Thực trạng sử dụng chất tạo nạc cấm hay còn gọi là chất tăng trọng trong chăn nuôi lợn đang trở nên đáng báo động khi liên tiếp những vụ việc cơ quan chức năng ở nhiều tỉnh phát hiện cơ sở chăn nuôi dùng chất tạo nạc. Trong đó, chất sử dụng phổ biết nhất ở nước ta là Salbutamol và Clenbuterol.
Hai chất clenbuterol và salbutamol là những chất đã bị cấm sử dụng trong chăn nuôi theo quyết định của hai tổ chức Y tế thế giới WHO và Nông lương thế giới FAO. Tại Việt Nam, loại chất độc hại này bị cấm sử dụng trong chăn nuôi từ năm 2002.
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), hai chất này thuộc nhóm beta agonist có tác dụng làm giãn phế quản, được dùng làm thuốc chữa bệnh hen suyễn ở người. Tác dụng phụ của hai chất này làm cho lợn nở nang, tăng trọng nhanh, nhất là tăng lượng nạc. Nếu người tiêu dùng ăn thịt lợn có tồn dư hai chất nói trên, lâu dần sẽ có nguy cơ bị ảnh hưởng xấu đến sức khỏe như gây ngộ độc cấp, run cơ, đau tim, tim đập nhanh, choáng váng, tăng huyết áp, rối loạn tiêu hóa… và có thể là nguy cơ cho nhiều bệnh lý khác. Trường hợp bị ngộ độc nặng có thể dẫn đến tử vong.
Thịt lợn có chứa chất tạo nạc lớp mỡ thường mỏng, màu sắc đỏ bất thường. Ảnh minh họa
Để phân biệt lợn nào được nuôi bằng chất tạo nạc, lợn nào không, theo kinh nghiệm của bà Trần Thị Nga (thương lái lợn ở Yên Mỹ, Hưng Yên) có thể chỉ cần mắt thường. Lợn nuôi bằng thức ăn thông thường thì khỏe mạnh, khi thấy người vào chuồng thì kêu và di chuyển ra chỗ khác. Còn lợn nuôi bằng chất tạo nạc phản xạ chậm, chỉ nằm im và thở. Da của lợn nuôi bằng hóa chất tạo nạc sẽ mỏng hẳn, khi lợn còn sống da có độ căng bất thường, có cảm giác như bị ứ nước bên trong.
Chia sẻ về cách nhận diện thịt lợn có chất tạo nạc, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - cán bộ Viện Công nghệ Sinh học - Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, thông thường thịt lợn chứa chất tạo nạc thường có màu đỏ bất thường và sáng bóng hơn bình thường. Nạc dày gần sát với da, lớp mỡ rất mỏng chưa đến 1cm trong khi lợn bình thường dày 1,5 – 2cm.
Ngoài ra, thịt lợn ăn chất siêu nạc tích nhiều nước, mặt cắt trên thớ thịt không được mịn, thớ ngắn, độ săn chắc kém. Khi chế biến thường bị tách rời rõ rệt phần mỡ và phần nạc. Khi ăn không cảm nhận được vị thơm và béo của thịt.
Thịt lợn an toàn thường có lớp mỡ sáng bóng, phần nạc có độ đàn hồi cao, khi ấn tay vào thịt không để lại vết lõm dính khi bỏ ngón tay ra và không bị dính. Thịt có màu sắc đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, màng ngoài thịt khô nhưng khi dùng dao cắt thịt có màu sắc bình thường sáng.
Thịt ngon không có mùi lạ, mùi ôi thiu hay thuốc kháng sinh. Khi mua, người tiêu dùng cũng nên tránh những loại thịt có màu sắc bất thường như màu hơi thâm, màu xanh nhạt và khi dùng tay ấn vào thịt có cảm giác bị nhớt.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo, trường hợp người tiêu dùng chẳng may mua phải miếng thịt lợn nghi nhiễm chất tạo nạc với những dấu hiệu như ở trên nên bỏ đi, đừng tiếc mà chế biến vì thịt lợn có chất tạo nạc sẽ không có cách nào loại bỏ chất độc hại này ra khỏi thực phẩm. Đây là những hóa chất có khả năng tồn dư lâu trong cơ thể động vật, dù trong quá trình chế biến có ở nhiệt độ cao cũng không hết.