Chuyện học của gia đình Y Kiên

Chuyện học của gia đình Y Kiên

(GD&TĐ) - Giữa tận cùng của khó khăn, nghèo đói người mẹ ấy vẫn quyết tâm cho con đến trường học cái chữ. Chị gánh hết khổ cực về phía mình với niềm khao khát mãnh liệt rằng, cuộc sống sau này của các con sẽ thay đổi, không còn phải chịu cảnh đói cơm lạt muối, chết vì bệnh tật.  

Giữa tận cùng đói khổ nhưng người dân Pêtapoóc vẫn khát khao chuyện học
Giữa tận cùng đói khổ nhưng người dân Pêtapoóc vẫn khát khao chuyện học
 

Y Khâu địu cháu gái 6 tháng tuổi trước ngực, ánh mắt vô định xa xăm, cất lên bài hát có giai điệu trầm buồn bằng tiếng bản địa. Chúng tôi không hiểu, hỏi mẹ em là Y Kiên thì chị bảo: “Con bé đang nhớ trường, nhớ bạn. Khổ thân, học hết lớp 12 rồi nhưng nó phải ở nhà giữ cháu cho chị gái đang học đại học ở Đà Nẵng”.

Gánh gồng nuôi con ăn học

Đến Pêtapoóc chúng tôi hết sức ngạc nhiên và không thể tin rằng, giữa  tận cùng của khó khăn, nghèo đói, bệnh tật, vẫn có gia đình quyết tâm cho con đến trường học cái chữ với hy vọng đổi đời. Đó là gia đình chị Y Kiên (40 tuổi), người dân tộc Dẻ Triêng.

Chị có dáng người nhỏ nhắn, tính cách khá rụt rè, đôi lúc chị không hiểu hết ý khi chúng tôi hỏi chuyện đi học của các con. Chị kể, khi sinh ra đã gắn bó với mảnh đất  Pêtapoóc, sau này lấy chồng rồi đẻ con cũng ở đây. Hồi trước, nơi này thuộc địa phận tỉnh Kon Tum, đất đai màu mỡ, suối nhiều cá, nương rẫy tươi tốt, năm nào thuận trời đủ nuôi sống bà con dân bản.

Rồi có một bận (chị không nhớ chính xác thời gian - PV), đại dịch tràn qua, có nhiều người chết, vậy là nhiều hộ bỏ làng di cư sang xã Đắk Blô  (huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum) để lánh nạn. Chị cùng chồng là anh Kring Thôi (1967) cũng có mặt trong đoàn người di tản. Nơi ở mới đất đai khô cằn, không sống nổi, năm 2006, vợ chồng chị dắt nhau về làng cũ  Pêtapoóc. Năm 2009, Kring Thôi chết vì bệnh tật. Trước khi lâm chung, chồng Y Kiên trăng trối với vợ là bằng mọi giá phải cho con đi học, chỉ có cái chữ mới mong thoát được nghèo. 

Chồng mất sớm, 1 nách 4 con nhỏ, Y Kiên không nghĩ gì đến bản thân, suốt ngày đầu tắt mặt tối lo cái ăn và kiếm tiền gửi cho con đi học. Tờ mờ sáng chị đã lên nương, tối mịt mới về. Xong vụ lúa, chị lại đưa máng suối đãi vàng để kiếm thêm thu nhập.

Được cái 4 đứa con của chị đều sáng dạ, ham học và thương mẹ. Đứa đầu là Y Khánh (1992), hoàn thành chương trình THPT ở Hội An (Quảng Nam) về quê lấy chồng, sau đó theo học lớp Đại học Sư phạm ở Đà Nẵng. Chị bảo, hồi còn sống, chồng chị, anh Kring Thôi siêng năng chăm chỉ, được bà con dân bản quý mến. 

Mỗi tháng Y Khánh tiêu hết 2 triệu đồng; chị gánh một nửa, phần còn lại nhà chồng lo. Đứa thứ 2 là Y Khâu (19 tuổi) noi gương chị cũng đã tốt nghiệp THPT tại Trường Dân tộc Nội trú Hội An. Do chị gái đang học ĐH năm thứ 2 và 2 em kế là Y Khiến (1996) và Kring Khương (1998) đang học lớp 8 trường THCS liên xã Đắc Ring – Đắc Pre, mỗi tháng chi phí ngót nghét 2 triệu đồng nên Y Kiên không thể lo nổi cho Y Khâu theo đuổi ước mơ làm cô giáo.

Giữa tận cùng đói khổ nhưng người dân Pêtapoóc vẫn khát khao học chữ
Giữa tận cùng đói khổ nhưng người dân Pêtapoóc vẫn khát khao học chữ
 

Chông chênh sự học

Bên bếp lửa, Y Kiên vừa thổi cơm trưa cho cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng 661 (ĐBP) về xây dựng điểm sáng văn hóa  Pêtapoóc vừa tâm sự với chúng tôi giọng thật buồn: “Tôi biết làm như vậy là có lỗi với chồng, nhưng bây giờ hết cách rồi. Cái ăn, cái mặc còn không đủ, lấy đâu ra tiền cho Y Khâu về Đà Nẵng học đại học.

Ước chi có ai đó lúc này giúp cho con bé thì mẹ con tôi đội ơn vô cùng”. Lời thỉnh cầu của người mẹ nghèo mù chữ nghe thật xót xa, khiến chúng tôi không cầm được nước mắt. Chúng tôi hỏi Y Khâu có ước mơ gì không, có muốn theo chúng tôi về Đà Nẵng học không, cô bé lí nhí đáp: “Năm tới em dự định sẽ về Đà Nẵng học đại học sư phạm để sau này làm cô giáo dạy học cho bà con dân bản. Nhưng không biết mẹ có lo nổi tiền cho đi học không nữa”.   

Trong chuyến đi thực tế về vùng biên giới, nơi đâu chúng tôi cũng cảm nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về sự nghiệp giáo dục đối với người đồng bào dân tộc thiểu số. Chương trình phổ cập giáo dục đến khắp thôn bản, hệ thống trường học từ cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở hoàn thiện, đa phần con em đồng bào dân tộc đều được đến trường và nhận được nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ đặc biệt. 

Dù vậy ở đây, cái đói cái nghèo vẫn đang hiện hữu trong từng nếp nhà. Người dân đang rất cần sự chung tay, góp sức của cộng đồng để xây dựng cuộc sống mới. Dù sống nghèo khổ nhưng người dân vẫn thể hiện ý chí phấn đấu, khát khao đổi đời mãnh liệt.

Rời vùng núi Nam Giang xuôi về Đà Nẵng, trong tôi vẫn ám ảnh mãi ánh mắt buồn xa xăm của Y Khâu và lời hứa với chị Y Kiên là sẽ viết lại câu chuyện này để mọi người chung tay giúp đỡ cho con chị được tiếp tục đến trường. 

Đại Thảo

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.