Chuyển giao NCKH công nghệ, tạo cộng hưởng từ mối liên kết 3 bên

GD&TĐ - Liên kết giữa trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp là giải pháp để thúc đẩy nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Nhiều nghiên cứu khoa học của giảng viên, sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam được chuyển giao, ứng dụng vào thực tiễn. Ảnh: NTCC
Nhiều nghiên cứu khoa học của giảng viên, sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam được chuyển giao, ứng dụng vào thực tiễn. Ảnh: NTCC

Tuy nhiên, việc này còn hạn chế, nhất là việc chuyển giao kết quả các nghiên cứu vào thực tiễn.

Thiếu tiền, thừa quỹ?

“Để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế hiện nay, chúng tôi xác định công tác nghiên cứu khoa học là bệ đỡ, sức sống và là hơi thở của cơ sở giáo dục đại học”, GS.TS Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh.

Theo GS.TS Nguyễn Thị Lan, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, nghiên cứu khoa học, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ được coi là thế mạnh của Học viện. Những năm qua, đơn vị gắn kết chặt chẽ công tác đào tạo với nghiên cứu, học đi đôi với hành, liên kết với doanh nghiệp. Học viện đã có nhiều đóng góp cho các địa phương trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội.

Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhìn nhận, các viện nghiên cứu hay phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế (ISO) có vai trò quan trọng. Các cơ sở này không chỉ là điều kiện cần để nâng cao chất lượng nghiên cứu, phục vụ đào tạo và công bố quốc tế, mà còn đóng vai trò quan trọng trong tạo ra công nghệ mới, cũng như phát triển dịch vụ xã hội phục vụ cộng đồng.

Theo GS.TS Nguyễn Thị Lan, 5 năm qua, cùng với sự hỗ trợ hiệu quả của Chính phủ, các bộ, ban, ngành và Ngân hàng Thế giới, Học viện tập trung phát triển mạng lưới 12 phòng thí nghiệm trọng điểm, vừa cho phép phục vụ nghiên cứu chuyên sâu, vừa đảm nhiệm vai trò dịch vụ xã hội.

Các dịch vụ này gắn liền với lợi ích của doanh nghiệp, người nông dân và người tiêu dùng như: Dịch vụ đánh giá, phân tích chất lượng nông sản, thực phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm; phân tích chất lượng đất, phân bón và môi trường, hay các dịch vụ phân tích, chẩn đoán bệnh trên cây trồng vật nuôi; nghiên cứu sản xuất vắc-xin, chế phẩm sinh học phòng ngừa bệnh tật trên gia súc, gia cầm… “Nói cách khác, đây là cơ hội để các nhà khoa học nghiên cứu theo đơn đặt hàng”, GS.TS Nguyễn Thị Lan khẳng định.

Cho rằng, liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp là xu hướng phổ biến trên thế giới, ông Nguyễn Đại Thắng, đại biểu Quốc hội đoàn Hưng Yên, nhấn mạnh, đây là giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Tuy nhiên, thời gian qua, việc liên kết nghiên cứu và đào tạo, hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao các nghiên cứu vào thực tiễn còn hạn chế. Do đó, cần chỉ rõ nguyên nhân và giải pháp để khắc phục những bất cập, hạn chế trong thời gian tới.

Nhấn mạnh, nghiên cứu khoa học là nền tảng, nhà khoa học là động lực và doanh nghiệp là trung tâm, bà Leo Thị Lịch, đại biểu Quốc hội đoàn Bắc Giang, nêu quan điểm, “3 mắt xích” này cần được phát huy tối đa nguồn lực.

Hiện có thực trạng, Quỹ phát triển doanh nghiệp đang đối mặt với việc thiếu tiền, thừa quỹ. Các sản phẩm khoa học chưa thực sự đi vào cuộc sống của doanh nghiệp và chưa thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.

