Chuyện tình ấy đẹp như cổ tích, được truyền tụng trong nhiều thôn làng của người Jrai nơi đây như một câu chuyện đặc biệt về tình yêu đôi lứa, về tình người vẫn được các già làng kể lại ngày ngày cho lũ làng nghe như một sử thi.
Trong ngôi nhà ấy, tiếng cười vẫn bật lên thường xuyên
Lời tỏ tình bất ngờ
Ngày ngày, bên đống lửa giữa nhà rông, già làng A Mơng (xã Ia Mơ Nông, Chư Păh, Gia Lai) lại ngồi kể cho lũ làng, kể cho đám trẻ nít nghe câu chuyện về người phụ nữ Jrai đặc biệt của làng đã có được một tình yêu bất ngờ và đẹp hươn cả cổ tích. Đấy là chuyện tình của chị Rơ Châm Bôm (sinh năm 1969), người vẫn đang sống giữa làng.
Chị bị khiếm thị bẩm sinh. Cái tên Bôm của chị, theo tiếng Jrai có nghĩa là “người mù”. Từ nhỏ khi biết chị khiếm thị, mọi người đều gọi chị như vậy. Cũng bởi thế, cái tên Bôm cũng đi luôn vào các giấy tờ tùy thân của chị, như một khẳng định về sự thiệt thòi, tăm tối sẽ đeo bám chị suốt đời. Từ nhỏ cuộc sống của chị đã rất khó khăn.
Mà nói chính xác, chi tiết hơn là thuộc hàng khó khăn nhất trong số những người bị khiếm thị nơi cao nguyên này, bởi hoàn cảnh gia đình nghèo khó nhất vùng. “Hồi nhỏ nó đi lại, sinh hoạt khó khăn lắm. Cứ thấy nó mò mò đi lại, khi ăn cơm thì cứ giơ tay bốc cơm, có lúc hơ tay ra ngoài khiến tay dính đầy đất, rồi lại bốc cơm ăn, thấy mà tội nghiệp lắm.
Tôi nhớ có lần nó đi theo lũ bạn chơi quanh làng, bất chợt trời đổ mưa khiến đường trơn, nó bị ngã trầy xước khắp người!”, già làng làng A Mơng – ông Rơ Châm Yêh, trầm ngâm kể lại.
Hằng ngày vợ chồng chị Bôm – anh Hyac và bố mẹ chị Bôm sống chung với nhau đầy đầm ấm.
Dù bị khiếm thị, vốn là sự khiếm khuyết lớn nhất của đời người, nhưng chị Bôm từ nhỏ vẫn luôn tỏ ra lạc quan trước mặt mọi người. Tuy nhiên nhiều khi ở một mình chị cứ ngước mặt lên, tư thế giống như những người bình thường nhìn xa xăm, để nghĩ về sự bất hạnh, sự thiệt thòi của mình mà ứa nước mắt. Nhưng số phận thực tàn nhẫn, nào thay đổi được dễ dàng.
Chị nghĩ vậy, nghĩ về cái sự thiệt thòi của mình mà cố gắng sống, mong một ngày nào đó ông trời sẽ cho mình một niềm vui, sự thỏa nguyện, chị Bôm nói thế. Dù bị khiếm thị, nhưng dần dần chị vẫn làm được nhiều việc như người bình thường, nhờ một trí nhớ và sức khỏe tốt.
Hằng ngày chị vẫn làm những việc lặt vặt trong nhà, thậm chí chị còn đi cõng nước từ giọt nước cách nhà mấy trăm mét. Quả là những sự cố gắng rất lớn của chị. Chị nghẹn ngào bảo nhiều lúc nghe thấy bạn bè tấp nập đi chơi trong những ngày lễ hội, đám cưới trong làng, chị cũng thèm được chạy, thèm được nhìn thấy cảnh mọi người vui vẻ lắm. Nhưng mình chỉ nhìn thấy một màu đen thôi.
Mặc dù vậy, những điều đấy cũng chưa phải điều khiến chị buồn nhất. Trong khi những đứa bạn gái cùng tuổi với chị lấy chồng từ mười lăm mười sáu, rồi sống trong sự xum vầy hạnh phúc, thì chị vẫn mãi vò võ một mình. Bên cạnh chị là bố mẹ, nhưng bố mẹ cũng mỗi ngày một già hơn, như những trái chuối chín trên cây đầu làng.
