Chuyện tình của chiến tướng lập công thống nhất Triều Tiên

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Thuở ấy do việc chiến tranh giành lãnh thổ và dân chúng xảy ra liên miên nên những người được xã hội trọng vọng là những chiến binh tài giỏi.

Tượng đài tướng quân Kim Yu Shin.
Tượng đài tướng quân Kim Yu Shin.

Ba quốc gia được hình thành trên bán đảo Triều Tiên, đó là Silla (từ năm 57 TCN đến 935 SCN), Goguryeo (từ năm 37 TCN - năm 668 SCN) và Baekje (năm 18 TCN - năm 660 SCN). Mặc dù bị phân chia bởi lãnh thổ và nhà nước nhưng ba vương quốc này có quan hệ về mặt dân tộc và ngôn ngữ. Câu chuyện sau đây xảy ra trên vương quốc Silla.

Thuở ấy do việc chiến tranh giành lãnh thổ và dân chúng xảy ra liên miên nên những người được xã hội trọng vọng là những chiến binh tài giỏi. Để có được những dũng sĩ tài ba, trung tín, triều đình Shilla cho lập một tổ chức đặc biệt gọi là Biệt đội Hwarang (Biệt đội Hoa lang, tiếng Anh gọi là “Flowering Knights”).

Tuy mang một cái tên hiền lành để chỉ lứa tuổi đẹp như hoa trong đời nam nhân nhưng biệt đội này là niềm vinh dự, tự hào của lớp thanh niên và mọi người dân khắp các vùng. Muốn đứng vào đội ngũ của Hwarang phải là những chàng trai có sức khoẻ, đa tài, dũng cảm.

Về đời sống tinh thần, đạo đức, tác phong, họ rèn luyện và tuân thủ theo các nguyên tắc: 1) Trung với vua; 2) Hiếu thuận với phụ mẫu; 3) Tín nghĩa với bạn hữu; 4) Khi lâm trận không lùi, bỏ chạy; 5) Không được chết một cách vô ích. Thực chất tổ chức này đã cơ cấu để hình thành một nhóm hiệp sĩ của nước Tân La (Silla) - 1 trong 3 vương quốc ở khu vực bán đảo Triều Tiên - cùng với Bách Tế (Baekje) và Cao Câu Ly (Goguryeo).

Về mặt huấn luyện, họ được triều đình cử những tướng lĩnh, văn quan giỏi đến doanh trại biệt đội để giảng dạy, rèn tập toàn diện. Về quân sự, họ phải học binh thư cùng các phép cưỡi ngựa, bắn cung, sử dụng các loại vũ khí như gươm, đao, kiếm, kích... Về văn hoá, nhân văn họ học triết học, đạo đức, thơ ca, âm nhạc, hội hoạ, múa hát, phép ứng xử.

Biệt đội Hwarang đã đào luyện nên những chàng trai văn võ tinh thông, quả cảm, đã xuất quân là thắng địch, là lực lượng nòng cốt, chủ lực của quân đội Silla và trong số các dũng sĩ của biệt đội nổi lên một số nhân tài kiệt xuất.

Sử sách hay nhắc đến một nhân vật phi thường trong lịch sử Triều Tiên, người góp công lớn tạo nên vương triều Tân La thống nhất hơn 1.500 năm trước… đó chính là đại tướng Kim Yu Shin (Kim Dữu Tín).

Tranh vẽ tướng quân Kim Yu Shin.

Tranh vẽ tướng quân Kim Yu Shin.

Năm 668, sau những chiến thắng oanh liệt, trở về triều, Kim được vua ban tước Quốc công và nhiều tặng vật quý báu. Kim Yu Shin được coi là tướng quân kiệt xuất nhất của 2 triều đại Vũ Liệt Vương (654 - 661) và Văn Vũ Vương (661 - 681). Văn Vũ Vương đã trở thành quốc vương đầu tiên của Tân La thống nhất, nhà nước tồn tại gần 300 năm (từ 668 đến 935) thời vương quốc Silla được yên ổn hoà bình, phú cường. Mấy năm sau, Kim cáo lão về quê.

Năm 610, vào một sáng mùa Đông đầy tuyết lạnh, một thiếu niên nhỏ tuổi được chú là quý tộc dẫn đến ra mắt biệt đội, để rồi sau mấy năm miệt mài luyện tập, chàng quý tộc trẻ tên là Kim Yu Shin đã trở thành một kiếm sĩ thượng thặng, linh hồn của biệt đội.

Trẻ tuổi, hào hoa, Kim yêu một ca kỹ. Tiếng Triều Tiên gọi là Kisaeng (giống như geisha của Nhật). Lee Wha (tên ca kỹ) là người thon thả, da trắng xanh, giọng nói du dương nhưng buồn, cằm nhọn, địa các hẹp, hay hát, múa rất dẻo.

