Chuyên gia giải đáp câu hỏi thường gặp khi trẻ bị cận thị

Các chuyên gia về mắt giải đáp các câu hỏi thường gặp của cha mẹ khi có con bị cận thị.

Chuyên gia giải đáp câu hỏi thường gặp khi trẻ bị cận thị

Làm thế nào phân biệt cận thị nặng, cận thị nhẹ?

Theo PGS.TS.BS Trần Anh Tuấn, trả lời trong chương trình giao lưu trực tuyến trên đài Phát thanh Bình Thuận, đăng trên website của Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh:

Có nhiều loại cận thị và cận thị được phân loại theo độ như sau:

- Cận nhẹ (< -3.00D)

- Cận trung bình (-3.00D đến -6.00D)

- Cận nặng (> -6.00D)

Độ cận thường không tăng sau tuổi trường thành. Không có thoái hóa ở nhãn cầu (võng mạc).

Cận thị bệnh lý hay cận thị nặng có độ cận > -6.00D. Đây là loại cận thị có kèm theo thoái hóa bán phần sau của nhãn cầu.

Uống thuốc và bấm huyệt chữa được cận thị?

ThS.BS Đặng Xuân Nguyên (BV Mắt Hitec) cho biết, cận thị thực sự khi tra thuốc liệt điều tiết, vẫn còn tồn tại cận thị khi đo khúc xạ khách quan. Việc này chỉ thực hiện được ở cơ sở chuyên khoa mắt.

Khi đã cận thị thực sự, chỉ có đeo kính mới làm tăng thị lực. Các phương pháp châm cứu bấm huyệt, uống thuốc bổ mắt chỉ là phụ trợ làm tăng khả năng chịu đựng của mắt, hoặc làm giảm quá trình tăng số kính chứ không làm giảm độ cận thị được

Dùng thuốc gì cho người bị cận thị?

Cơ bản nhất là điều chỉnh một chế độ sinh hoạt hợp lý, chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng và vitamin. Ngoài ra có thể dùng một số thuốc cung cấp thêm các loại vitamin và các chất chống thoái hóa võng mạc, ở dạng tự nhiên là tốt nhất. Thuốc uống chỉ có tác dụng hỗ trợ, không điều trị được cận thị. Do vậy không nên dùng liều cao và kéo dài.

Mắt cận thị nhìn gần vẫn rõ do vậy chỉ đeo kính khi nhìn xa?

Chuyên gia giải đáp câu hỏi thường gặp khi trẻ bị cận thị ảnh 1

Quan điểm này không hoàn toàn đúng, mặc dù một vài bác sỹ vẫn khuyên bệnh nhân như vậy. Trong lớp học khi nhìn vào vở thì bỏ kính ra còn nhìn lên bảng thì đeo kính vào. Quan điểm này nghiễm nhiên cho rằng mắt cận thị chức năng nhìn gần vẫn bình thường, chỉ có chức năng nhìn xa mới bị ảnh hưởng.

Thực ra thì mắt cận thị muốn nhìn rõ được vật thì phải đưa lại gần sát mắt, gần hơn nhiều so với người bình thường, đặc biệt khi cận thị trung bình và nặng.

Đeo kính cận thường xuyên giúp chức năng nhìn của mắt trở về gần như người bình thường, nhìn xa rõ mà nhìn gần cũng không phải đưa sát mắt. Tư thế này giúp hình thành một thói quen tốt trong tư thế học hành, tránh được hiện tượng tăng số kính quá nhanh do thói quen nhìn gần.

Làm thế nào để hạn chế tăng số kính cận ở trẻ em?

Ở lứa tuổi học đường, mắt còn chịu tác động nhiều của các hoạt động nhìn gần và cấu trúc nhãn cầu còn nhiều thay đổi theo môi trường sống do vậy vẫn xảy ra hiện tượng tăng số kính.

Tuy nhiên, việc bố trí thời lượng học tập và vui chơi giải trí sẽ giúp mắt được thư giãn, tránh được hiện tượng tăng số kính quá nhanh. Quan trọng nhất là tạo thói quen đừng nhìn gần quá và để mắt thường xuyên được nhìn xa.

Hãy bố trí cho các cháu nhỏ một không gian sống và vui chơi thật thoáng mát và rộng rãi. Thỉnh thoảng uống một ít thuốc bổ mắt cũng tốt, tuy nhiên đừng quá lạm dụng không cần thiết

Khi nào thì mổ được mắt cận?

Tùy thuộc vào tình trạng ổn định của mắt mà bác sỹ sẽ cho lời khuyên thích hợp. Mổ cận khi độ cận đã thực sự ổn định, trong vòng 6 tháng không tăng quá 5 đi ốp. Tuy nhiên, ít nhất phải sau 18 tuổi mới sử dụng được phương pháp này.

Một số trường hợp đặc biệt như lệch khúc xạ quá cao gây nhược thị, có thể chỉ định mổ sớm hơn ở mắt bị cận nặng, tuy nhiên điều này cần có sự cam kết của gia đình .

Cận thị có biến chứng gì không?

Cận thị học đường đơn thuần không có tổn thương đáy mắt thường không gây biến chứng gì. Nếu có các tổn thương đáy mắt như thoái hóa hắc võng mạc, đặc biệt là thoái hóa võng mạc chu biên có thể gây rách võng mạc dẫn đến bong võng mạc.

Đây là biến chứng rất nặng, có thể dẫn đến mù lòa. Trẻ bị thoái hóa hắc võng mạc do cận thị cần phải được theo dõi định kỳ, laser đáy mắt nếu cần thiết.

Theo giadinhvn.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