Chuyên gia dịch tễ: Xét nghiệm toàn bộ trẻ trước khi trở lại trường là không cần thiết

GD&TĐ - Chuyên gia dịch tễ PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, việc xét nghiệm toàn bộ trẻ trước khi trở lại trường là không cần thiết và tốn kém.

 Ảnh: Bộ Y tế.
Ảnh: Bộ Y tế.

Khi mở cửa trường học đón học sinh đi học trực tiếp trở lại, một số trường học tại nhiều địa phương như Thanh Hóa, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh… đã yêu cầu học sinh phải có xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 mới được đi học trở lại.

Trao đổi với Báo Giáo dục và Thời đại về vấn đề trên, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, việc bắt buộc xét nghiệm cho toàn bộ học sinh trước khi trở lại trường là không cần thiết.

PGS Phu phân tích, nếu tất cả học sinh khi đi học đều phải xét nghiệm thì số lượng test cần thực hiện cùng lúc quá lớn, vô cùng tốn kém về kinh tế.

Thực tế hiệu quả thu được từ việc xét nghiệm tràn lan không cao, tỷ lệ phát hiện tất cả F0 không lớn.

“Một người có kết quả âm tính hôm nay, đang trong giai đoạn ủ bệnh, hoặc sau đó tiếp xúc với F0 thì vẫn có thể dương tính sau vài ngày. Mà việc cho học sinh test liên tục mỗi ngày là không thể do yếu tố kinh tế. Chưa kể, độ chính xác của test nhanh không quá cao, dễ để “lọt lưới” một số ca bệnh”, PGS Phu phân tích.

Hiện cả nước đã bước vào giai đoạn “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” thay theo chiến lược “Zero Covid” chấp nhận có ca lây nhiễm nên xét nghiệm tràn lan không phù hợp. Việc tổ chức test cũng sẽ gây nhiều bất tiện cho nhà trường, học sinh và phụ huynh.

“Chúng ta cũng phải đánh giá, điều tra dịch tễ, xét nghiệm, rồi xác định F1, F0 như nào cho đúng. Nguy cơ đến đâu chúng ta thực hiện đáp ứng đến đó. Tránh việc chúng ta đáp ứng không tới thì cũng không phòng chống được dịch.

Trong lớp không thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch cũng không phòng chống được dịch. Hoặc đáp ứng một cách thái quá, đánh giá nguy cơ thái quá cũng gây ra cho các cháu học bị gián đoạn.

Ví dụ, Bộ Y tế có đánh giá lại cấp độ dịch thì các địa phương cũng cần phải áp dụng theo đó. Tránh hiện tượng chỉ có một số trường hợp F0 gia đình mà cả phường đó bắt các cháu nghỉ học. Hoặc có trường hợp F0 thì cả quận phải nghỉ học. Hoặc dịch chỉ xảy ra ở 1 lớp mà bắt cả trường nghỉ học.

“Đó là những cái chúng ta không nên, thay vì như vậy, nếu một lớp có ca dương tính thì chỉ yêu cầu lớp đó nghỉ học thay vì để tất cả các lớp nghỉ” – BS Phu nói.

Việc xét nghiệm cũng phải diễn ra đúng theo dịch tễ, tránh xét nghiệm tràn lan và không cần thiết vừa tốn kém cho nhà trường và tốn kém cho gia đình trẻ", PGS, TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, thay vì yêu cầu học sinh phải có xét nghiệm âm tính mới được đi học trở lại, các trường học nên tập trung xét nghiệm “trọng tâm, trọng điểm” vào đối tượng nguy cơ và chú ý tới vấn đề phòng dịch.

Chỉ nên yêu cầu test Covid-19 với những trường hợp sau: Người có tiền sử tiếp xúc với F0 hoặc nghi ngờ tiếp xúc với F0; các trường hợp có triệu chứng sốt, ho, khó thở, mất khứu giác hoặc triệu chứng nghi nhiễm Covid-19 khác, nhóm còn lại không cần xét nghiệm. Đồng thời, tăng cường các biện pháp giám sát.

PGS Trần Đắc Phu cũng khuyến cáo nhà trường cần tăng cường các biện pháp dự phòng đã được Bộ Y tế và Bộ Giáo dục Đào tạo hướng dẫn như cho học sinh đeo khẩu trang, khử khuẩn lớp học, hạn chế trẻ tiếp xúc giữa các lớp với nhau,… 

Thông tin trên báo chí, một đại diện Bộ Y tế cho rằng trong quy định mới sửa đổi hướng dẫn thực hiện nghị quyết 128 của Chính phủ, Bộ Y tế đã hướng đến nguyên tắc quản lý chặt các vùng đỏ, không để lây lan ra các vùng xanh.

Địa phương sẽ đánh giá nguy cơ và quyết định cách thức phòng chống dịch tại tỉnh thành mình, nhưng phải cân đối và theo nguyên tắc kể trên (quản lý chặt vùng đỏ, không để dịch lây ra vùng xanh). Tại sao lại yêu cầu xét nghiệm học sinh, đẩy gánh nặng cho gia đình và các cháu, trong khi có yêu cầu xét nghiệm với công sở, với siêu thị, chợ hay không?.

Cũng theo vị này, như vậy nếu có các quy định để chống lây nhiễm thì chỉ nên áp dụng với vùng đỏ, còn các vùng xanh, vàng vì sao lại yêu cầu xét nghiệm? Hiện nay chúng ta không còn theo đuổi con đường "Zero Covid", mà chấp nhận có ca lây nhiễm nhưng quan trọng là giảm biến chuyển nặng và giảm tối đa tử vong.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.