Chuyện tình của ông Phong "gàn"

GD&TĐ - Thực ra Phong cũng như bọn trẻ con cùng trang lứa ở trong cái làng Đan này, mải chạy chơi lêu bêu. Thầy u Phong lại là nhà có của ăn của để. Những nhà có của ăn của để thường lo sớm chuyện nhân duyên cho con cái.

Chuyện tình của ông Phong "gàn"

Nghĩa là Thầy u cậu dựng vợ cho cậu. Dâu đón về hôm rằm tháng Giêng. Cỗ cưới linh đình với ba con lợn mổ. Phong hôm đó mặc bảnh, quần tây vải xanh sĩ lâm, chân dận đôi giầy ba ta trắng viền xanh, áo sơ mi trắng cổ cồn có thắt thêm chiếc nơ màu cánh trả, nhìn ra dáng như con nhà giàu có ngoài phố huyện.

Cô dâu tên là Sen, người thôn Tháp cùng xã. Sen vừa mười bảy tuổi, da trắng hồng như cánh hoa sen, má đỏ như quả đào chín, cô hơn Phong bốn tuổi.

Đêm động phòng, Phong được u dắt tay, cậu ngúng nguẩy. U dắt cậu tới sát cửa buồng cô dâu thì ẩn người cậu vào trong đó rồi kéo sập cửa. Bà đứng quay lưng vào cửa buồng, hai chân khuỳnh ra chẹn lối.

Năm ấy mưa xuân đến sớm, hơi xuân hừng rực thúc lộc bung thành lá, nhìn xanh nõn. Hơi xuân hừng rực phả hôi hổi vào buồng cô dâu. Sen nằm một mình, ngọ nguậy mà chẳng tài nào vào giấc. Bàn tay Sen lần lần mép chiếu. Mỗi đêm cô cấu từng chiếc cuống chiếu đặt bên cạnh gối. Đã tới chiếc cuống chiếu thứ mười lăm.

***

Tiếng “cấc, cấc, cấc” gõ liên tục ba nhát nhắc mọi người trật tự. Chẳng ai sợ tiếng “cấc” ấy. Mọi người rì rầm rộ hơn. Vẫn là mấy bà sồn sồn. Đàn bà bao giờ cũng là những người đưa chuyện đầu tiên.

- Mấy người có trông thấy bà ấy về không nhỉ?

- Bà nào hử?

- Bà Sen chứ bà nào.

- Không thấy cái vòng hoa toàn hoa sen trắng à?

- Bà Sen hồi ấy bỏ nhà chồng lên Hà Nội là khôn.

- Lão Phong này gàn bỏ mẹ. Gàn lắm nên giờ chết có ma nào khóc đâu.

- Phủi phui cái mồm thối.

Đoàn người đưa ma chợt dồn lại, họ tới đoạn đường mới trải bê tông chiều qua nên phải chờ nhau để dạt sang đi ở hai bên vệ cỏ.

- Các bà không biết đấy thôi lão Phong này cũng đào hoa lắm.

- Có mà đào... đào... đất.

***

Ông Phong tuổi Mậu Tý. Những ai đứng canh Mậu nếu không ương ương thì cũng bảo thủ. Năm Phong hai mươi tuổi, tức là cuối hè năm 1968, trên về tuyển quân. Hôm huyện làm lễ giao quân, Phong được cử lên đọc bản quyết tâm thư. Lời lẽ hùng tráng lắm. Việc Phong được cử lên đọc quyết tâm là bởi vì anh là con trai độc mà xung phong đi bộ đội thật đáng nêu gương cho mọi thanh niên noi theo.

Cánh lính mới vận quần áo mới tinh, tập trung thành đội ngũ nhìn ai cũng như ai. Phải vất vả lắm Hồng mới tìm thấy Phong cho dù cô đã theo dõi anh đọc quyết tâm thư. Hồng tìm đến chỗ Phong đứng. Cô rân rấn nước mắt hệt như mấy cô có chồng đi bộ đội đợt này. Phong vừa quay lại thì nhìn thấy cô Hồng. Anh nguẩy đi hòng lẩn đôi mắt của cô Hồng.

Nhưng Phong không tránh được. Hồng tới sát bên cạnh. Cô dúi vào tay anh một bông hoa hồng bạch cánh còn e ấp. Mắt cô nhìn anh đầy nhớ thương cứ như họ là một đôi vậy. Rồi Hồng lại dúi tiếp vào tay anh một tờ giấy gấp tư. Đó là lá thư Hồng gửi cho anh.

“Anh Phong yêu và thương.

Anh lên đường chân cứng đá mềm. Anh lên đường yên tâm hoàn thành nhiệm vụ. Anh lên đường hãy yên lòng vì ở quê nhà đã có chúng em đêm ngày hướng ra tiền tuyến dõi trông.

