"Làng anh, làng em” thì không được lấy nhau
Theo các cụ cao niên trong làng, chuyện trai gái hai làng không được lấy nhau đã có trong hương ước từ xa xưa. Hương ước được truyền từ đời này sang đời khác, hiện nay vẫn còn được lưu giữ, trai gái hai làng chỉ xem nhau là anh em, không được lấy nhau.
Trò chuyện về quy ước “có một không hai” này, bà Mai Thị Nhạy (72 tuổi, làng Động Bồng, xã Hà Tiến), cho biết, trai gái làng Động Bồng và làng Chánh Lộc coi nhau như anh em ruột thịt, không kết duyên vợ chồng bằng câu ca dao “Bao giờ chạch đẻ ngọn đa, sáo đẻ dưới nước thì ta lấy mình”.
Theo bà Nhạy, câu ca dao có dụng ý nói đến những điều khó, hiếm hoặc không thể xảy ra trong cuộc sống, nó cũng giống như việc kết hôn của trai gái làng Động Bồng và làng Chánh Lộc vậy.
Lý giải về chuyện này, bà Nhạy cho hay, đó là hương ước chung của hai làng. Hương ước có từ hàng trăm năm trước, gắn liền với việc kết chạ (kết giao anh em). Sống gần gũi, gắn bó với nhau như vậy nhưng tuổi trẻ hai làng chẳng dám yêu đương nhau, như có một bức tường vô hình ngăn cản họ không được có tình cảm với nhau.
Tiếp câu chuyện về “hương ước kỳ lạ” của ngôi làng tọa lạc dưới chân núi Tượng Sơn, ông Bùi Xuân Thùy (75 tuổi, làng Động Bồng) cho biết, xưa kia có một người đàn ông gốc Trung Quốc, sau này người dân gọi là Tống Quốc sư, đi khai hoang, lập ấp ở vùng đất ven bờ sông Hoạt, huyện Hà Trung.
Quá trình xây dựng hai làng, người này đã huy động xây dựng làng Chánh Lộc trước, rồi lập làng Động Bồng sau. Hai làng ở hai bên dòng sông Hoạt. Làng Chánh Lộc được gọi là làng anh, còn Động Bồng là làng em. Người dân hai làng qua lại, thân tình với nhau như anh em ruột thịt, mà đã ruột thịt thì không được lấy nhau.
Trải qua hàng trăm năm, có những trường hợp trai gái của hai làng yêu nhau nhưng vì hương ước nên các cặp đôi phải chia tay, không nên duyên vợ chồng. Nếu phát hiện chàng trai, cô gái nào của hai làng có nảy sinh tình cảm nam nữ, những người lớn trong nhà, cao niên trong làng sẽ nhắc nhở.
Ông Thùy cũng cho biết, thực hiện quy định trong hương ước, người dân của hai làng thường xuyên qua lại, giúp đỡ nhau như anh em trong nhà. Đồng thời, việc xưng hô, chào hỏi nhau cũng phải tuân thủ quy định của “làng anh, làng em”.
Ngôi đền cổ kính nằm giữa làng Động Bồng. (Ảnh: TG) |
Phá vỡ “hương ước”, hạnh phúc dở dang
Dù không phải là người sinh ra ở Động Bồng hay Chánh Lộc nhưng bà Phạm Thị Đan (người làng Bái Sơn, xã Hà Tiến) đã nghe về “truyền thuyết” trai gái Động Bồng và Chánh Lộc từ bao đời không ai được bén duyên với nhau qua lời kể của các bậc cao niên trong làng, ngoài xã.
Theo bà Đan, hơn 40 năm làm dâu ở làng Chánh Lộc, bà Đan cho biết chỉ mới chứng kiến một trường hợp vì không nghe theo lời khuyên ngăn của gia đình mà đôi trẻ “cố sống, cố chết” đến với nhau.
Đó là trường hợp con trai nhà ông C., lấy vợ bên Động Bồng. Hai người yêu nhau lắm, một mực muốn phá vỡ hương ước hàng trăm năm của làng. Ngăn cản không được, gia đình hai bên đành chấp nhận cho cưới.
Thế nhưng, sau một thời gian chung sống, đến nay hai người đã “đường ai nấy đi”. Việc đổ vỡ ấy càng khiến người dân hai làng tin rằng phá vỡ hương ước nên mới dẫn đến hậu quả như vậy.
Ông Bùi Xuân Thùy khẳng định trai gái hai làng cả trăm năm không lấy nhau. (Ảnh: TG) |
Theo ông Phạm Văn Đạt (69 tuổi, làng Chánh Lộc), trải qua hàng trăm năm, con trai, con gái ở hai làng hiểu hơn ai hết về quy định của làng.
“Tôi nhớ khi còn trẻ, tôi cùng nhiều người bạn sang bên làng em (làng Động Bồng) chơi, cũng có một số đôi yêu nhau khăng khít lắm nhưng khi gia đình biết chuyện thì họ đành chia tay nhau”, ông Đạt kể.
Ông Đạt cho biết, bản thân ông trước đây cũng có yêu một cô gái ở Động Bồng, nhưng đến khi được ông nội trò chuyện, khuyên nhủ rằng không nên vi phạm hương ước của làng nên ông đành “lỡ duyên”.
Ông Mai Đức Chinh, Phó Chủ tịch UBND xã Hà Tiến, cho biết, hương ước “không kết duyên” của hai làng có từ thời xa xưa và hoàn toàn có thật. Đến nay, hương ước này vẫn được người dân lưu giữ.
Theo ông Chinh, làng Động Bồng hiện nay có 327 hộ dân với 800 nhân khẩu. Qua rà soát danh sách công dân đăng ký kết hôn từ năm 2020 đến nay, không trường hợp nào người có hộ khẩu tại hai làng Chánh Lộc và Động Bồng kết hôn với nhau.