Chuyên gia nói về nguy cơ đậu mùa khỉ bùng phát ở trẻ em

GD&TĐ - Khi năm học mới bắt đầu trên khắp nước Mỹ, không ít trường hợp mắc đậu mùa khỉ được ghi nhận ở trẻ em.

Nhiều phụ huynh lo ngại trẻ mắc đậu mùa khỉ khi năm học mới bắt đầu.
Nhiều phụ huynh lo ngại trẻ mắc đậu mùa khỉ khi năm học mới bắt đầu.

Nguy cơ thấp

Mặc dù, các bậc cha mẹ nên hiểu rõ triệu chứng của đậu mùa khỉ để nhận biết bệnh, song tin tốt là không cần quá lo lắng.

Tiến sĩ Kris Bryant - nhà dịch tễ học tại Bệnh viện Nhi đồng Norton ở Louisville, Kentucky, thành viên Ủy ban Bệnh truyền nhiễm của Học viện Nhi khoa Mỹ - cho biết, nguy cơ trẻ em nhiễm bệnh đậu mùa khỉ hiện nay là rất thấp.

“Hiện tại, chúng tôi đã ghi nhận hơn 20.000 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, chỉ 17 trong số đó là ở trẻ em từ sơ sinh đến 15 tuổi. Trẻ em là một phần rất nhỏ trong số tất cả các trường hợp mắc đậu mùa khỉ. Tôi thực sự không lo lắng lắm về bệnh đậu mùa khỉ ở trẻ em vào thời điểm này”, chuyên gia Bryant nhận định.

Trong lịch sử, bệnh đậu mùa khỉ chủ yếu lây lan ở Trung và Tây Phi. Theo một đánh giá được công bố vào tháng 7 trên Tạp chí Nhi khoa và Sức khỏe Trẻ em, hầu hết các trường hợp mắc đậu mùa khỉ trong quá khứ là ở trẻ em. Trong những năm 1970, 1980 và 1990, tỷ lệ tử vong ở trẻ em mắc đậu mùa khỉ tương đối cao.

Cụ thể, báo cáo cho thấy, có 17% trẻ em tử vong do đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những trường hợp nhẹ của căn bệnh này có thể không được chẩn đoán hoặc báo cáo vào thời điểm đó. Vì vậy, chỉ những trẻ bị ảnh hưởng nặng nhất mới được các bác sĩ chú ý đến. Cũng có thể, những trường hợp tử vong đó có thể được ngăn ngừa ở các khu vực có nhiều cơ hội tiếp cận hơn với dịch vụ chăm sóc y tế.

Có hai chủng virus gây bệnh đậu mùa khỉ. Chủng virus đang lưu hành bên ngoài châu Phi ít gây tử vong hơn so với “người anh em” của nó. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điều quan trọng là bệnh đậu mùa khỉ không lây lan dễ dàng.

Tiến sĩ Wafaa El-Sadr - Giám đốc Trường Y tế Công cộng Mailman thuộc Đại học Columbia - cho biết: “Đến nay, những gì chúng tôi biết là phần lớn các trường hợp mắc đậu mùa khỉ lây qua tiếp xúc da kề da với người được chẩn đoán mắc bệnh”.

Có thể là các chất tiết ra từ đường hô hấp cũng đóng một vai trò trong việc lây truyền. Song, Tiến sĩ Bryant đồng ý rằng, “chìa khóa” lây nhiễm là quá trình tiếp xúc gần gũi và lâu dài. Các chuyên gia hiện chưa rõ liệu bệnh nhân không triệu chứng có vai trò như thế nào đối với sự lây lan. Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây trong Biên niên sử về Y học Nội khoa đã chỉ ra rằng, một số người có thể lây nhiễm virus đậu mùa khỉ trước khi các triệu chứng của họ xuất hiện.

Hầu hết các trường hợp mắc bệnh ở trẻ em kể từ khi căn bệnh này được phát hiện là do tiếp xúc trực tiếp giữa người và động vật (loài gặm nhấm mang mầm bệnh trong tự nhiên ở Tây và Trung Phi) và do lây lan trong gia đình. Đó là lý do Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến cáo những người bị bệnh đậu mùa khỉ cách ly cho đến khi vết thương lành.