Em Hồng”.

***

- Có bác Hiệp đây. Có phải là bác đi bộ đội cùng lão Phong không?

- Chúng tôi ở cùng tiểu đội.

- Bác nói giúp em cho mấy tay này sáng mắt ra. Có đúng là hôm các bác lên đường bà Hồng viết thư như vậy cho lão Phong không?

- Đúng đấy.

- Em là em còn nghi ngờ.

- Chính tôi cũng được đọc thư ấy mà.

- Bác chắc chứ?

- Chắc như cua gạch luôn.

- Bà Hồng kể cũng... gàn chẳng kém gì lão Phong gàn này. Ai đời người ta chẳng ngó ngàng gì đến mình mà mình lại cứ mê mệt người ta mới lạ chứ.

- Chưa hết đâu. Năm sau bà Hồng đi thanh niên xung phong vào tuyến lửa. Bà ấy muốn tìm gặp tay Phong mà.

- Chiến trường rộng lớn. Đâu bé như cái làng Đan mà tìm.

- Kể yêu sâu đậm đến nỗi không đi lấy chồng như bà Hồng cũng hiếm. Lão Phong này tìm mãi đâu xa để tới khi chết vẫn giai tân.

- Rồi lại nghĩ lão Phong khi nghỉ hưu về làng thì hai ông bà ấy ở với nhau. Cũng rồi không. Lão Phong không gàn thì cũng hâm nặng.

- Ông ăn nói cẩn thận đấy.

- Hìii. Vào tay tôi á. Tôi cưới phéng bà Hồng cho lành. Người làng với nhau đi đâu mà thiệt. Đằng này lão Phong lại tơ tưởng mãi tận đẩu tận đâu. Thế mà bà Hồng vẫn còn viếng một vòng hoa toàn hoa hồng bạch mới lạ.

- Ông nói chuyện gì thế?

- Chuyện này các bác chưa nghe à?

- Chuyện gì?

- Chuyện lão Phong lại đi mê người con gái khác ở đẩu đâu ấy.

- Phịa.

- Em bảo đảm trăm phần trăm luôn. Nếu trật, em sai mụ vợ em mổ đôi ngỗng thết các bác trận rượu phạt.

- Thế thật à?

Sắp tới nghĩa địa. Người lãnh đoàn quay hẳn mặt về phía sau, ông đi giật lùi, tay gõ nhịp.

- Bác nói nhanh lên đi.

- Nhanh cái gì?

- Còn hỏi lại nữa. Chốc nữa lại khó nói chuyện.

- Bác sợ em không dám thịt đôi ngỗng à. Thua em cũng thịt, thắng em cũng thịt. Các bác với em chẳng họ hàng gì với lão Phong nhưng lão một thân một mình chẳng may cảm hàn mà chết chẳng có ai làm cỗ thì nghe nó chạnh lòng lắm. Em làm thịt đôi ngỗng, thì coi như mình ăn cỗ đám ma lão Phong.

- Chú cũng được đấy. Bọn tôi là chưa nghĩ ra chuyện cỗ bàn này. Thôi, nói cái chuyện lão Phong mê gái trước đã.

- Xem ra các bác cũng thích nghe chuyện giai gái. Các bác không thấy cái vòng hoa toàn hoa cúc trắng kia à?

- Lão Phong này sướng thật. Toàn hoa trắng gửi viếng. Này tôi hỏi thực nhé. Có đúng là lão Phong này còn “gin” không? Tôi nghi lắm. Thằng đàn ông nào chẳng giống thằng nào. Không gái gú thì hóa ra mình là sư à.

- Bác tưởng đã là sư thì không có đấy. Có biết sư thầy chùa Nhã không? Chiều thứ Bảy nào sư thầy cũng trút bộ quần áo nhà chùa, diện quần bò áo phông trông ngon giai lắm. Thầy cưỡi “con dem” phóng vù lên Hà Nội. Ai biết đấy là đâu. Đá còn đổ mồ hôi nữa là người.

- Mà lão Phong này cũng làm cán bộ to chứ bỡn. Giám đốc nông trường gì gì trong Tây Nguyên.

Đã tới nghĩa địa. Ông Tào quản trang, đã đợi sẵn, ông giơ phèng la lên gõ “phẻng phẻng” nghênh đón. Người lãnh đoàn gõ “cấc, cấc” đáp lễ. Những thanh âm báo hiệu sắp đến giờ vĩnh biệt vậy mà vẫn không có tiếng khóc tru lên thảm thiết như những đám ma thường thấy. Chỉ thấy là sau đó vang lên tiếng đất hất xuống huyệt rào rào.

