Chuyên nghiệp, hiệu quả hơn quyên góp cứu trợ

GD&TĐ - Những ngày này, người dân cả nước một lòng hướng về các tỉnh phía Bắc bị thiệt hại bởi bão số 3.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Những ngày này, người dân cả nước một lòng hướng về các tỉnh phía Bắc bị thiệt hại bởi bão số 3. Nhiều hoạt động thiện nguyện đã, đang được các tổ chức, cá nhân triển khai. Tuy nhiên, sẽ là không thừa khi phải nhắc lại rằng, hoạt động từ thiện, cứu trợ, quyên góp cần được thực hiện cẩn trọng, chuyên nghiệp, hiệu quả hơn.

Đây là yêu cầu hoàn toàn xác đáng, bởi thực tế, trong mùa mưa bão năm 2020, đã có nhiều cá nhân đứng ra kêu gọi đóng góp từ các nhà hảo tâm. Thế nhưng việc sử dụng các nguồn lực này lại được dư luận đánh giá là chưa, kém, thậm chí không minh bạch nên đã yêu cầu phải có sao kê của các ngân hàng.

Nhìn nhận khách quan, đây là việc cần thiết vì sẽ tăng cường sự tin tưởng của cộng đồng, xã hội, nâng cao hiệu quả của hoạt động từ thiện, qua đó, thu hút thêm nhiều nhà hảo tâm tham gia. Hơn nữa, pháp luật cũng đã có quy định về vấn đề này.

Cụ thể, tại mục 2, Nghị định 93/2021/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo quy định, cá nhân khi vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện có trách nhiệm thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận đối với tiền; địa điểm tiếp nhận đối với hiện vật; thời gian cam kết phân phối và gửi bằng văn bản đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú...

Cá nhân mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện. Bố trí địa điểm phù hợp để tiếp nhận, quản lý, bảo quản hiện vật đóng góp tự nguyện trong thời gian tiếp nhận. Có biên nhận các khoản đóng góp tự nguyện bằng tiền mặt, hiện vật tiếp nhận được khi tổ chức, cá nhân đóng góp yêu cầu.

Cá nhân không được tiếp nhận thêm các khoản đóng góp tự nguyện sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận đã cam kết và có trách nhiệm thông báo đến nơi mở tài khoản về việc dừng tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện...

Việc phân phối, sử dụng nguồn đóng góp từ thiện căn cứ vào nguồn đóng góp tự nguyện của từng cuộc vận động, tiếp nhận, cá nhân có trách nhiệm thông báo với Ủy ban nhân dân nơi tiếp nhận hỗ trợ để phối hợp xác định phạm vi, đối tượng, mức, thời gian hỗ trợ và thực hiện phân phối, sử dụng theo đúng cam kết tại khoản 1, Điều 17 và quy định tại Nghị định 93/2021/NĐ-CP, kể cả đối với những khoản đóng góp có điều kiện, địa chỉ cụ thể.

Các khoản đóng góp tự nguyện do cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố phải bảo đảm tính công khai, minh bạch.

Cá nhân có trách nhiệm mở sổ ghi chép đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, phân phối tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện theo đối tượng, địa bàn được hỗ trợ, bao gồm những khoản tiếp nhận có điều kiện, địa chỉ cụ thể nếu có…

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định cá nhân thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố có trách nhiệm cung cấp thông tin theo yêu cầu của các cơ quan chức năng có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Thời điểm này, khi những hành động đẹp đang được lan tỏa, vẫn có không ít những cá nhân lợi dụng tình hình thiên tai để trục lợi, lừa đảo như giả mạo là thành viên của các tổ chức, cơ quan để kêu gọi quyên góp, chuyển tiền vào tài khoản cá nhân để chiếm đoạt.

Hoặc đã và đang xảy ra tình trạng các đoàn cứu trợ mang quá nhiều thực phẩm, đồ dùng không phù hợp lên vùng lũ, trong khi điều kiện bảo quản, sử dụng không có hoặc còn hạn chế dẫn đến hư hỏng, lãng phí. Nên, khi các quy định của pháp luật đã có, vấn đề còn lại là sự chuyên nghiệp trong quản lý và tạo niềm tin cho người dân, các tổ chức khi tổ chức thực hiện các hoạt động quyên góp, cứu trợ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.