Ba người anh em của chị đã có gia đình và ra ở riêng từ lâu, giờ đây có người đã lên chức ông, chức bà rồi. Thế mà chị vẫn phải ngày ngày lầm lũi với sự tối tăm, lặng lẽ. Buồn lắm! Những con đường trong làng hầu như chị đều nhận biết được hết, chị có thể đi chơi khắp làng mà không bị lạc. Nếu bị lạc thì chỉ cần người làng chỉ tí xíu là chị biết đường về nhà ngay. Tuy vậy vẫn không tránh được vô số khó khăn, bất tiện.
Rồi một ngày kia, có một người đàn ông đã đến với chị, như một tia sáng bất chợt xuất hiện ở gần cuối cái đường hầm của cuộc đời, mà nói theo cách của chị là “ông trời cho mình chồng đó”. Anh là Rơ Châm Hyac (sinh năm 1984). Bồi hồi nhớ lại những chuyện của “thủa ban đầu lưu luyến ấy”, anh Hyac kể: “Mình gặp Bôm trong một lần đi chơi, cách khi mình bắt làm vợ chừng 4, 5 năm.
Ban đầu Bôm để lại ấn tượng với mình, dù không nhìn thấy gì nhưng rất biết cố gắng trong cuộc sống. Lâu dần cái bụng mình ưng lắm!”. Dẫu rằng nhà anh khá nghèo khó, nghèo khó còn hơn cả nhà chị.
Nhưng một người lành lặn, bình thường như anh đủ khả năng lấy được một người con gái có bề ngoài “hoàn hảo” hơn chị, lại còn khá trẻ, ít hơn chị tới 15 tuổi. vậy mà thành thực, anh chỉ giãi bày được là anh đã “thương chị từ bao giờ”, và muốn “bắt” chị về làm vợ. Đơn giản thế thôi.
Mối tình cổ tích với điều ước ngoài tầm tay với
Thế rồi anh chị đến với nhau, vượt qua mọi ngăn trở thường tình bằng lời cầu hôn giản dị, chất phác, như chính tâm hồn những người Jrai nơi đại ngàn, nhưng cũng chứa đựng yêu thương lớn lao không kém bất kì tình yêu nào. Anh hỏi chị: “Em lấy anh không?”. Lúc ấy chị ngỡ ngàng một lát, vì cứ nghĩ cả đời này sẽ không có ai ưng mình hết.
Chị Bôm hằng ngày vẫn đi lại, sinh hoạt một cách chậm rãi, cẩn thận.
Nhưng qua phút ngỡ ngàng, chị trả lời không ngần ngại: “Lấy chứ, nhưng cưới xong anh đừng có bỏ trốn đấy nhá!”, chị đùa vui nói như thế, vì cũng tưởng anh chỉ đùa vui mà thôi. Kể lại khoảnh khắc tỏ tình ấy, cả hai anh chị cùng cười lên một cách hạnh phúc. Anh nhìn qua chị với cái nhìn đầy đắm đuối, trìu mến, chị cũng hướng về anh với nụ cười tươi rói. Tôi cứ ngỡ lúc này cũng giống như lúc anh chị đang tỏ tình cách nay ba năm vậy.
Đám cưới của đôi vợ chồng nghèo được tổ chức đơn sơ sau đó ít lâu, vào tháng 3/2012. Tháng 3 Tây Nguyên ấy cũng đẹp như bao nhiêu tháng 3 khác, đầy nắng và gió, đầy tình cảm, đầy sôi động, chân chất và ngọt ngào như cái tính người tây nguyên vốn vậy.
Anh bảo, đám cưới ấy chỉ có “rượu ghè thôi, không có gì hết”. Kể xong hai anh chị lại cười vang. Tôi hỏi anh ít hơn chị mười mấy tuổi như vậy, khi lấy nhau có ngại không, có ai cười chê gì không, anh cười và nói quả quyết: “Dù ai có nói gì mình cũng không ngại, vì mình thực lòng ưng Bơm mà. Trong làng cũng có một số người thi thoảng cũng giúp đỡ vợ chồng mình ít nhiều trong lúc khó khăn.
Nhưng người làng họ có miệng thì họ cứ nói này nói nọ thôi, mình sao cấm được”. còn chị thì cười ngượng nghịu: “Lấy chồng xong mình thấy vui lắm. Từ nhỏ tới giờ ngày lấy chồng là ngày mình cảm thấy vui cái bụng nhất đấy!”.
Đám cưới xong, anh chuyển qua ở chung với chị, tiện thể chăm sóc thêm cho bố mẹ chị. Hai ông bà đang ngày một già yếu, nhưng hằng ngày vẫn cố gắng làm những việc nhẹ nhàng như thái cây chuối, cho heo ăn, nấu cơm. Chị cũng chẳng làm được gì nhiều hơn, chỉ thêm vài việc nặng nhọc hơn như đi cõng nước, giặt giũ quần áo. Còn đâu hầu như mọi việc nặng nhọc trong nhà đều do anh làm hết.
