Hoàn thiện đội ngũ
Ông Lê Mỹ Phong, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết: Từ năm 2014 đến nay, Cục Quản lý chất lượng tổ chức tuyển chọn và cấp thẻ cho 346 kiểm định viên chất lượng giáo dục. Trong số này có 9 người được đặc cách và 337 người đạt yêu cầu qua các kỳ tuyển chọn. Kiểm định viên được các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục sử dụng chung; có nhiệm vụ bồi dưỡng, tập huấn, cập nhật kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ này. Thẻ kiểm định viên có giá trị trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày cấp.
“Sau khi ban hành Thông tư số 60/2012/TT-BGDĐT quy định về kiểm định viên kiểm định chất lượng giáo dục, ngày 14/5/2013, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 18/2013/TT-BGDĐT quy định về chương trình đào tạo kiểm định viên kiểm định chất lượng giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp. Sau đó, Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ đào tạo kiểm định viên cho 3 cơ sở đào tạo (ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP Hồ Chí Minh và ĐH Đà Nẵng). Từ tháng 3/2014 đến nay, các cơ sở này thực hiện 57 khóa đào tạo cho 2.154 người tham dự và cấp chứng chỉ hoàn thành chương trình đào tạo cho 1.714 người” – ông Lê Mỹ Phong cho biết thêm.
Để có thể hoàn thành tốt công tác và mục tiêu kiểm định chất lượng giáo dục, yếu tố nhân lực là quan trọng nhất. Nhấn mạnh điều này, ông Lê Vinh San, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), cho rằng: Chúng ta cần có đội ngũ kiểm định viên đầy đủ số lượng và bảo đảm chất lượng. Ngoài đội ngũ kiểm định viên được đào tạo đánh giá theo bộ tiêu chuẩn của AUN-QA (ASEAN University Network là bộ tiêu chuẩn kiểm định do mạng lưới các trường đại học hàng đầu của khu vực Đông Nam Á thiết lập), hầu hết kiểm định viên của Việt Nam do các Trung tâm Kiểm định đào tạo. Mặc dù đội ngũ kiểm định viên còn mỏng, nhưng đa phần là chuyên gia có uy tín trong lĩnh vực giáo dục, có kinh nghiệm dày dặn trong quản lý ở các cơ sở giáo dục đại học lớn.
Tuy nhiên, cũng theo ông Lê Vinh San, chúng ta cần nỗ lực hơn nữa để đáp ứng cả về số lượng và chất lượng đội ngũ kiểm định viên, nhằm đáp ứng yêu cầu hoàn thành kiểm định tất cả cơ sở giáo dục đại học và các chương trình đào tạo vào năm 2023. Ngoài ra, còn một số lượng lớn các chuyên gia được cấp chứng chỉ hoàn thành khóa đào tạo nhưng chưa tham gia các hoạt động kiểm định. Bên cạnh đó, hầu hết kiểm định viên hiện tại đều kiêm nhiệm các nhiệm vụ tại cơ sở giáo dục đại học dẫn đến khó khăn trong việc hoàn thành tốt công tác kiểm định, đặc biệt là kiểm định chương trình đào tạo.
“Nhằm chuyên nghiệp hóa và nâng cao chất lượng đội ngũ kiểm định viên, việc đầu tiên cần làm là tách Trung tâm Kiểm định ra khỏi các cơ sở giáo dục đại học như Luật Giáo dục đại học sửa đổi đã ban hành, khi đó các Trung tâm Kiểm định mới xây dựng được đội ngũ kiểm định viên chuyên trách, chất lượng”, ông Lê Vinh San đề nghị.
Sẽ yêu cầu cao hơn về tiêu chuẩn
Liên quan đến đội ngũ thực hiện công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục, theo ông Lê Mỹ Phong, trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị, tập huấn để tăng cường năng lực cho các đơn vị, cá nhân tham gia các hoạt động bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục trong cả nước.
Năm 2020, Bộ GD&ĐT tổ chức 2 đợt tập huấn cho 30 cán bộ nòng cốt về công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học của 5 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục (tháng 10 - 11/2020). Đội ngũ cán bộ được tập huấn lần này sẽ làm báo cáo viên tập huấn cho đội ngũ (khoảng 750 – 2.000 người) thực hiện công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục của các cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm trong năm 2021.
“Để nâng cao năng lực cho đội ngũ thực hiện công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục, trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo thực hiện việc tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục các cơ sở giáo dục đại học và trường cao đẳng sư phạm. Tiếp tục duy trì và tăng cường việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ thực hiện công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục. Phát triển số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ kiểm định viên” – ông Lê Mỹ Phong cho hay.