Chuyên gia hướng dẫn cách phục hồi sức khỏe sau khi mắc Covid-19

GD&TĐ - Theo các chuyên gia y tế, dù khỏi Covid-19, người bệnh cần phải tiếp tục theo dõi và nâng cao sức khỏe toàn diện, phục hồi chức năng, vật lý trị liệu, dinh dưỡng và chăm sóc tinh thần, giấc ngủ...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

"Thuốc" giúp bổ phổi chính là liệu pháp tập thở

Thông tin trên báo chí, BS. Dương Văn Trung - Bệnh viện Bưu điện cho biết, virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào phổi, ảnh hưởng trực tiếp đến các phế nang, là nơi trao đổi khí.

Xơ phổi là 1 biến chứng hay gặp nhất của hậu Covid, là tình trạng các nhu mô trong phổi bị tổn thương, dày lên, xơ cứng, mất chức năng đàn hồi và tạo thành sẹo ở phổi, nguyên nhân là do nhu mô phổi bị phá hủy trong giai đoạn cấp tính sẽ không thể phục hồi trạng thái bình thường, mà thay bằng những mô xơ.

Xơ phổi dẫn đến không thực hiện được chức năng trao đổi khí CO2 và O2 ở phổi, gây nên khó thở, đặc biệt là khó thở khi vận động thể lực. Đây là một trong những biến chứng dai dẳng ảnh hưởng đến khả năng lao động.

Sau Covid-19, chức năng phổi có thể sớm trở lại như bình thường sau 6 tháng hoặc kéo dài hơn nữa, thậm chí có tổn thương không hồi phục...

Theo các chuyên gia y tế, dù khỏi Covid-19, người bệnh cần phải tiếp tục theo dõi và nâng cao sức khỏe toàn diện, phục hồi chức năng, vật lý trị liệu, dinh dưỡng và chăm sóc tinh thần, giấc ngủ như có thể tập thở hàng ngày bằng cách hít vào, thở ra chậm, hít sâu dần dần và thở ra nhẹ nhàng không vội vã và nhịp độ tăng lên từng ngày.
Hoặc có thể tập thể dục hằng ngày như đi bộ chậm, tập thể dục nhẹ, đạp xe đạp rất chậm, tập dưỡng sinh.

Theo lời khuyên của BS. Dương Văn Trung, qua những phân tích ở trên cho thấy, "Thuốc" giúp bổ phổi chính là liệu pháp tập thở, giúp cho các phế nang giãn ra đưa lượng khí vào phổi nhiều nhất, các bài tập thở ngực, bài tập thở bụng... Chứ không có thuốc nào là bổ phổi hậu Covid-19, do đó người dân cần cẩn trọng kẻo tiền mất tật mang....

Người mắc bệnh Covid-19 thường bị mất nước và một số chất điện giải như natri, kali do sốt, viêm phổi và nhiễm trùng, vì thế tăng cường bổ sung nước để bù lại lượng nước đã mất giúp cho cơ thể mau phục hồi là rất cần thiết…

Cuối cùng là người bệnh cần chăm sóc sức khỏe tinh thần bằng việc ngủ đủ giấc, nghe nhạc, thư giãn và trao đổi thông tin với mọi người xung quanh để cuộc sống trở lại bình thường.

Bên cạnh luyện tập, nên tập trung chế độ dinh dưỡng hậu điều trị Covid-19

Các chuyên gia y tế cho rằng, bên cạnh luyện tập, nên tập trung chế độ dinh dưỡng điều trị di chứng Covid-19. Nguyên tắc chung, chọn thực phẩm đa dạng về chủng loại, cân bằng, chú trọng bù nước, điện giải. Chú trọng bổ phế, khai vị, an thần, thông đại tiểu tiện. Tùy theo thể trạng và tình trạng bệnh nhân sau khi khỏi bệnh, có thể lựa chọn hoặc phối hợp các loại thực phẩm sau đây:

Ớn lạnh, sợ lạnh, hay lạnh bụng, đau dạ dày khi ăn đồ sống lạnh (vị hàn), dễ tiêu chảy, sôi lạnh bụng thì sử dụng gừng, hành, canh cải xanh nấu gừng, rau ngò (rau mùi)...

Miệng khô, họng khô, khát nước, nóng bứt rứt dùng trà xanh, đậu đỏ, đậu xanh, khế, dưa hấu cả phần vỏ trắng, sương sâm, nước dừa tươi...

Vẫn còn ho, khạc đàm, sử dụng quả lê, bạch quả, ô mai, trần bì, cải thảo, tía tô...

Ăn uống không ngon miệng, hay chướng bụng, dùng sơn tra, đậu ván, hoài sơn, phục linh, củ cải, sa nhân...

Mất ngủ nên dùng tâm sen, nhãn lồng, vông nem...

Lưu ý, những thực phẩm này mang tính chất phòng ngừa và hồi phục sức khỏe sau bệnh, cần sử dụng đúng liều lượng, không lạm dụng; hạn chế bổ sung câu kỷ tử trong trường hợp này vì dễ sinh đàm thấp.

Theo ThS. BS Nguyễn Văn Tiến (Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng), người sau điều trị Covid-19 thường mệt mỏi, chán ăn, vì vậy, cần ăn thành nhiều bữa nhỏ, khoảng 5 bữa/ngày, tránh ăn quá no có thể gây khó thở.

Các món ăn chế biến ở dạng mềm, thái nhỏ, hầm kỹ để dễ tiêu hóa và hấp thu. Tăng cường rau xanh và hoa quả. Thay đổi món ăn thường xuyên, tránh đơn điệu để bữa ăn sẽ ngon hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