Do đó, đại biểu Leo Thị Lịch cho rằng, cần đánh giá chi tiết hơn về tồn tại, hạn chế; mặt trái của cơ chế liên kết giữa viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp trong phát triển khoa học, nhất là với lĩnh vực cần được phát triển nhằm tăng năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Đổi mới tư duy và trao quyền tự chủ

Cầnsự kết nối giữa các trường, viện nghiên cứu, doanh nghiệp để phát triển nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Ảnh: INT
Cầnsự kết nối giữa các trường, viện nghiên cứu, doanh nghiệp để phát triển nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Ảnh: INT

Trăn trở với những vấn đề nêu trên, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho hay, trước đây trường hoạt động theo trường, còn doanh nghiệp hoạt động theo doanh nghiệp nên không có sự kết nối hữu cơ và hiệu quả. Thực tế cho thấy, cả doanh nghiệp và trường đại học cũng có nhu cầu liên kết. Gần đây, chúng ta đã có chủ trương, chính sách và cơ chế để hai bên xích lại gần nhau.

Theo Bộ trưởng, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đưa ra các cơ chế, chính sách, và giải pháp để hình thành hệ thống đổi mới sáng tạo; trong đó doanh nghiệp là trung tâm, còn cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu là chủ thể nghiên cứu và tạo môi trường để có sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả. Mục đích là, nghiên cứu khoa học phải đổi mới từ trường đại học rồi chuyển sang doanh nghiệp để khai thác hiệu quả.

“Sự kết nối đó ngày càng nhiều, rõ nét và hiệu quả hơn. Chúng tôi mong các trường, viện nghiên cứu, doanh nghiệp cùng quan tâm, đồng hành, chia sẻ và gắn kết với nhau để tạo sự cộng hưởng”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt bày tỏ.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, phải đổi mới tư duy quản lý khoa học, công nghệ. Trước hết, cần xây dựng mô hình tổ chức để khoa học, công nghệ góp phần quản lý Nhà nước thật tốt; trong đó đề xuất các cơ chế, chính sách liên ngành hoặc cụ thể, đặc thù đối với khoa học, công nghệ.

Chúng ta phải ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ để quản lý khoa học, công nghệ. Đó là xây dựng các dữ liệu, tiêu chí mang tính chất khoa học để đánh giá sản phẩm khoa học, công nghệ. Đồng thời thay đổi cơ chế khi chúng ta đặt hàng khoa học, công nghệ.

“Phải xác định các mũi nhọn nghiên cứu cơ bản để đầu tư từ hạ tầng đến đội ngũ cán bộ; cơ chế, chính sách đến nguồn lực. Đây là việc Nhà nước phải làm, còn vấn đề nghiên cứu, ứng dụng và triển khai, doanh nghiệp phải làm”, Phó Thủ tướng nói và nhấn mạnh, việc đặt hàng phải xuất phát từ thực tiễn. Tức là phải xuất phát từ người dùng. Đánh giá các kết quả này phải xuất phát từ việc đưa sản phẩm vào cuộc sống.

Phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội ngày 7/6, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, cần đổi mới tư duy và trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho tổ chức khoa học, công nghệ công lập.

Qua đó, tăng cường trách nhiệm, nâng cao tính chủ động, sáng tạo của tổ chức. Mặt khác, có giải pháp để các trường đại học thực sự trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học và đào tạo đội ngũ nhân lực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trình độ cao.

Cùng với đó, có cơ chế phù hợp, khuyến khích nhà khoa học tại viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức khoa học, công nghệ dành thời gian nghiên cứu, làm việc tại doanh nghiệp.

Đồng thời, mở rộng hợp tác nhằm hỗ trợ một số lĩnh vực khoa học, công nghệ đã đạt trình độ quốc tế. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, chú trọng hơn nữa việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp, công nhận đăng ký lưu hành sản phẩm, công nghệ mới và công bố công nghệ mới tạo ra tại Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