Chuyện kể người lính biển

Chuyện kể người lính biển

(GD&TĐ) - “Đồng hương” - đối với những người lính hải quân lênh đênh trên biển hàng tháng trời, không phải là cùng chung tỉnh, thành, mà là cùng hương vị của những ngày dài thiếu nước tắm. Thèm nghe một tiếng gà gáy, tiếng trẻ con khóc, tiếng cười con gái… và hơn cả là thèm rau xanh, mong đủ nước ngọt để tắm hằng ngày…

Với nhiệm vụ đặc biệt của mình, có những thời điểm, tàu của họ phải lênh đênh trên biển trong nhiều tháng, thậm chí 7 - 9 tháng liền, có khi thời gian về lại đất liền chỉ vừa đủ để tiếp lương thực, thực phẩm và nhiên liệu rồi lại tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ… 

Nghĩa tình đồng đội

Cảm phục và xúc động đến lặng người là tâm trạng chung của các thành viên trong đoàn CLB Nhà báo nữ Việt Nam và CLB Nhà báo nữ Đà Nẵng, khi nghe đại tá Đặng Minh Thắng - Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn M61 Vùng III Hải quân, nói về những công việc của anh em chiến sĩ hải quân. Anh phải dừng lại cuộc nói chuyện giữa chừng để nhường lời cho đồng đội kể tiếp.

Giữa thời điểm vợ chuẩn bị sinh con và cũng còn không bao lâu nữa là đón Tết, anh Lê Văn Ngân nhận lệnh lên đường làm nhiệm vụ. Không may là lần vượt cạn ấy, vợ anh Ngân bị băng huyết, cần phải được truyền máu gấp. Nhận được tin báo của bệnh viện Đà Nẵng, trung tá Nguyễn Văn Kiên - Chính trị viên phó Hải đội 311, Lữ đoàn M61, đã điện báo với lãnh đạo Vùng III Hải quân và Lữ đoàn M61.

“Ngay sau đó, 60 cán bộ-chiến sĩ đang có mặt tại đất liền đã sẵn sàng tình nguyện tiếp máu cho vợ đồng chí Ngân. Khoảng 5 lít máu đã được truyền cho, nhưng tình thế lại càng nghiêm trọng hơn, khi chị Bình rơi vào tình trạng máu không đông. Chị Bình chỉ được cứu sống khi đồng chí Phạm Văn Toanh tình nguyện hiến tiểu cầu của mình để tiếp cho sản phụ...” - anh Kiên kể. Sau chuyến đi biển ấy trở về, anh Ngân nghẹn ngào, không kìm được nước mắt khi nghe vợ mình kể lại chị đã được cứu sống trong gang tấc nhờ nghĩa tình đồng đội.

Trong buồng lái của một tàu HQ
Trong buồng lái của một tàu HQ

Trong điện thoại của hầu hết các chiến sĩ hải quân đều có ghi âm tiếng gà gáy, tiếng con cái trò chuyện, thậm chí cả tiếng con khóc… để vợi bớt nỗi nhớ nhà, nhớ đất liền.

Anh Diên tâm sự: “Mỗi chuyến đi biển về, khi nhìn thấy đất liền chỉ là một chấm xanh mờ thì anh em chúng tôi đã cảm thấy rất bồi hồi rồi”. Ngoài khan hiếm nước ngọt, thì rau xanh cũng là cả một vấn đề, khi mỗi chuyến đi kéo dài hàng mấy tháng trời. Nước ngọt chỉ để đánh răng và nấu ăn, còn tắm thì tuần nào nhiều nhất cũng chỉ được 2 lần.

Theo Đại úy Vũ Đình Diên thì: “Bất kỳ thứ rau xanh, củ quả nào được đưa lên tàu ra khơi chỉ chưa đầy một tuần là bị hỏng, ngay như su hào cũng chỉ được khoảng 20 ngày là bị xốp. Thế nên, ngoài việc tự ủ giá đỗ, chúng tôi còn nghĩ ra cách chặt nguyên cả cây chuối mang xuống tàu để lấy ruột non thay rau. Đối với các loại rau củ quả khác, chúng tôi thường luộc sơ qua rồi bỏ vào túi bóng buộc lại, cho vào tủ đá để dùng dần. Không thể nói là ngon được, nhưng dù sao, bằng những cách ấy, chúng tôi cũng giải quyết được nhu cầu rau xanh cho anh em...”.

Thượng tá Phan Văn Chiến - Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn M61 cho biết: “Những lúc gặp thời tiết xấu, biển động mạnh, sóng to, gió lớn, cả ngày anh em chỉ ăn có một bữa cơm. Chị cứ hình dung trong hoàn cảnh những đợt sóng cao, to chỉ chực đổ ụp xuống, muốn nhấn chìm cả con tàu thì việc nấu ăn có khi còn không thể thực hiện được. Nhưng có cơm rồi, ăn cũng không dễ, anh em phải thay nhau giữ chặt mâm cơm để đồng đội ăn...”.

Vượt lên sóng gió

Ngoài nhiệm vụ giữ gìn sự bình yên, chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của nước ngoài xâm phạm chủ quyền vùng biển của ta, để tiến hành các hoạt động thăm dò, khảo sát hạ đặt giàn khoan, khai thác dầu khí, cán bộ chiến sĩ Vùng III Hải quân, trong đó có Lữ đoàn M61 cũng đồng thời làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn (TKCN), cứu hộ trên biển, tuần tra chung với hải quân các nước trong khu vực. Những chuyến đi TKCN cũng đồng nghĩa với việc phải di chuyển tàu vào vùng tâm bão.

