luật Kinh tế, ngoài mục đích nắm vững hệ thống kinh tế thì ông còn muốn có đủ kiến thức để mở một văn phòng luật sư riêng. Tuy nhiên, khác với cụ Ân, ngày ông Hưng bày tỏ ý định đi học của mình, vợ con và một số người thân của ông tỏ vẻ không đồng tình.

“Lúc làm hồ sơ đi học, vợ con tôi bảo: “Thôi ông nghỉ hưu rồi ở nhà mà nghỉ ngơi, học hành làm gì nữa cho mệt”. Nhưng tôi nghĩ, việc học không bao giờ là muộn, mình học để nâng cao hiểu biết và để các con cháu mình sau này lấy đó mà phấn đấu.

Thêm nữa, tôi muốn hành nghề luật sư cần phải có trình độ chuyên môn trên cơ sở kinh nghiệm sẵn có” – “ông sinh viên trẻ” Ngô Thế Hưng nói.

Từ những ngày đầu đi học cho đến nay, cả 3 cụ đều gắn bó với nhau như những “người bạn” mặc dù khoảng cách tuổi tác giữa họ khá lớn. Thường thì các buổi học của họ diễn ra vào thứ Bảy, chủ nhật hàng tuần.

Cứ đến giờ đi học, cụ Thành hoặc ông Hưng sẽ đi xe từ nhà mình qua nhà cụ Ân cách đó 7km để đón cụ đi học. Trong suốt 4 năm ròng rã, bất kể trời mưa hay nắng, họ luôn đồng hành với nhau trên từng chặng đường.

Trong quá trình học họ còn chia sẻ với nhau từng cuốn giáo trình, từng kinh nghiệm quý và mang cơm đi ăn cùng nhau mỗi buổi trưa ở trường.

Đặc biệt, cứ đến mùa thi, cả 3 “cụ sinh viên” lại tập trung ở nhà cụ Ân để học nhóm và ngủ chung cùng nhau trên một cái giường theo đúng nghĩa…sinh viên!

Nói về cái sự học của mình, cụ Hoàng Ân chia sẻ rằng Viện Đại học Mở và Bộ Giáo dục & Đào tạo từng nhiều lần mời cụ lên Hà Nội tham sự lễ khai giảng ở một số trường để nêu gương.

Cụ cũng được Ban Giám Hiệu Viện Đại học Mở tặng toàn bộ giáo trình liên quan đến ngành học trong suốt 5 năm và được giảm 50% học phí, được lớp miễn toàn bộ quỹ lớp.

Cụ Ân cho rằng nhờ việc học đại học đã giúp mình luôn cảm thấy khỏe mạnh và linh hoạt. Cho đến nay, dù đã ở ngưỡng “U90” song mỗi lần đọc sách báo hoặc nhìn lên bảng cụ Ân vẫn không hề đeo kính. Thậm chí, nhiều đêm cụ còn thức trắng để hoàn thành các bài nghiên cứu về lịch sử địa phương.

Điều đặc biệt, cả 3 “cụ sinh viên” dù dành rất nhiều thời gian cho việc học nhưng vẫn có đủ thời gian để chăm sóc gia đình và niềm đam mê nghiên cứu sử.

Cả 3 đều có ý định sẽ dùng những kiến thức đã học được để dồn cho những dự án nghiên cứu lịch sử địa phương và tư vấn pháp luật cho người dân trước khi họ “gần đất xa trời”.

Theo Gia đình và Xã hội

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