Để hiểu rõ hơn vấn đề này, PV báo GD&TĐ đã có cuộc trao đổi với ông Howard Limbert - Chuyên gia hang động Hoàng gia Anh – về vấn đề đang được dư luận quan tâm.
PV: Thưa ông! Ông có thể đánh giá như thế nào tour du lịch khám phá hang Sơn Đoòng hiện nay và đề xuất lắp cầu thang nhằm thực hiện tour du lịch xuyên hang vừa được UBND tỉnh Quảng Bình chấp thuận...
Ông Howard Limbert: Với lộ trình cũ của tour khám phá hang Sơn Đoòng có tổng chiều dài khoảng 50km, bắt đầu từ Km 35 du khách sẽ phải băng rừng đến Hang Én và vào Sơn Đoòng. Du khách sẽ chỉ đi đến chân khối thạch nhũ cao 90 mét (bức tường Việt Nam) và sau đó phải quay lại con đường cũ để trở về.
Tuy nhiên với lộ trình mới được đề xuất (với tour 4 ngày 3 đêm) và dự kiến sẽ vượt khối thạch nhũ được gọi là “Bức tường Việt Nam” sẽ giúp du khách có thêm trải nghiệm mới là vượt khối thạch nhũ cao 90 mét, tổng chiều dài của tour này được rút ngắn xuống còn 30km.
Phương án này sẽ giúp du khách có thể trải nghiệm được toàn bộ hang Sơn Đoòng mà sẽ giảm thiểu được tối đa những tác động lên môi trường hang động.
PV:Nhiều ý kiến cho rằng việc lắp cầu thang để vượt “bức tường Việt Nam” sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống thạch nhũ tạo nên bức tường này. Xin ông cho biết quan điểm của mình?
Ông Howard Limbert: Một lần nữa tôi khẳng định rằng việc lắp đặt thang để vượt qua "bức tường Việt Nam" sẽ không làm ảnh hưởng đến thạch nhũ của bức tường này.
Một khối thạch nhũ cao hơn 90m và chân của nó nằm trong một hồ nước với mực nước dao động theo từng thời điểm nhưng ở mức từ 15-25m.
Trong quá trình hình thành chân của khối thạch nhũ luôn nằm trong môi trường nước và bùn nên độ gắn kết là cực yếu và bề mặt không ổn định sẽ không bao giờ có thể khoan các lỗ định vị trực tiếp để gắn cầu thang được.
Để thực hiện điều này chúng tôi đã khảo sát kĩ và xác định các vị trí an toàn nhất để lắp đặt thang có hiệu quả. Tại điểm tiếp xúc của đỉnh thang vào bức tường Việt Nam được lót bằng xốp để thân thang tác động trực tiếp lên khối thạch nhũ.
Đối với lối đi đoạn trên cùng của bức tường, có độ dốc 45 độ, chiều dài 65 mét, 8 lỗ để định vị các chốt khóa an toàn và lắp hệ thống dây bảo hiểm (hệ thống dây và dụng cụ bảo hiểm đạt chuẩn của Châu Âu) đã được lắp đặt.
PV: Ông có thể cho biết lợi thế khi hoàn thành việc lắp đặt thang vượt “bức tường Việt Nam”?
Ông Howard Limbert: Hiện nay việc du khách vượt khối thạch nhũ cao như vậy là điều hoàn toàn không thể. Cần phải có khoảng từ 4-5 chuyên gia mới giúp được một người vượt qua bởi khối thạch nhũ này có độ dốc lớn và dưới chân là cả một hồ nước có dòng chảy và rất nguy hiểm đối với du khách.
Chúng tôi đã nghiên cứu và có đề xuất lắp giá và cầu thang để du khách có thể vượt qua bức tường này một cách dễ dàng mà hoàn toàn không gây tác động và ảnh hưởng đến khối thạch nhũ này.
Nếu tiến hành lắp đặt cầu thang vượt “bức tường Việt Nam” thì đây sẽ là phương án tối ưu nhất và làm giảm thiểu tối đa về những tác động đến môi trường hang động từ việc triển khai khai thác du lịch mạo hiểm.
Và đặc biệt nó sẽ phục vụ hiệu quả công tác cứu hộ cứu nạn, an toàn nhất đối với du khách tham quan bởi vì lộ trình, thời gian được rút ngắn … mà vẫn đảm bảo an toàn, không phá vỡ cảnh quan, môi sinh môi trường trong hang Sơn Đoòng…
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Một số hình ảnh "bức tường Việt Nam" và cửa sau của hang. Ảnh do Ông Howard Limbert cung cấp: