Một lớp học theo mô hình mới ở Trường TH Giai Xuân (Tân Kỳ) |
(GD&TĐ) - Thực hiện chủ trương của Bộ GD&ĐT, cùng với nhiều địa phương khác trên cả nước, từ năm học 2012 - 2013, Sở GD&ĐT Nghệ An đã triển khai thực hiện thí điểm “Mô hình trường học mới Việt Nam” ở các lớp 2 và 3 tại 73 trường tiểu học. Nhiều chuyển động tích cực đã được ghi nhận lại chỉ sau hơn một năm mô hình giáo dục mới này được triển khai…
Vùng khó cũng không quản ngại
Việc thí điểm được thực hiện ở ba môn Tiếng Việt, Toán và Tự nhiên - xã hội. Chương trình của ba môn này vẫn giữ nguyên theo chương trình mà Bộ GD&ĐT đã ban hành, chỉ có thay đổi về tài liệu và phương pháp dạy và học. Tài liệu dạy và học được biên soạn lại theo nội dung của sách giáo khoa và yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng hiện hành.
Cái khác trước là tài liệu được biên soạn cho từng bài theo ba hoạt động: Hoạt động cơ bản, hoạt động thực hành và hoạt động ứng dụng. Trong từng hoạt động, tùy theo bộ môn, tài liệu thiết kế theo nhiều kiểu: Hoạt động cá nhân, hoạt động đôi, hoạt động nhóm ba người trở lên. Tài liệu cũng đã sắp xếp “ba trong một”, nghĩa là sách giáo khoa, sách giáo viên và sách hướng dẫn học sinh tự học gộp làm một cuốn.
Nhưng điều quan trọng hơn cả là khi sử dụng tài liệu này, mặc nhiên giáo viên phải thay đổi hoàn toàn cách dạy, học sinh phải thay đổi hoàn toàn cách học (cách tiếp thu nội dung bài giảng) chứ không còn kiểu “thầy giảng, trò nghe” như phương pháp truyền thống lâu nay.
Trước đây, nhiều dự án về giáo dục thường được thí điểm ở vùng thuận lợi (thành phố, thị xã, đồng bằng). Lần này, với cách nghĩ: Vùng còn nhiều khó khăn (khó khăn về cơ sở vật chất; khó khăn về năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên; khó khăn về điều kiện và năng lực học tập của học sinh; khó khăn về môi trường giáo dục; …) làm có hiệu quả cao thì không lý gì, vùng thuân lợi lại không thể làm tốt, nên Sở GD&ĐT Nghệ An đã quyết định tập trung triển khai ở nhiều trường thuộc miền núi, vùng cao.
Và, trong số 73 trường tiểu học thực hiện thí điểm “Mô hình trường học mới Việt Nam”, chỉ có 22 trường ở thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò và 7 huyện đồng bằng khác, còn phần lớn (51 trường) thuộc 11 huyện miền núi, vùng cao (Tân Kỳ 7 trường; Thanh Chương 7 trường; Nghĩa Đàn 7 trường; Qùy Hợp 4 trường; Con Cuông 4 trường; Quỳ Châu 4 trường; …).
Trường học thân thiện là đây
Phát huy sự năng động của học sinh trong mô hình trường học mới |
Lên huyện miền núi Tân Kỳ, nơi có 7/25 trường tiểu học thực hiện thí điểm “Mô hình trường học mới Việt Nam”, tôi vào một trường vùng xa có đông đồng bào dân tộc - Trường Tiểu học Giai Xuân. Trường có ba điểm trường (1 điểm chính, 2 điểm lẻ).
Hiện tại có 17 lớp thí điểm (gồm: 6 lớp 2, 5 lớp 3, 6 lớp 4) với 364 học sinh (trong đó 250 em là người dân tộc ít người) rải ra ở cả ba điểm trường (hai điểm, mỗi điểm 6 lớp và một điểm 5 lớp). Vào các lớp này, bàn ghế không đặt như trước đây (cùng hướng lên bảng) mà được sắp xếp, ghép lại cho 5, 6 nhóm học sinh; mỗi nhóm có 4, 5 em ngồi cùng hướng vào nhau.
Cô giáo phụ trách một trong các lớp thí điểm cho biết: Trong các tiết học, học sinh không phải ngồi nghe cô giáo giảng mà thường hoạt động theo nhóm dưới sự hướng dẫn của cô giáo để xây dựng bài học. Chính vì thế, cách sắp xếp bàn ghế, chỗ ngồi cho học sinh cũng phải theo nhóm; sắp xếp kiểu như thế này còn giúp cho cô giáo dễ dàng tiếp cận để trao đổi với từng nhóm và từng học sinh trong quá trình giảng dạy.
Cô giáo chỉ xung quanh phòng học, cho hay bốn bức tường đã được tận dụng tối đa, được chia thành từng phần, trang trí thành góc Toán; góc Tiếng Việt; góc Tự nhiên - xã hội; góc Các hoạt động giáo dục; góc Cộng đồng; hộp thư Ý kiến của bạn; … Đây là các góc giúp cô giáo hướng dẫn học sinh tổ chức các hoạt động giáo dục bổ trợ ngoài các tiết học, hoặc giúp cô giáo thu nhận ý kiến góp ý, đề xuất của học sinh…
Vào thăm một lớp 2 (lớp mới thực hiện thí điểm được hơn 2 tháng), khi tôi vừa bước chân ra khỏi lớp học thì nghe tiếng nói phía sau: “Thưa bác”. Tôi ngoảnh lại thấy một cháu nữ cầm một cuốn sổ bìa cứng đang bước theo. Thấy tôi ngoảnh lại, cháu đưa cuốn số ra phía trước mặt tôi và nói: “Cháu thay mặt các bạn cảm ơn bác đã vào thăm lớp của cháu, cháu xin bác ghi vào sổ này một ít dòng để các cháu lưu lại làm kỷ niệm”. Tôi hỏi cháu: “Cháu phụ trách công việc gì của lớp”. Cháu trả lời tôi: “Thưa bác, cháu là Trưởng ban Đối ngoại ạ”.
Ghi xong, tôi vừa nói lời tạm biệt, vừa trao lại cuốn sổ cho cháu. Hai tay đỡ cuốn sổ, cháu không quên cảm ơn tôi trước khi bước trở lại lớp. Trên đường trở lại phòng làm việc, thầy giáo Hà Văn Tân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Diễn Kỷ cho biết: Khi dự tập huấn, được hướng dẫn cách tổ chức lớp như thế này, bản thân tôi cũng lo chứ không phải chỉ giáo viên lo. Lo là các em học sinh lớp 2, lớp 3 còn quá nhỏ, liệu các em có tự quản được không, các em có làm được như lý thuyết mà mình tiếp thu không.
Đúng là mình chưa làm nên chưa đánh giá đúng khả năng của học sinh. Chỉ độ một tháng đầu, các giáo viên chủ nhiệm phải vất vả hướng dẫn các em cách điều hành lớp, điều hành các hoạt động tập thể, cách tổ chức hoạt động của Hội động Tự quản, nhưng chỉ sang tháng thứ hai, các em đã biết cách làm, tự làm được và nhiều em làm rất tốt.
Các lớp thí điểm của Trường Tiểu học thị trấn Diễn Châu khác hoàn toàn so với một lớp học truyền thống. Ban Cán sự lớp trước đây nay được thay thế bằng Hội đồng Tự quản; Hội đồng này do tập thể lớp bầu ra chứ không phải do cô giáo chủ nhiệm chỉ định. Hội đồng khá đông, có Chủ tịch, hai Phó Chủ tịch và 6 uỷ viên phụ trách 6 ban (Ban Học tập, Ban Thư viện, Ban Đối ngoại, Ban Tư vấn, Ban Văn nghệ - Thể dục - Thể thao, Ban Sức khỏe - Vệ sinh). Hội đồng Tự quản đảm nhiệm tổ chức toàn bộ các hoạt động của lớp, khi cần thiết mới nhờ cô giáo trợ giúp. |
Minh Đức
Kỳ II: Nhà trường không chỉ là nơi dạy chữ