Nàng quyến rũ và mau nước mắt, mỗi khi có chuyện buồn hay bị Kim Yu Shin hiểu lầm, nàng thường gục đầu khóc tức tưởi và đi thất thểu như con chim gặp đe dọa đang chạy trốn. Hồi ở quê, có bậc trưởng lão nhìn cô một hồi lâu rồi buồn bã nói một mình: “Tội nghiệp, một bông hoa rực rỡ, tiếc thay số phận sớm tàn”.

Còn Kim là một người vuông vắn, da sẫm, mũi to, miệng rộng, môi dưới hơi trề ra, mắt xếch ẩn dưới đôi lông mày rậm và giao nhau. Thấy hai người quá say nhau, nhưng nàng Lee Wha thỉnh thoảng vẫn thất thểu, đấm ngực khóc, bà chủ quán khuyên nàng rằng: Chàng Kim sẽ là người có danh vọng, nhưng cặp lông mày chàng biểu lộ là người khó chung tình, đừng nên quá hy vọng.

Chàng Kim lúc đầu yêu lắm, gần một năm, hầu như tối nào cũng cưỡi ngựa đến chỗ nàng Lee để chứng tỏ tấm lòng mình. Có khi nàng Lee và người tình im lặng ngắm nhìn nhau; có khi 2 người trò chuyện, âu yếm; có khi nàng Lee múa những điệu uyển chuyển; có khi nàng ngồi trong lòng chàng và hát như bài tình ca bay bổng.

Từ chỗ là một kiếm sĩ hàng đầu, do chểnh mảng luyện tập, Kim bị thất bại liên tiếp trong giao đấu, các lĩnh vực khác Kim học hành cũng chẳng kết quả. Chàng bị các thầy khiển trách, bạn bè khinh miệt, chế giễu.

Trong gia đình chàng khi biết tin ai cũng nổi giận, thậm chí người mẹ luôn yêu quý Kim càng giận dữ, bà đến tận biệt đội mắng mỏ Kim một trận nghiêm khắc, dọa sẽ từ bỏ con.

Đau khổ cùng cực, Kim lao vào tập luyện để quên mối sầu. Một hôm tập xong, sau khi phi nước kiệu được một đoạn đường, Kim gục vào cổ ngựa ngủ thiếp đi, quen đường cũ, chú ngựa vô tình lại đưa Kim đến quán Kisaeng.

Tỉnh dậy, nhớ lời mẹ dặn, sợ thầy, lo bạn trách, Kim vừa hối hận, vừa lo phải đối mặt với tình yêu. Nhưng mấy ngày vắng chàng Kim, Lee Wha đã hiểu hết, lúc đó nàng vờ gọi khách đến trò chuyện có vẻ thân mật rồi kín đáo mở cửa sổ để Kim nhìn thấy.

Nổi giận, tưởng người yêu phản bội, Kim thề độc trước mọi người rằng sẽ không bao giờ quay lại quán nữa, nói xong để chứng tỏ lời mình, Kim vung gươm chém chết con ngựa đã mang chàng tới đó.

Kim về, còn Lee Wha không chịu nổi thất vọng nàng lao đầu qua cửa sổ rơi xuống đất chết ngay. Chôn chặt mối oan tình, Kim đi vào núi tự tập luyện liền trong 7 năm mới trở về biệt đội.

Với tài năng thực sự của mình, Kim được bổ làm tướng, trực tiếp chỉ huy biệt đội Hwarang, rồi được nhà vua phong làm đại tướng quân trong quân đội hoàng gia.

Năm 655, Kim được cử làm thống soái của toàn quân Silla, liên minh với quân nhà Đường (Trung Quốc) đánh tan được quân đội của vương quốc Baekje và Goguryeo, thống nhất toàn cõi thành nước Silla mới.

Năm 673 vào một ngày Đông lạnh giá, bên mộ nàng Lee Wha có một ông già quý phái đi xe song mã đến, ông quỳ xuống khấu đầu bên mộ nàng kỹ nữ một hồi lâu rồi mới trở về. Mấy ngày sau ông đột ngột ra đi, thọ 78 tuổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bầu Đức dự đám cưới Hồng Duy tại Gia Lai.

Hồng Duy tái hợp Hoàng Anh Gia Lai?

GD&TĐ - Hồng Duy và loạt ngôi sao, cựu thành viên của Học viện Hoàng Anh Gia Lai JMG có cơ hội trở lại thi đấu cho đội bóng phố Núi ở mùa giải tới.