Cơ quan này đồng thời khuyến cáo, trong một hộ gia đình, những người bị nhiễm bệnh đậu mùa khỉ trên 2 tuổi nên đeo khẩu trang.

Trong khi đó, những người chăm sóc nên đeo găng tay khi thay ga trải giường hoặc băng gạc cho bệnh nhân. Virus gây bệnh đậu mùa khỉ có thể lây lan trên vải. Vì vậy, những người nghi bị bệnh đậu mùa khỉ không nên dùng chung giường hoặc quần áo với người khác. Chu trình giặt tiêu chuẩn với chất tẩy rửa sẽ tiêu diệt virus gây đậu mùa khỉ.

Hiện, vắc-xin JYNNEOS được sử dụng để phòng bệnh đậu mùa khỉ.

Hiện, vắc-xin JYNNEOS được sử dụng để phòng bệnh đậu mùa khỉ.

Làm chậm sự lây lan

Bệnh đậu mùa khỉ có thời gian ủ bệnh từ 7 - 13 ngày. Điều đó có nghĩa là một người nhiễm virus phải mất thời gian để phát triển các triệu chứng. Triệu chứng đầu tiên thường là sốt. Triệu chứng này có thể kéo dài từ 1 - 5 ngày. Đồng thời, người bệnh cũng có thể trải qua các triệu chứng tương tự cúm, sau đó là phát ban.

Các ca bệnh đậu mùa khỉ ở trẻ em được báo cáo cho đến nay thường liên quan đến sự lây lan trong gia đình. Tuy nhiên, đã có một vài báo cáo về khả năng phơi nhiễm đậu mùa khỉ tại các trường học và nhà trẻ. Đặc biệt, các dịch vụ chăm sóc trẻ có thể là nơi lây lan. Bởi, trẻ nhỏ tiếp xúc nhiều hơn với những người chăm sóc và bạn cùng lứa.

Song, theo Tiến sĩ Bryant, hầu hết người chăm sóc trẻ đều hiểu rõ về nguy cơ lây lan bệnh thông qua tiếp xúc với da.

“Các trường học và nhà trẻ có quy trình để ngăn chặn sự lây lan của những bệnh truyền nhiễm liên quan đến phát ban”, chuyên gia nhấn mạnh.

Hiện, vắc-xin JYNNEOS được sử dụng cho bệnh đậu mùa khỉ. Đây là vắc-xin phòng đậu mùa khỉ đầu tiên được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chấp thuận cho những người trên 18 tuổi. Song, thực tế, loại vắc-xin này đã được sử dụng để chủng ngừa cho trẻ em bị nhiễm bệnh đậu mùa khỉ trong các đợt bùng phát trước đó. Không có vấn đề lớn nào về sức khỏe được ghi nhận sau khi tiêm chủng.

Ở đợt bùng phát hiện tại, FDA cho phép sử dụng vắc-xin này trong trường hợp khẩn cấp cho trẻ em đã tiếp xúc với người mắc đậu mùa khỉ để giúp ngăn ngừa lây lan.

Hiện tại, những nỗ lực làm chậm sự lây lan của bệnh đậu mùa khỉ được cho là đã thành công. Những nỗ lực bao gồm việc cảnh báo các nhóm nguy cơ cao, chủ yếu là đàn ông có quan hệ tình dục đồng giới, tiêm phòng cho những người có nguy cơ bằng vắc-xin JYNNEOS. Những biện pháp này có thể làm giảm nguy cơ trẻ em tiếp xúc với virus gây đậu mùa khỉ.

“Những gì chúng tôi đã thấy trong vài tuần qua ở Mỹ là một sự sụt giảm trong số ca mắc đậu mùa khỉ. Hiện tại, chúng tôi cũng nhận thấy sự sụt giảm đó. Đây là điều rất đáng khích lệ. Đồng thời, điều đó thực sự là dấu hiệu tốt về những nỗ lực của chúng tôi trong việc ngăn chặn sự bùng phát đậu mùa khỉ, trước khi loại virus này trở thành dịch bệnh lưu hành ở đất nước chúng tôi”, Tiến sĩ El-Sadr chia sẻ.

Theo Live Science

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.