(GD&TĐ) - Tintswalo Ngobeni là một cô gái xinh đẹp có nước da nâu bóng đặc trưng của những “viên ngọc đen” châu Phi. Cô gái 22 tuổi này hiện đang sống tại Birmingham (Anh) và đang làm thủ tục xin tị nạn tại xứ sở sương mù. Cô đã chạy trốn khỏi quê hương mình, vương quốc Swaziland, chỉ vì một lý do: từ chối làm vợ vua!
Swaziland là tiểu vương quốc được bao bọc bởi đất liền và gần như nằm lọt thỏm giữa Nam Phi. Đây là nền quân chủ cuối cùng của châu Phi. Quốc gia Swaziland nhỏ bé không có những mỏ lớn về vàng, kim cương hay dầu hỏa để thu hút nước ngoài. Gần như tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài, đất nước nhỏ bé này đang có những hướng đi ngược chiều với xu thế hiện đại. Theo phong tục vương quốc, nhà vua trị vì có quyền lấy bao nhiêu vợ tùy ý. Vị vua đương triều Mswati, 45 tuổi, đã sở hữu hậu cung với 13 bà vợ với đàn con đông đảo 27 người.
Quốc vương đã “để mắt” tới Ngobeni và thể hiện lòng ưu ái của mình với cô từ khi cô mới 15 tuổi, khi ông gặp cô tại cung điện của người vợ thứ 4 La Ngangaza. Ông đã đến trường nội trú thăm cô và hỏi liệu cô có muốn trở thành một thành viên của hoàng gia không. “Dù phải giấu kín nỗi sợ hãi của mình, nhưng tôi chẳng mong muốn chút nào cái viễn cảnh lấy vua và dâng hiến cả đời mình cho ông ấy”, Ngobeni nói. “Những người vợ của vua đều bị giữ trong cung cấm, xung quanh là binh lính bảo vệ, và họ chẳng thể được đi đâu nếu vua không cho phép. Điều duy nhất họ có thể làm là tới Mỹ mỗi năm một lần để mua sắm với khoản tiền mà vua ban phát”.
Các bà vợ của vua Mswati III trong một lễ hội ở Swaziland |
Lo ngại trước viễn cảnh chẳng mấy sáng sủa của cô cháu gái, dì của Ngobeni đã thu xếp để cô sang Anh đoàn tụ với mẹ. Người mẹ cũng đã sang Anh từ 5 năm trước để trốn tránh cuộc hôn nhân đầy bạo lực và lạm dụng. “Tôi không còn sự lựa chọn nào khác. Không ai dám bất tuân lệnh vua. Vì thế, cách duy nhất của tôi là chạy trốn”, Ngobeni nói. Kể từ khi sống tại Anh, cô là một nhân tố đấu tranh chống lại chế độ quân chủ ở Swazi, thường tham gia các buổi tuần hành, biểu tình cùng nhóm hoạt động Swazi Vigil bên ngoài Đại sứ quán Swaziland. Tại Swaziland, tình trạng báo động toàn quốc gia được tuyên bố từ năm 1973 cho đến nay vẫn còn tác dụng. Gián điệp của nhà vua có mặt ở khắp nơi, bất kỳ mưu toan ly khai nào cũng bị dẹp tan; các đảng phái chính trị chống đối bị cấm đoán, các nhà hoạt động bị bắt giữ hoặc tấn công.
Những hoạt động của Ngobeni đã thu hút sự chú ý của các nhà chức trách Swaziland, và cô lo ngại mình đang ở trong tình trạng nguy hiểm. “Tôi biết rằng người ta đã gửi người từ Swaziland để bắt tôi. Nếu trở lại quê hương, chắc chắn tôi sẽ bị bắt, thậm chí có thể bị tra tấn, đánh đập hoặc bị giết vì đã hoạt động chính trị”, Ngobeni lo sợ. Giờ đây, cô càng lo lắng hơn vì có thể sẽ bị đưa trở lại Swaziland, sau lá đơn xin tị nạn lần đầu năm 2007 của cô đã bị bác vào năm 2011. Sau 18 tháng phải đều đặn trình diện hàng tuần với các nhà chức trách, tháng trước, Ngobeni lại bị bắt và bị đưa đến trung tâm dành cho người di cư. Nhờ có sự can thiệp của Roger Godsiff, thành viên Quốc hội của đảng Lao động, cô được thả, và hiện nay đang chờ được làm việc với Sở Nhập cư Anh.
Kiều Miên