Bộ Công an sẽ đưa ra các giải pháp để thực hiện đề xuất trên, như tăng cường xã hội hóa công tác đào tạo lái xe; nâng cao chất lượng chương trình, nội dung đào tạo; giám sát chặt chẽ và ứng dụng công nghệ để hạn chế sự can thiệp của con người vào việc sát hạch.
Theo đại diện Cục CSGT, công an sẽ chịu trách nhiệm về lĩnh vực đảm bảo an toàn giao thông, quản lý người lái và phương tiện; còn ngành giao thông tập trung về đầu tư, phát triển hạ tầng, xây dựng cầu, đường.
Trước đề xuất trên, trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam cho rằng không nhất thiết phải chuyển lĩnh vực trên về Bộ Công an. Theo ông Quyền, sẽ thiếu khách quan nếu một đơn vị vừa cấp bằng lái, vừa quản lý, giám sát lại thêm xử phạt.
Ông Quyền lý giải, ngành giao thông vận tải quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch và cấp bằng lái; Bộ Y tế ban hành quy định về quản lý sức khỏe tài xế; Bộ Công an kiểm tra, xử phạt vi phạm trên đường. Ba Bộ đã được phân định rõ ràng nhiệm vụ, trách nhiệm, như vậy sẽ không có sự chồng chéo; mọi khâu sẽ minh bạch hơn.
Còn luật sư Vũ Ngọc Chi (Đoàn Luật sư Hà Nội) cũng nêu quan điểm: Để việc thay đổi thẩm quyền hay giữ lại thẩm quyền một cách khách quan cần có sự thống kê đầy đủ về hiện trạng, sự quản lý chung của bộ; tổng kết lại toàn bộ quá trình hoạt động và thực hiện việc sát hạch của cơ quan chủ quản đang thực hiện; thống kê đầy đủ nguyên nhân phát sinh, đánh giá vấn đề lỗi ...
Khách quan thì có thể thấy lĩnh vực sát hạch thi bằng lái là lĩnh vực dân sự, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an đều có thể làm tốt.
Vì thế, để cụ thể hơn cần rà soát thống kê, phân tích đánh giá mặt thuận lợi khó khăn, mặt được và chưa được, phương hướng khắc phục, khả năng của mỗi bộ. Trên cơ sở đó cơ quan lập pháp quyết định giao thẩm quyền cho bên nào. Có như vậy sẽ đảm bảo tính khách quan, phát huy năng lực của bộ được giao thẩm quyền.
"Đồng thời sẽ nâng cao được chất lượng sát hạch thi bằng lái hạn chế được những hậu quả không mong muốn trong cuộc sống thường ngày, tạo được sự bình an hơn cho người tham gia giao thông", luật sư Chi cho biết.
Ông Nguyễn Minh Long (Giám đốc Công ty Luật Dragon, Đoàn Luật sư Hà Nội), lĩnh vực đào tạo, cấp bằng lái xe được Bộ Giao thông Vận tải thực hiện ổn định hàng chục năm qua, không chồng chéo chức năng nhiệm vụ với Bộ Công an.
Theo ông Long, chỉ nên sửa đổi nếu phát sinh vấn đề cấp thiết. Nếu chuyển sát hạch cấp bằng lái sang Bộ Công an sẽ kéo theo hàng loạt cơ sở vật chất, nhân lực... dẫn đến phát sinh tốn kém ngân sách để đảm bảo cho công việc này.
"Quan trọng nhất là thực hiện cho tốt quy định hiện hành, tiếp tục cải cách hành chính để phục vụ người dân", ông Long nói.