Quyết tâm triển khai dự án
Chia sẻ tại buổi lễ, cô Văn Liên Na - Phó Hiệu trưởng nhà trường nêu rõ quyết tâm và các mục tiêu cụ thể khi triển khai dự án. Trong đó, nâng cao năng lực nghề nghiệp của cán bộ, giáo viên nhà trường thích ứng với bối cảnh chuyển đổi số; chuẩn hóa quy trình quản lý và dạy học theo hướng hiện đại, tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu quả.
Triển khai có hiệu quả hệ sinh thái giáo dục AEGlobal để nâng cao chất lượng dạy học tại nhà trường; hiện thực hóa mục tiêu của Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, rèn luyện và phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực trong kỷ nguyên số, nhất là năng lực tự học - tự nghiên cứu, năng lực số, năng lực sáng tạo...
Năm học 2021-2022 là năm học đầu tiên triển khai chương trình GDPT 2018 áp dụng cho học sinh lớp 6. Nhiều trường đã xuất hiện những khó khăn trong việc hiện thực hóa mục tiêu của chương trình như: Phải xây dựng mới hệ thống bài giảng, bài tập, bài thi; thay đổi cách thức kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực, đáp ứng yêu cầu của chương trình; chuẩn hóa, phân hóa, số hóa.
Qua thực tế sử dụng các nền tảng công nghệ tự phát triển và của các nhà cung cấp lớn trên thị trường, nhà trường nhận thức được việc chuyển đổi số phải là sự hội tụ của cả công nghệ và giáo dục. Trong đó, việc chuyển đổi số mô hình dạy và học cũng như tư duy nhận thức số và năng lực số của người dạy là cốt lõi.
"Do đó, Trường Lương Thế Vinh cơ sở Tân Triều quyết định lựa chọn Công ty Cổ phần Giáo dục toàn cầu Adaptive Learning (AEGlobal) là đối tác thực hiện dự án trong ba năm. Trong đó trọng tâm là việc chuyển đổi mô hình dạy học, đào tạo - huấn luyện viên chuyển đổi theo mô hình mới.
Chuyển đổi số của trường học không chỉ dừng lại tạo ra môi trường số để dạy học trực tuyến, mà bản chất hướng tới thay đổi mô hình giáo dục, hướng đến giải pháp toàn diện. Từ đó, giúp người học và người dạy được trải nghiệm không gian số, các ứng dụng để phát triển năng lực bản thân, năng lực số cho thành công trong tương lai" - cô Liên Na nhấn mạnh.
Vai trò của chuyển đổi số trong giáo dục
PGS.TS Chu Cẩm Thơ - Chủ tịch Hội đồng khoa học AEGlobal bày tỏ lòng vui mừng trước sự hợp tác của nhà trường khi áp dụng các giải pháp về chuyển đổi số trong giáo dục thông qua dự án lần này. Trong 3 năm sẽ dần thay đổi hoàn toàn nhận thức, tức học sinh được phát triển cả năng lực tư duy và năng lực số.
Theo vị diễn giả, ý nghĩa và giá trị của chuyển đổi số trong giáo dục là rất lớn. Điều này thể hiện ở sự hài hòa giữa các yếu tố con người, quy trình thực hiện và công nghệ; tầm nhìn vì con người (tức đội ngũ nhà giáo và học sinh); sáng tạo, thích ứng nhanh với bối cảnh dựa trên nền tảng công nghệ và năng lực số của đội ngũ.
Để chuyển đổi trong giáo dục cần có 5 nhóm giải pháp. Giải pháp về năng lực số, tức nâng cao năng lực nhận thức và ứng dụng công nghệ. Hạ tầng bảo mật, tức các giải pháp về hậ tầng, công nghệ và an toàn dữ liệu. Giáo dục và dịch vụ, tức giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động giảng dạy và học tập (Edtech); quản trị điều hành; giải pháp phân tích, khai thác dữ liệu tiến đến hệ thống báo cáo thông minh và quản trị theo dữ liệu.