Tiếng mai đập vào thân mộ phập phập. Ngôi mộ loáng cái đã thành hình. Nó nổi cái màu thâm nâu của đất mới giữa vạt cỏ xanh rì. Lần lượt từng vòng hoa một được đưa tới. Vòng hoa sen trắng phủ đầu mộ. Vòng hoa hồng bạch phủ gần hết lưng mộ. Vòng hoa cúc trắng thơm hoảng hoắc được đặt dưới phần đuôi mộ.

- Người gửi vòng hoa cúc trắng viếng là người đàn bà mà ông Phong đem lòng yêu đến nỗi ông ấy không thể yêu ai khác được.

- Ai nói với chú vậy?

- Rứa mới tài.

- Nói nhanh lên còn về thịt ngỗng.

- Để em gọi cú phôn cho mụ vợ em. Mình về tới nhà là có chén ngay.

- Thôi. Ngỗng chờ cuối năm lớn thêm rồi thịt. Mua thịt chó cho tiện. Lão Phong cũng khoái thịt chó lắm. Dương sao âm vậy. Khi còn sống khoái món gì thì khi chết cúng món đó.

- Là bác nói đấy nhé. Hìii. Thế khi em chết bác nhớ cúng cho em cái ấy nhé. Hàng mã cũng được. Ấy. Em suýt quên.

- Quên gì?

- Bà Hồng nhắc em. Nhớ đưa ma xong thì mời giúp các bác về nhà bà ấy xơi rượu. Gọi là rượu mừng.

- Rượu mừng?

- Bà Hồng bà ấy bảo, mừng người đàn ông đã trở về làng. 

***

Bà Cúc đợi cho đám đưa ma kéo nhau ra về vãn hẳn mới chậm rãi bước xuống, bà lặng lẽ ngồi bên cạnh ngôi mộ mới đắp. “Anh ở dưới đó thanh thản nhé”. Bà Cúc sau hồi im lặng để bình tâm thì bắt đầu nói. Bà nói thật nhẹ, thật khẽ, bởi lúc này chỉ có một mình bà với “ông Phong”. “Giá ngày đó anh mạnh dạn hơn thì có khi đã khác”.

Bà Cúc nhớ lại ngày bà với ông Phong còn là bạn học cùng lớp ở Trường Trung cấp Thủy lợi. Bà bồi hồi nhớ lại buổi tối trước ngày Phong về làng để đi bộ đội. Anh đứng nấp sau trái nhà dãy bên kia, Phong phấp phỏng chờ Cúc từ dãy nhà dành cho nữ sinh bước ra sân bóng chuyền. Phong đứng bồn chồn mà Cúc vẫn còn chưa bước ra ngoài.

“Thú thực là hồi đó em... em có cảm tình với anh nhưng là cái cảm tình của sự quý mến”. Bà Cúc nói ngập ngừng, trong sâu thẳm lòng mình, bà bồi hồi nhớ lại hôm bất ngờ gặp Phong.

Hôm đó cũng nắng như hôm nay. Chỉ khác là nắng cao nguyên cao hơn và khô khát hơn. Hôm đó, Cúc vừa từ ngoài rẫy cao su về tới lán công nhân thì thấy Phong đợi trước cửa phòng cô. Anh đứng như đã đứng đó rất lâu. Mặt mày bám bụi, môi run run.

Cúc cũng sững sờ “Sao anh biết em ở đây?”, “Anh không thể nào quên được em”. Phong đã tự tin hơn. “Nhưng... muộn… muộn mất rồi anh ạ”. Cúc hốt hoảng trả lời. “Không ai thay thế được Cúc ở trong tim anh”. Anh Phong cũng hốt hoảng nói, giọng lạc đi. “Anh biết Cúc đã... đã nhận lời… anh Tùng. Anh Tùng rất tốt. Anh mừng cho Cúc”.

***

Nắng ban trưa bắt đầu dữ dội. Bất chợt như hữu ý cả ba vòng hoa trắng đắp trên lưng ngôi mộ ông Phong đồng loạt bung nụ. Thứ màu trắng tinh khôi nổi bật giữa cái nền đất mới đắp. Mấy người đàn ông đứng xa xa, hình như họ còn chút chùng chình nên ánh mắt đều trông về phía ngôi mộ ông Phong. Có người bùi ngùi cất tiếng.

- Không hiểu dưới kia lão Phong gàn có cảm nhận được không nhỉ?

- Ông nói cảm nhận cái gì?

- Thì đấy. Có ba người đàn bà với ba vòng hoa trắng ứng tên của mình với tên từng loài hoa.

- Gì thì gì cả ba người đàn bà trong đời ông Phong đều đáng khen. Họ đâu chỉ có nghĩ đến chuyện “nghĩa tử là nghĩa tận”. Chuyện đối nhân xử thế như thế này bây giờ hiếm lắm.

- Thôi ta về đi. Để cho lão Phong gàn được thanh thản.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