Chuyên gia chứng minh Kiev phản công thua vì quá tự tin chiến thắng Kharkov

GD&TĐ - Kiev đã ảo tưởng về chiến thắng của chiến dịch giành lại Kharkov tháng 9/2022, dẫn đến thất bại trong cuộc phản công Zaporozhye.

Chuyên gia chứng minh Kiev phản công thua vì quá tự tin chiến thắng Kharkov

Một chuyên gia quân sự đã có những nhận xét hết sức đáng chú ý khi bàn về thất bại hiển nhiên trong chiến dịch phản công của Quân đội Ukraine ở khu vực phía nam, đặc biệt là ở Zaporozhye.

Theo đó, nguyên nhân thất bại thì có nhiều và đã được các chuyên gia quân sự và giới truyền thông chỉ ra, ví dụ như thiếu quân, số đã có thì đào tạo huấn luyện kém; vũ khí trang bị không có những phương tiện hỗ trợ mặt đất, lại lai tạp nhiều chủng loại; đến khả năng chỉ huy-hiệp đồng kém…; nhưng một nguyên nhân khá quan trọng đã bị bỏ qua, đó chính là tư duy khuôn mẫu, máy móc trong hàng ngũ chỉ huy cấp chiến lược, chiến dịch.

Theo nhà báo, nhà tư vấn truyền thông, nhà khoa học chính trị người Belarus Alexander Zimovskym viết trên kênh Telegram của mình rằng, chính tư duy khuôn mẫu đã trở thành một trong những yếu tố chính dẫn đến những thất bại trong cuộc phản công chậm chạp của Lực lượng Vũ trang Ukraine, kéo dài gần 2 tháng rưỡi qua.

Tác giả lưu ý rằng, chiến dịch phản công của Quân đội Ukraine vào hồi tháng 6 vừa qua vào hệ thống phòng thủ của Lực lượng Vũ trang Liên bang Nga ở khu vực phía nam Ukraine (nam Donetsk, Kherson, Zaporozhye) không có bất cứ chiến thuật nào mới lạ, có thể khiến quân Nga bất ngờ.

Theo ông Zimovskym, những nỗ lực để lặp lại các sự kiện của tháng 9 năm 2022 (cuộc phản công mùa thu năm 2022 của Quân đội Ukraine giành lại toàn bộ những vùng đất đã mất ở tỉnh Kharkov, mà quân Nga đã chiếm được kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine ngày 24/2/2022) là những sai lầm khiến Kiev chắc chắn sẽ thất bại.

Điểm lại những thành công của Ukraine trong năm 2022

Sự lặp lại chiến thuật được minh chứng bằng sự “mất tích” của các đơn vị lớn xe tăng chủ lực của Ukraine trong chiến dịch đột phá sâu ở vùng Zaporozhye để nối thông đường ra biển Azov, giống hệt như những gì đã xảy ra ở mặt trận đông bắc Ukraine, chiếm lại vùng Kharkov hồi tháng 9 năm ngoái.

Trong chiến dịch Izyum-Liman năm 2022, Lực lượng Vũ trang Ukraine (AFU) đã tập hợp một nắm đấm chủ lực cực mạnh gồm 3 lữ đoàn xe tăng, huy động tổng số khoảng 250-300 xe tăng nâng cấp từ thời Liên Xô được triển khai từ bắc xuống nam mặt trận Izyum-Liman vào ngày 11/09/2022.

Tuy nhiên, 3 lữ đoàn này chưa bao giờ tham gia trận chiến với tư cách là một nắm đấm xe tăng chủ lực.

Các đơn vị bộ binh cơ giới Ukraine đã thực hiện nhiệm vụ tốt đến nỗi cuộc phản công nhanh chóng của họ đã xuyên thủng các tuyến phòng thủ của Nga và chiếm lại phần lãnh thổ rộng hơn 3.000km2 chỉ trong vòng 1 tuần, khiến xe tăng không còn cần thiết như một phương tiện đột phá thọc sâu và phát triển tấn công trên mặt trận này.

Quân đội Ukraine đã giữ nguyên được lực lượng xe tăng này ở tuyến 2 cho đến khi ổn định mặt trận phía Đông trên tuyến Kremennaya-Svatovo.

