Chuyện một gia đình Ba Na hiếu học

Chuyện một gia đình Ba Na hiếu học

(GD&TĐ) - Ở làng Măng La Ktu - xã Ngok Bay (TP Kon Tum) có một gia đình người dân tộc hiếu học tiêu biểu. Đó là gia đình anh A Teoh - chị Y Deh người Ba Na. 

Học được là nhờ… vợ

Chở tôi trên “con ngựa sắt” của mình, chị Thanh - cán bộ Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum quả là “tay lái lụa” vượt qua những cung đường rừng cây vắng lặng, đầy góc cua nguy hiểm để tìm đến Trạm y tế xã Ngok Bay. Ở đó, anh A Teoh - người Bana (52 tuổi), Phó trưởng trạm rất bận rộn với công việc. Nghe chị Thanh giới thiệu, anh cười bẽn lẽn và khiêm tốn: “Thì tại mình nghèo, con cái lại đông nên phải ráng làm để cho các con có điều kiện ăn học, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống và để sau này tương lai đám nhỏ được đàng hoàng hơn. Thôi đừng nói nhiều, hãy về nhà mình rồi sẽ rõ thôi mà!”.

Lại đi qua những con đường đất đỏ, chúng tôi về làng Măng La Ktu của anh. Trên đầu dốc làng, bên những rặng cây bụi, phóng tầm mắt ra xa, chúng tôi mới thấy dòng sông Đăk Bla – được mệnh danh là dòng sông chảy ngược đại dương - đang lượn lờ chảy qua làng thật là tuyệt đẹp. Trong ngôi nhà nhỏ của A Teoh, chị vợ Y Deh (49 tuổi) đang hý hoáy bên chiếc máy may còn cậu con trai A Tưk đang chơi một bản nhạc trên chiếc đàn organ, bên cạnh đó, cô gái nhỏ Y Hồng đang lắng nghe anh đàn một cách chăm chú. A Teoh nói anh đã làm ở Trạm y tế xã Ngok Bay đã 31 năm rồi. Anh tóm lược tiểu sử của mình: Trước giải phóng, anh học lớp 4 trường tiểu học Kim Phước (thị xã Kon Tum). Lớp 5, giải phóng, anh học trường tiểu học Măng La ở xã Ngok Bay, lên lớp 6 anh học ở Trường cấp 2 Măng La. Đến tháng 4.1978 anh lập gia đình. Tháng 8.1978, anh bắt đầu học ở Trường Y tế dân lập (khóa 2) thị xã Kon Tum. Anh bảo: “Mình đi học được, một phần là nhờ bà vợ đấy!”.

Vợ chồng anh Y Teoh
Vợ chồng anh Y Teoh

Chị Y Deh cười hiền lành và kể lại những ngày khốn khó lo cho chồng con học hành: “Hồi giải phóng xong, con cái trong làng Măng La Ktu này đều không có điều kiện đi học vì tụi nó phải trông em cho bố mẹ đi làm. Hồi đó (1978 – 1979) ảnh đi làm, tui phải đi buôn trên vùng cao qua xã Sa Bình – huyện Sa Thầy, đi bộ theo đường sông Đăk Bla, ba chị em phải đi từ sáng sớm, gùi cơm mang theo ăn. Lúc đó tui nghĩ phải làm để tiết kiệm tiền cho anh đi học vì không có ai giúp đỡ cả. Tui siêng lắm nên mới nuôi ảnh học được. Ảnh ăn cơm ở ngoài thị xã mỗi bữa chỉ được 2 chén cơm thôi, còn sáng ra thì ảnh ăn củ mì. Nhiều người cùng đi học với ảnh, khổ quá nên nghỉ học nửa chừng. Tui bảo ảnh giá nào cũng phải ráng để ra trường. Khi đó có làm ở xã đâu mà có lương với bổng, hàng xóm thương nên cho đường, bột ngọt, vải. Đến năm 1982, tui làm ở Ban chấp hành phụ nữ xã Ngok Bay mới có lương 15 đồng. 15 đồng khi ấy vừa ăn vừa chi tiêu trong gia đình, rồi tui làm thêm nương rẫy cho gia đình. Ông già tui cho 1 sào chuối mốc làm ở bên kia sông. Vợ chồng tui dành dụm từ chuối, gần 2 ha lúa rẫy thu hoạch nhiều lắm, cả 100 bao rồi 150 bao. Ăn không hết thế là bán. Hai vợ chồng làm không xuể, cho người làng làm thuê rồi trả công. Nhiều người không có cơm ăn, mình cho họ làm rồi cho ăn cơm luôn. Mình làm cật lực khi anh đi học, mình phải gùi thằng Tâng trên vai mà làm. Thằng đó giờ có vợ được 4 năm nay rồi!”. 

Vượt khó nuôi con học

Thành tích học hành của các con được A Teoh kể một cách rành mạch. Dù hoàn cảnh gia đình hãy còn nhiều khó khăn, nhưng cả 7 người con của anh đều được ăn học tới nơi tới chốn. Người con trai đầu A Tâng hiện đang là giáo viên THCS huyện Kon Plong. Người con thứ 2 là A Tưk vừa tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm Kon Tum. Cô con gái Y Tes đang là sinh viên khoa Nhạc của ĐH Nghệ thuật Huế. 4 người con nhỏ đều là học sinh giỏi, học sinh tiên tiến ở các trường phổ thông.