Từ khi lấy vợ anh hay cười nói hơn, ít đi chơi hơn, nhưng “hình như” anh lại trở nên gầy hơn. “Từ lúc lấy nhau chồng nó chăm chỉ đi làm lắm. Nhà nó ngoài mảnh vườn chừng 2 sào đang trồng cà phê ra, cũng có ít ruộng lúa nước, với vài sào rẫy . Nhưng ruộng nhà nó ở xa và hay thiếu nước lắm, một năm chỉ trồng được 1 vụ lúa thôi, trong khi ruộng người khác trồng được 2 vụ. Rẫy nhà nó cũng chừng năm bảy sào, mà xa nhà quá. Rẫy nó mấy năm trước toàn trồng mì, năm nay chồng nó mới dành ra một nửa để trồng cà phê đấy”, già làng tấm tắc khen đôi vợ chồng “cọc cạch” này.
Rằng bốn năm nay về ở với nhau, gia đình chị Bôm – anh Hyac có xảy ra chuyện bất hòa, chuyện “động chân động tay” không, già làng Yêh một mực khẳng định: “Chuyện cãi nhau, bất hòa thì gia đình nào mà tránh được.
Nhà nó cũng vậy. Nhưng mình thấy vợ chồng nó chỉ cãi nhau sơ sơ thôi, rồi sau đó làm lành ngay, không khi nào đánh nhau đâu”. Anh Hyac nói chắc nịch: “Bây giờ dẫu có cô gái nào trẻ hơn Bôm, bề ngoài đẹp hơn Bôm muốn lấy mình, mình cũng không ưng cái bụng đâu, mình không bỏ Bôm đi theo nó đâu”.
Từ ngày “thương” chị tới nay đã 6, 7 năm, anh Hyac luôn canh cánh trong lòng làm sao chữa khỏi mắt cho chị: “Mình muốn chữa khỏi mắt cho Bôm lắm, muốn Bôm nhìn thấy mình cười, nhìn thấy ông mặt trời nắng chói, nhưng nhà mình và cả nhà Bôm đều nghèo quá. Mình cũng mấy lần chở Bôm đi bệnh viện khám mắt, nhưng bệnh viện ở Gia Lai nói muốn chữa khỏi vào vào Sài Gòn, chữa tốn kém nhiều tiền lắm, cỡ vài trăm triệu cơ. Mình đang gắng nuôi mấy con bò, chờ nó lớn rồi lấy tiền đi chữa mắt cho Bôm!”.
Hằng tháng chị Bôm được trợ cấp 300 ngàn, cộng với số tiền anh đi làm thuê làm mướn được và lúa mì anh làm ra, chỉ đủ những bữa cơm đạm bạc rau mắm, chứ chẳng dư ra được mấy đồng. Chẳng biết đến bao giờ hai anh chị mới dành dụm đủ tiền để thực hiện cái ước mơ của cả cuộc đời ấy, hay chỉ biết chờ đợi phép màu từ “ông trời”.
Còn chị, tuy cũng luôn mong ước rằng mắt mình “sáng” như mắt người bình thường. Nhưng cái mong ước ấy không lớn bằng mong ước có một đứa con kháu khỉnh cho vui cửa vui nhà, khi mà hai anh chị lấy nhau đã 3 năm nay. Mới đây khi dành dụm được ít tiền, anh đã chở chị đi khám tổng quát cả cơ thể, may mắn là ngoài việc bị khiếm thị, chị không mắc phải một căn bệnh nào khác.
Còn anh, anh cũng dự định ít lâu sau, khi đã dành dụm được một số tiền nho nhỏ, anh sẽ đi khám xem mình có mắc bệnh gì không. “Mình mong ông trời cho mình một đứa con lắm. Có một đứa con để ngày ngày mình bế, mình chăm sóc thì vui cửa vui nhà lắm. Không có con mình buồn quá”, chị ngậm ngùi, vừa nói vừa nở một nụ cười gượng gạo.
Hi vọng hai vợ chồng anh sẽ không phải chịu thêm nỗi đau buồn nào khác, ngoài bao nhiêu sự thiệt thòi, cực nhọc đã và đang trải qua. Thay vào đó là những niềm vui, hạnh phúc, sự may mắn, tốt đẹp ngập tràn, như chính chuyện tình yêu đẹp như cổ tích của họ vậy.