Chuyên gia phân tích khả năng cách ly người mắc Covid-19 không triệu chứng tại nhà

GD&TĐ - 80% người mắc Covid-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Theo các chuyên gia, những trường hợp này không cần điều trị. Song, nếu không kiểm soát, họ sẽ lây cho người có thể mắc bệnh nặng và tử vong.

5% F0 có dấu hiệu chuyển nặng. Ảnh minh họa.
5% F0 có dấu hiệu chuyển nặng. Ảnh minh họa.

80% bệnh nhân không triệu chứng

PGS.TS Tăng Chí Thượng - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, hiện tại, thành phố chuẩn bị được 28.500 giường tiếp nhận các F0 không có triệu chứng. Dự kiến, thời gian tới, số giường này tăng lên 30.000 và sẵn sàng kịch bản có 50.000 bệnh nhân.

Ước tính trung bình khoảng 1.000 giường bệnh cần 200 thầy thuốc, nhân viên y tế. Ngành Xây dựng cũng đã chuẩn bị nguồn căn hộ dự phòng tại các chung cư và khu tái định cư. Dự kiến nguồn này có 40.000 giường điều trị, sẵn sàng điều động và hỗ trợ ngành Y tế khi cần thiết.

Lãnh đạo Sở Y tế cho biết, có 80% người mắc Covid-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Trong số đó, 5% có dấu hiệu chuyển nặng. Trong 5% này, khoảng 30% sẽ chuyển biến rất nặng.

Kiểm soát khả năng lây lan

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - chuyên gia dịch tễ (Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM), 80% bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng không cần điều trị nhưng vẫn vô cùng nguy hiểm. Lý giải về tình trạng này, chuyên gia cho biết, người trẻ khỏe không bệnh nền, không béo phì sẽ không bị nặng khi mắc Covid-19. Song, nếu không kiểm soát, họ sẽ lây cho người có thể nặng và có thể tử vong.

“Mỗi người chúng ta đều có thể là F0, F1 hay F2 bất cứ lúc nào”, bác sĩ Khanh cảnh báo.

Chuyên gia này dự đoán, số ca bệnh sẽ tăng trong những ngày tới. Việc số ca sau đó có tăng không sẽ phụ thuộc vào sự chấp hành giãn cách của mỗi người. Bác sĩ Khanh khuyến cáo, nếu là F0 không triệu chứng trong khu cách ly, cần uống đủ nước, uống nước đều.

Duy trì giờ giấc nghỉ ngơi và vận động như ở nhà, tự vệ sinh và giữ thông thoáng trong phòng cách ly. Mang khẩu trang khi đi vệ sinh, rửa tay sạch và thường xuyên. Khi có triệu chứng, cần bình tĩnh báo cho nhân viên y tế.

F0 không cần điều trị

Ngày 11/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam họp trực tuyến với TPHCM. Đồng thời, yêu cầu thành phố làm việc với Bộ Y tế để xem xét điều chỉnh thời gian điều trị F0 tại các bệnh viện dã chiến phù hợp.
Hiện, tất cả F0 bắt buộc cách ly, điều trị tại cơ sở y tế. Tại TPHCM, các ca nhiễm không triệu chứng được điều trị tại bệnh viện dã chiến, theo dõi y tế và lấy mẫu xét nghiệm định kỳ.
Theo quy định hiện nay của Bộ Y tế, các ca F0 không triệu chứng cách ly tập trung tại cơ sở y tế tối thiểu 14 ngày và có ít nhất hai mẫu bệnh phẩm âm tính cách nhau 48 - 72 giờ. Thời gian từ khi lấy mẫu bệnh phẩm cuối cùng đến khi ra viện không quá 24 giờ. Sau khi ra viện, người bệnh được tiếp tục cách ly tại nhà thêm 14 ngày. 

Theo chuyên gia dịch tễ học và thống kê học, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn - Đại học New South Wales (Australia), có thể phân nhóm bệnh nhân dựa vào tiêu chuẩn của Việt Nam, hay Trung Quốc hoặc Mỹ.

Đồng thời, dùng mô hình để ước tính các ca nhiễm “trung bình” nhưng có nguy cơ diễn biến xấu cao. Chỉ nhập viện những ca nhiễm này và các trường hợp “nặng”. Trong khi đó, số ca nhẹ có thể cách ly và theo dõi, không cần điều trị.

Trong khi đó, bác sĩ Phan Xuân Trung - Trung tâm Y khoa MEDIC (TPHCM) nhấn mạnh, nhiều người không hề có triệu chứng, hoàn toàn khỏe mạnh, nhưng có kết quả dương tính với Covid-19.

Theo bác sĩ Trung, do mật độ F0 hiện đông và dễ lây lan, nên mỗi người phải tự bảo vệ bản thân. Chuyên gia này lưu ý, nhóm cần được bảo vệ nhất là người cao tuổi.

“Hầu hết các ca tử vong thuộc nhóm này. Do đó, có thể xem đây là bệnh nguy hiểm của người già. Do vậy, một mặt bảo vệ người già khỏi lây nhiễm, mặt khác dồn hết vắc-xin để chích cho người già”, bác sĩ Trung nhận định.

Ngoài ra, chuyên gia này cho rằng, virus SARS-CoV-2 “rất hiền” với người từ 50 tuổi trở xuống. Do đó, nếu có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19, bệnh nhân chỉ cần tự cách ly để bảo vệ cho người khác là đủ. Chỉ khi có triệu chứng mới cần can thiệp y tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tên lửa đạn đạo phi hạt nhân mới “Oreshnik” của Nga

'Mục tiêu nóng' đang chờ Oreshnik?

GD&TĐ -Nga được cho là đã biên soạn một danh sách các địa điểm quân sự quan trọng của Kiev sẽ bị nhắm mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột.