Đó là chia sẻ của TS Lê Trọng Nga – Trưởng Khoa Tạo dáng Công nghiệp, Trường ĐH Mở Hà Nội.
Chọn cách thức luyện vẽ
Với những thí sinh yêu thích và có định hướng thi vào các trường mỹ thuật, thiết kế, hầu hết đều là những bạn có thiên hướng về hội hoạ, nhanh tiếp thu kiến thức của môn học này. Do đó, chỉ cần các em có kế hoạch luyện vẽ một cách khoa học thì sẽ đạt được những kết quả như mong đợi.
TS Lê Trọng Nga tư vấn, thí sinh cần tìm hiểu kỹ về những môn năng khiếu mà mình sẽ phải tham gia dự thi. Đó có thể là môn hình hoạ, vẽ mỹ thuật, bố cục màu, hay trang trí màu…
Ngoài ra, mẫu vật được sử dụng cho từng môn vẽ là gì: Tĩnh vật hay người (vẽ chân dung hay toàn thân)? Thang điểm chấm ra sao để chọn cách thức học và luyện vẽ sao cho hiệu quả nhất.
Thí sinh cũng cần chọn cách thức luyện vẽ. Theo đó, các em có thể đăng ký học luyện vẽ tại lớp đào tạo và luyện vẽ chuyên nghiệp hoặc tự học thông qua: Youtube, các video hướng dẫn để thực hiện bài tập tại nhà.
Lưu ý, thí sinh không nên luyện vẽ liên tục trong nhiều giờ. Thay vào đó, các em cần có thời gian để tay và mắt được nghỉ ngơi. Đồng thời, không bị chán trong quá trình luyện tập. Những thí sinh chưa chưa từng học qua các lớp năng khiếu vẽ, các em hoàn toàn có thể đạt được nguyện vọng của mình nếu bắt đầu luyện tập ngay từ bây giờ.
Cũng theo TS Lê Trọng Nga, cần chuẩn bị đầy đủ dụng cụ vẽ trước khi bước vào phòng thi. Những vật dụng không thể thiếu khi ôn luyện và đi thi có thể kể đến như: giấy vẽ, bảng vẽ, bút chì đen, dao gọt, que đo, tẩy, băng dính, kẹp giấy, thước kẻ; bút lông (dẹt, tròn), bay lấy màu, các lọ màu (bột màu), palette pha màu, xô nhỏ, khăn lau…
TS Lê Trọng Nga (bên trái) cùng Nhà thiết kế Hà Duy trong một buổi tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho thí sinh dự thi môn năng khiếu vẽ. |
Không tạo áp lực cho bản thân
Đối với việc học vẽ, cũng giống như nhiều môn học khác, ngoài việc tập trung, chăm chỉ, các em nên giữ tinh thần thoải mái, không tạo áp lực cho bản thân. Ngày đi thi cần chú ý giữ gìn sức khỏe, nghỉ ngơi đầy đủ, chuẩn bị chu đáo các dụng cụ cần thiết cho từng môn thi.
Nhiều thí sinh cho rằng, ngày nay công nghệ phát triển, có nhiều các phần mềm hỗ trợ giúp các nhà thiết kế hay người học sáng tạo ra một tác phẩm, một bức tranh hoặc một bản thiết kế đẹp. Do đó, việc học vẽ hay phải vẽ đẹp không còn quá quan trọng.
Tuy nhiên, TS Lê Trọng Nga cho rằng, trong sáng tác nghệ thuật, tính độc đáo, sự sáng tạo được đặt lên hàng đầu. Trong đó, việc học vẽ, vẽ đẹp là những yếu tố, nền tảng quan trọng giúp người học rèn luyện thẩm mỹ, nâng cao sự sáng tạo và hỗ trợ đắc lực trong công việc sáng tạo của mình.
Ngoài ra, các phần mềm, trí tuệ nhân tạo cũng như các công nghệ khác là sản phẩm do con người tạo ra để phục vụ, hỗ trợ chúng ta. Hiện có nhiều công việc chưa thể thay thế được con người, nhất là vấn đề tư duy nghệ thuật, tính sáng tạo của các họa sĩ, nhà thiết kế. Chưa nói đến việc AI học hỏi từ “tri thức” của con người, bởi vậy các sản phẩm do AI sáng tạo còn liên quan đến vấn đề sao chép, bản quyền.
Sinh viên các ngành thiết kế, kiến trúc Trường ĐH Mở Hà Nội luôn tự tin, năng động và sáng tạo. |
TS Lê Trọng Nga viện dẫn, trong suốt chiều dài lịch sử, phong cách nghệ thuật cũ luôn bị đe dọa từ các công nghệ mới nhưng nghệ thuật hội họa vẫn tồn tại. Các phần mềm hỗ trợ như: Photoshop, 3ds Max… ra đời cũng đã gây ra những cú sốc nhưng nghệ thuật vẫn tồn tại.
Hình họa (hay vẽ Mỹ thuật) là các môn học cơ bản, nền tảng của hội họa, là cánh cửa đầu tiên để người học vẽ nghiên cứu và khám phá thực tế. Qua đó, giúp người học rèn luyện khả năng cảm thụ, cảm xúc và thị hiếu thẩm mỹ.
Hình họa có tác động bổ sung, hỗ trợ cho các môn học khác trong ngành kiến trúc, thời trang, đồ họa, nội thất như: Vẽ ghi, ký họa, diễn họa đồ án chuyên ngành, trang trí… cũng như các ngành nghệ thuật khác liên quan đến thẩm mỹ như: Hội họa, Đồ họa, Điêu khắc…
Đối với kỳ thi năng khiếu vẽ, Khoa Tạo dáng công nghiệp - Trường ĐH Mở Hà Nội mở lớp tạo nguồn năng khiếu theo hình thức online, hướng dẫn trực tuyến miễn phí để hỗ trợ cho thí sinh.