Theo chuyên gia Zimovsky, trong chiến dịch tấn công của Lực lượng Vũ trang Ukraine ở hữu ngạn sông Dnieper ở vùng Kherson vào mùa thu năm 2022, bộ chỉ huy Ukraine đã lặp lại hoàn toàn kinh nghiệm thu được ở vùng Kharkov.

Hơn nữa, lần này, Lực lượng Vũ trang Ukraine thậm chí không bắt đầu tạo ra một nắm đấm xe tăng, mà chỉ giới hạn ở sự hiện diện của Lữ đoàn xe tăng 17 trong lực lượng dự bị, lực lượng này luôn được giữ ở tuyến hai trên tuyến Tomarino-Novokaira và được tổ chức thành các nhóm cơ động.

Tuy nhiên, trong chiến dịch này họ cũng đã thành công khi ép được quân Nga phải rút sang tả ngạn sông Dnieper, giúp quân đội Ukraine chiếm lại được thành phố Kherson, thủ phủ của tỉnh cùng tên.

Sai lầm của sự lặp lại

Mùa hè này, Bộ chỉ huy Lực lượng Ukraine phản công ở vùng Zaporozhye đã cố gắng lặp lại những kế hoạch tác chiến năm ngoái, được thử nghiệm thành công ở Kharkov và Kherson.

Theo chuyên gia, Ukraine đã xây dựng các “nắm đấm hỗn hợp” bằng việc kết hợp các xe thiết giáp của Lực lượng Bộ binh cơ giới với các đơn vị xe tăng chính quy của các lữ đoàn bộ binh, nòng cốt là xe bọc thép tốc độ cao, để xuyên phá tuyến phòng thủ của Lực lượng vũ trang Nga ở Zaporozhye.

Bộ chỉ huy Ukraine dường như dự kiến ​​​​sẽ tiến hành một chiến dịch chớp nhoáng kiểu “đánh nhanh, thắng nhanh” để thần tốc tiến đến bờ biển Azov.

Kiểu biên chế và chiến thuật này được xây dựng theo mô hình các Lữ Bộ binh cơ giới của Mỹ, chú trọng đến khả năng tác chiến nhanh, cơ động cao.

Mặc dù Lực lượng Vũ trang Ukraine cũng đã chuẩn bị ba lữ đoàn xe tăng nhưng chúng không được thể hiện vai trò mũi nhọn tấn công của mình, vì được giao nhiệm vụ yểm hộ hai bên sườn.

Có lẽ là do Quân đội Ukraine nghĩ rằng những chiếc xe tăng nặng nề chạy trên bánh xích sẽ làm giảm tốc độ hành quân của họ.

Do đó, trong số 450 xe tăng được phân bổ cho chiến dịch phản công của Ukraine, cho đến nay, khoảng 300 xe tăng vẫn chưa tham chiến.

Thực tế đã cho thấy, xem xét nhiều “nghĩa trang thiết giáp” của Ukraine trên mặt trận Zaporozhye, trong một tốp phương tiện bọc thép bị tiêu diệt sẽ chỉ có 1-2 xe tăng, trong khi có tới 4-5 xe chiến đấu bộ binh và xe bọc thép chở quân.

Với mũi đột kích có hỏa lực yếu như vậy, lại không có sự chi viện hỏa lực đủ mạnh để chế áp quân địch, các mũi đột kích này nhanh chóng bị quân Nga bẻ gãy, các đợt phản công đều thất bại nặng nề.

Chuyên gia Zimovsky nhấn mạnh, Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Ukraine đã lên kế hoạch phản công không chính xác.

Sự lãng phí lớn nguồn lực tấn công đột phá từ xe tăng đã khiến kế hoạch phản công của Kiev phá sản hoàn toàn, lực lượng Ukraine đã kiệt sức vì thiệt hại nặng nề ở ngay tuyến phòng thủ tiền duyên của các lớp mìn Nga, chưa thể tiến tới tuyến phòng thủ chính liên kết chặt chẽ và có chiều sâu của quân Nga.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đã đưa ra những nguyên nhân sai lầm ở tầm chiến lược của Quân đội Ukraine, từ khâu hoạch định chiến lược phản công lẫn sự chuẩn bị cho chiến dịch này.

Đây mới là những nguyên nhân chính khiến Kiev thất bại trong chiến dịch phản công quân Nga. Có điều kiện chúng ta sẽ tìm hiểu điều này trong những bài sau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