Khai trước tòa hôm 29/10, một cựu lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh nói rằng, thời điểm năm 2013 - 2015, hễ đơn vị nào “chạy” được vốn thì đơn vị đó trúng thầu như một lẽ dĩ nhiên, dù không có văn bản nào quy định điều đó.
“Chạy” xin vốn ở đây được hiểu là nguồn vốn từ Trung ương nhưng không nằm trong kế hoạch hằng năm rót về cho địa phương, hoặc sẽ rót về nhưng chậm. Điều đó có nghĩa là, đã tồn tại đường dây “chạy vốn” cho các dự án ở địa phương.
Chợt nhớ đến câu chuyện “nèn và nún” từng xảy ra ở các dự án “chạy vốn” này. Dạo ấy (khoảng năm 2009 - 2010), Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng đã ra văn bản cấm 34 doanh nghiệp xây dựng tham gia đấu thầu từ 1 - 3 năm với lý do là sao chép hồ sơ dự thầu nhưng vẫn để nguyên “nèn và nún”!
Hai từ này không có trong tự điển tiếng Việt, chẳng qua là do nói ngọng mà thành. Nói ngọng nhưng viết cũng “ngọng” nốt nên mới xảy ra cơ sự bị rút phép như thế. Doanh nghiệp A đã “chạy” được vốn, coi như đã trúng thầu. Để hợp thức hóa chuyện đấu thầu, doanh nghiệp A phải “mượn” thêm hai - ba doanh nghiệp nữa làm “chân gỗ”.
Các “chân gỗ” này chỉ ký tên đóng dấu vào hồ sơ mời thầu, còn nội dung ra sao thì họ không quan tâm vì có doanh nghiệp A lo từ A đến Z rồi. Vì vậy, các hồ sơ dự thầu đều giống nhau về nội dung, chỉ khác nhau về giá bỏ thầu. Ai bỏ giá thấp nhất thì “trúng thầu”, dĩ nhiên không ai khác ngoài doanh nghiệp A - người đã chạy được vốn.
Trong hồ sợ dự thầu có các hạng mục như cần bao nhiêu xe máy để lèn chặt những nơi bị lún. Nhưng người soạn văn bản trong hồ sơ dự thầu lại nói ngọng và viết cũng “ngọng” nốt nên mới có chữ “nèn và nún” thay vì “lèn và lún”.
Cả ba hồ sơ dự thầu đều ghi “nèn và nún”. Khổ thân, khi xem xét hồ sơ, cán bộ thẩm định dự án của Bộ Giao thông Vận tải phát hiện ra chi tiết “sao y văn bản” này nên mới cấm 34 đơn vị không được tham gia đấu thầu các dự án về giao thông từ 1 - 3 năm!
Không phải đến phiên tòa xét xử các cựu quan chức gần đây người ta mới biết đã từng tồn tại các đường dây chạy vốn, đã có những “chân gỗ” trong các phi vụ đấu thầu (giả), từng có những “sân sau” của các quan chức ở địa phương… mà từ rất lâu rồi, những chuyện như thế diễn ra ở một số địa phương. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói rằng, nhiều bí thư, chủ tịch các tỉnh như những “ông vua con” chính là chỗ này.
Mụ mị trước sự cám dỗ của đồng tiền, nhiều người đã phải vào vòng lao lý. Để rồi ra tòa, ai cũng tỏ ra ăn năn hối hận vì trót nhúng chàm. Thế nhưng, tình trạng “chạy dự án”, “thông thầu”, “sân sau” ở nhiều nơi đâu đã chấm dứt. Và như vậy, câu chuyện “nèn và nún” dạo nào vẫn cứ xảy ra dù có thể ở một hình thức khác.