Theo đại úy Vũ Đình Diên - Chính trị viên tàu HQ, thì tàu cứu nạn bao giờ cũng phải chạy ngược hướng gió, đi ngang sóng để hạn chế bớt độ lắc nên tàu thường phải chạy theo đường dích dắc để vượt lên sóng. “Có những lúc, cột sóng dâng cao như quả núi đổ ụp bao trùm trên cả con tàu, nhiều lúc có cảm giác như tàu sắp vỡ tan đến nơi. Những lúc ấy, cả con tàu không khác gì chiếc lá tre mong manh giữa biển khơi mờ mịt. Trong hoàn cảnh ấy, anh em chiến sĩ vẫn vừa phải chống chọi với sóng to gió lớn, nhưng vẫn vừa phải đứng ở trên boong tàu để quan sát, tìm kiếm tàu cá của ngư dân bị nạn. Để đảm bảo an toàn, anh em chúng tôi, ngoài mặc áo phao còn phải buộc dây bảo hiểm vào người và có một người giữ dây” - anh Diên kể.

Trong những chuyến đi TKCN, đối với đại úy Vũ Đình Diên, đáng nhớ nhất có lẽ là cuộc vật lộn với cơn bão số 9 ngày 29.9.2008, để cứu 15 ngư dân đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) thuộc tàu đánh cá QNg 96525 gặp nạn trên biển.

Phút thảnh thơi hiếm hoi khi tàu cập bến của các chiến sĩ hải quân
Phút thảnh thơi hiếm hoi khi tàu cập bến của các chiến sĩ hải quân

Khoảng 15 giờ ngày 29.9, tàu của đại úy Vũ Đình Diên nhận được mệnh lệnh di chuyển đến khu vực đảo Đá Bắc để TKCN chiếc tàu cá nói trên. Thời điểm này, tàu của các anh đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền tại khu vực đảo Thăng Long - Hoàng Sa được khoảng 30 ngày, lương thực và nhiên liệu trên tàu cũng đã gần cạn kiệt. Mất khoảng 4 tiếng đồng hồ vừa tìm kiếm vừa di chuyển vào cùng tâm bão, gió giật trên cấp 10, tàu HQ đã tìm thấy được tàu của ngư dân gặp nạn.

“Giữa mịt mù sóng gió, tìm được tàu rồi, nhưng để tiếp cận mà vẫn giữ cho tàu gặp nạn được an toàn, không bị đánh vỡ là rất khó khăn. Sau nhiều lần tiếp cận nhưng không thành công, chúng tôi hội ý rồi đưa ra sáng kiến nối loại dây phi 60 - 80 lại thành một đoạn dài 500m, cuối đầu dây buộc 5 phao tròn để cho dây nổi. Sau đó, chúng tôi cơ động tàu trên hướng gió và sóng rồi thả dây ra phía sau đuôi tàu, giữ máy tàu để ổn định hướng, làm sao cho tàu đi trên hướng gió, hướng sóng để dây kéo trôi vào hướng tàu bị nạn. Tất cả các công đoạn này chỉ mất có 30 phút thì tàu cá của ngư dân tiếp cận được và vớt dây lên, chúng tôi phải nhanh chóng thu dây ngắn lại, kéo tàu cá thoát khỏi tâm bão và giữ để nó không bị trôi dạt” - đại úy Diên cho biết.

“Trong quá trình tìm kiếm, khi liên lạc qua máy bộ đàm, anh em chúng tôi xúc động đến rơi nước mắt khi nghe tiếng một ngư dân hét lên: “Anh em ơi, chúng ta sống rồi, có tàu hải quân cứu rồi”. Giữa biển khơi con sóng bạc, chỉ câu nói ấy cũng đủ xua tan những hiểm nguy mà các anh phải đối mặt để thực hiện công tác TKCN. Mới đây nhất, vào đầu tháng 10, cũng một con tàu khác của lữ đoàn M61 đã thực hiện TKCN 7 tàu cá và hàng chục ngư dân từ Quảng Bình vào đến Quảng Ngãi bị trôi dạt tại khu vực biển Hòn La và đảo Cồn Cỏ trong cơn bão số 1.

Bất cứ chiến sĩ hải quân nào cũng đều tâm niệm lời dặn của Bác Hồ: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Vì nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ chủ quyền, lãnh hải của Tổ quốc thân yêu, những người lính hải quân đã phải hy sinh rất nhiều hạnh phúc riêng tư của mình, xa cha mẹ, vợ con, thậm chí có người chuẩn bị làm đám cưới cũng đành phải hoãn lại vì nhiệm vụ.

Như trường hợp của đồng chí Lê Văn Hưng, phải hoãn đám cưới mấy lần vì nhận lệnh hành quân đột xuất, hay anh Lê Văn Bình, dù thiệp mời đã được phát đi, gia đình đã hoàn tất mọi việc cho đám cưới nhưng cũng phải dừng, đến khi tổ chức đám cưới lại, chú rể cũng chỉ kịp về trước giờ hôn lễ có mấy tiếng đồng hồ…

Nhưng với các anh, nhận và hoàn thành trọng trách trước Đảng, trước nhân dân, thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc là niềm vui, tự hào và cả hạnh phúc khi được cống hiến sức lực giữ gìn biển đảo quê hương. 

Nguyên Hoài

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Thị uy chiến thắng

Thế giới
GD&TĐ - Cuộc thị uy chiến thắng của Nga diễn ra trong bối cảnh quân đội Ukraine đang phải hứng chịu những bước lùi trên chiến trường.

Đừng bỏ lỡ