Anh chị tâm sự rằng, mấy năm trước, ngoài công việc chính ở Trạm y tế xã Ngok Bay, vợ chồng anh tranh thủ những ngày nghỉ, những đêm trăng sáng khai hoang trồng thêm bắp, thêm mì. Có thời điểm vợ chồng anh cùng lúc có 3 đứa con theo học các trường ĐH, CĐ nên thiếu tiền gửi cho các con trang trải chi phí ăn học nên phải chạy đầu này chạy đầu kia để vay mượn tiếp ứng cho con. Để có tiền nuôi các con ăn học, vợ chồng anh phải tính toán chi li từng đồng, làm việc không ngơi nghỉ. Anh A Teoh cho biết: “Ngoài tiền lương hằng tháng, vợ chồng tôi còn trồng thêm gần 1,5 ha bắp; 1,3 ha mía và 0,6 ha mì…thu nhập cũng được 50 - 60 triệu đồng/năm. Với số tiền đó, chi phí cho 7 đứa con đang tuổi ăn, tuổi học thì vẫn còn thiếu thốn bộn bề nhưng tôi luôn nghĩ một người có nhiều đất, nhiều ruộng mà không biết làm giỏi thì sẽ mất. Còn người có chữ, có nghề là còn mãi. Bởi thế, dù có khó khăn mấy đi nữa, vợ chồng tôi cũng cố gắng làm lụng chắt chiu nuôi các cháu ăn học đến nơi đến chốn”.

Anh Y Teoh đang làm việc ở Trạm Y tế
Anh Y Teoh đang làm việc ở Trạm Y tế

Để có được thành quả đáng trân trọng đó, ngoài sự nỗ lực vượt khó tạo dựng về mặt kinh tế, vợ chồng anh A Teoh còn xây dựng cho các con kế hoạch, cũng như ý thức tự giác học tập ngay từ khi còn nhỏ. Anh luôn đề ra mục tiêu cho các con phấn đấu đạt điểm cao trong các kì thi học kì, tốt nghiệp… và có sự động viên khen thưởng các con kịp thời khi đạt thành tích cao trong học tập. Bởi vì lẽ đó mà anh đã tạo ra được một không khí chan hòa, đoàn kết giữa các thành viên trong gia đình. Và quan trọng hơn, tất cả đều hiểu được điều kiện khó khăn của gia đình, hiểu được sự vất vả của bố mẹ nên biết tiết kiệm, biết bảo ban nhau học hành thật giỏi.

Ngoài việc xây dựng nếp sống văn hóa, chăm lo giáo dục con cái, vợ chồng anh A Teoh còn tích cực tham gia công tác khuyến học ở địa phương. Chi Y Deh tích cực đi tuyên truyền bà con trong vùng cho con đi học. Những đứa nhỏ nào có tư tưởng bỏ học thì cô giáo tới nhà nhờ chị đi “ngoại giao” dùm. Chẳng những khuyến khích trẻ nhỏ trong làng học hành cái chữ, chị còn giúp tụi nó tập văn nghệ, ca hát cho tinh thần sảng khoái mà tiếp thu cái chữ cho lẹ. Anh chị còn vận động các hộ, gia đình đăng kí xây dựng “gia đình hiếu học” trên địa bàn…Chị Y Deh cười hóm hỉnh: “Ngày trước mình rất thích có nhiều em bé nên mới sinh nhiều nên mới khổ. Bây giờ mình rút kinh nghiệm từ mình mà vận động bà con chỉ đẻ 2 đứa thôi, như thế mới đảm bảo được việc chăm sóc, dạy dỗ con cái và lo cho chúng học hành đàng hoàng!”. Anh Y Lăng - nhân viên Trạm y tế xã Ngok Bay nói: “Gia đình Teoh rất hiền lành. Hai vợ chồng làm việc rất tích cực. Anh ấy là một điều dưỡng tốt, chăm sóc bệnh nhân rất kỹ lưỡng. Đó là một gia đình rất hiếu học nên được bà con trong làng rất trọng vọng!”.

Với sự nỗ lực của mình, gia đình anh A Y Teoh đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào khuyến học nhiệm kì 2002 - 2007. Ngoài ra trong những năm qua, gia đình anh còn được địa phương tặng nhiều giấy khen khác nữa. Lúc chia tay với chúng tôi, A Tưk - con trai anh đã tâm sự rằng: “Ngày trước em mơ ước làm bác sĩ vì cho rằng bác sĩ sẽ đem lại hạnh phúc cho người khác. Nhưng khi lớn lên, em nghĩ để có ước mơ đó thì mình phải thực tế hơn, phải biến ước mơ là thực mới được, chứ không viển vông. Sau khi thi đậu ngành sư phạm, em mới nhận thấy làm “kỹ sư tâm hồn” càng khó hơn. Để giáo dục rèn luyện học sinh thành một con người không dễ chút nào. Nó đòi hỏi sự rèn luyện, nỗ lực của bản thân, phấn đấu trong công tác để đáp ứng được nhu cầu hiện đại hóa. Cho nên em thấy theo ngành sư phạm là hợp với mình nhất. Em muốn dạy học sinh đạo lí làm người, biết đối nhân xử thế, lưu giữ truyền thống âm nhạc dân tộc và dân ca”.

Hải Âu

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.