Chuyển đổi số - giải pháp cho trường phổ thông

GD&TĐ - Chuyển đổi số là nội dung quan trọng của ngành giáo dục, vì vậy mỗi cán bộ quản lý của ngành tiếp tục tìm kiếm giải pháp, nội dung có hiệu quả.

Các em học sinh học trực tuyến trên máy tính trong đợt dịch Covid-19. Ảnh: Thái Phong.
Các em học sinh học trực tuyến trên máy tính trong đợt dịch Covid-19. Ảnh: Thái Phong.

Chiều 10/10, Sở GD&ĐT TP. Đà Nẵng phối hợp với Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt – Hàn (VKU) – Đại học Đà Nẵng tổ chức Hội thảo với chủ đề “Chuyển đổi số ngành giáo dục và đào tạo, cơ hội, thách thức và một số giải pháp cho các trường phổ thông”.

Khó khăn về nguồn nhân lực chuyển đổi số trong trường học

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Mai Tấn Linh – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP. Đà Nẵng cho hay, chuyển đổi số là xu thế tất yếu trên toàn cầu và một giải pháp quan trọng cấp thiết làm cơ sở để xây dựng triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển của mỗi ngành, mỗi địa phương và của mỗi quốc gia.

Theo ông Linh, vấn đề quan trọng trong chuyển đổi số của ngành giáo dục đào tạo chính là xuất phát từ thay đổi trong tư duy, nhận thức về chuyển đổi số của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; đặc biệt là cán bộ quản lý, giáo viên trong cơ sở giáo dục. Chuyển đổi số trong giáo dục là quá trình thay đổi phương thức thực hiện, giáo dục truyền thống bằng phương pháp giáo dục hiện đại, bao gồm cả cơ sở vật chất và phương thức giáo dục, dạy học, quản lý.

Ông Mai Tấn Linh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP. Đà Nẵng phát biểu khai mạc hội thảo.

Ông Mai Tấn Linh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP. Đà Nẵng phát biểu khai mạc hội thảo.

“Theo đó, chúng ta tận dụng tối đa công nghệ để hướng đến một nền giáo dục chất lượng cao. Thời gian qua ngành giáo dục Đà Nẵng đã và đang thực hiện bước đầu trong việc chuyển đổi số. Như tạo cơ sở dữ liệu về giáo dục, triển khai hệ thống thông tin chính quyền điện tử, chữ ký số cho các đơn vị trường học…cung cấp các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4.

Cơ bản chúng ta đã đáp ứng được hoạt động dạy học, giáo dục, đặc biệt đánh giá kết quả học tập bằng nhiều hình thức trong điều kiện dịch bệnh”, ông Linh nhấn mạnh.

Vị đại diện ngành giáo dục Đà Nẵng cho hay, UBND TP. Đà Nẵng đã giao cho Sở GD&ĐT về việc ban hành đề án chuyển đổi số trong ngành giáo dục thành phố đến năm 2025 định hướng 2030. Sở GD&ĐT ban hành kế hoạch chuyển đổi số trong ngành giáo dục năm 2021-2025.

“Để triển khai hoạt động tốt các nội dung, hội thảo là dịp để các cơ quan, doanh nghiệp giới thiệu các mô hình, giải pháp để các trường có thêm cách tiếp cận về chuyển đổi số. Từ đó, những mô hình, giải pháp mới để các cơ sở giáo dục áp dụng trong thời gian đến, đặc biệt là việc áp dụng chương trình Giáo dục phổ thông 2018”, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP. Đà Nẵng thông tin.

Trình bày tại hội thảo, TS. Trần Thế Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt – Hàn nhìn nhận, các trường trung học phổ thông tại Đà Nẵng hiện nay đội ngũ chuyên trách về công nghệ thông tin rất mỏng, đây chính là một trong những khó khăn trong quá trình chuyển đổi số. Trong khi đó, tại các trường Đại học đã có bộ phận chuyên trách về công nghệ thông tin, hoặc một tổ chuyển đổi số.

Theo ông Sơn, hai việc các trường cần làm khi chuyển đổi số hiện nay đó tạo mô hình quản trị và thay đổi được phương pháp giảng dạy để mang lại trải nghiệm tốt nhất. Để làm được điều này ông nêu đề xuất, đó là các trường có thể lựa chọn phương án chuyển đổi số bằng cách phối hợp với doanh nghiệp công nghệ thông tin, hoặc hợp tác với các trường đại học chuyên ngành khi họ có sẵn hạ tầng.

Trong khi đó, ông Lê Nguyễn Trường Giang – Viện trưởng Viện chuyển đổi số cho hay, thúc đẩy chuyển đổi số ở mỗi trường trung học phổ thông thì việc lớn nhất đầu tiên làm không phải là công nghệ, các giải pháp, phần mềm hay ứng dụng mà đó là phải thay đổi cách thức và tư duy về việc quản lý trường học, cách dạy, cách định nghĩa lại chúng ta đang làm gì ở môi trường giáo dục. Nếu không làm được việc đó thì chúng ta càng cố gắng áp dụng giải pháp công nghệ sẽ làm rối hơn…

Theo ông Giang, muốn thúc đẩy chuyển đổi số ở trường hiệu quả thì những người lãnh đạo, cán bộ, giáo viên và học sinh phải có tư duy số; đồng thời tất cả mọi người phải có năng lực số. “Năng lực số không phải biết sử dụng máy tính mà là năng lực có thể thích ứng hiệu quả với môi trường số để có thể thích nghi hiệu quả đòi hỏi công nghệ gắn với cuộc sống, con người gắn liền với máy móc”, ông Giang lưu ý.

Giáo viên đang dạy online cho học sinh trong lúc dịch Covid-19. Ảnh: Thái Phong.

Giáo viên đang dạy online cho học sinh trong lúc dịch Covid-19. Ảnh: Thái Phong.

Nếu chúng ta nói về giáo dục đó là kết hợp với nhà trường, gia đình và xã hội. Khi nhà trường chuyển đổi số tất cả những thứ đó phải đi cùng nhau để tạo nên một hệ sinh thái”, vị này chia sẻ. Viện trưởng Viện chuyển đổi số cho hay, việc tạo ra dữ liệu và vốn hóa dữ liệu giúp lãnh đạo nhà trường biết điều hành sao cho đúng, giáo viên hiểu được học sinh để dạy quản lý hợp lý, gia đình nắm được con em… Từ đó nhà trường trở thành một hạng mục, tạo nên mỗi bản sắc riêng. Công nghệ số chuyển đổi số cho phép làm điều đó, giúp tạo ra năng suất.

“Chuyển đổi số không có một mô hình để áp dụng cho tất cả, chuyển đổi số là cho từng trường hợp một cho nên không thể nghĩ có một ai làm thành công đâu đó bê về mình làm. Mỗi trường học mỗi đơn vị phải tự thiết kế cho mình một chuyển đổi riêng….”, ông Giang nhấn mạnh.

Chuyển đổi số quan trọng với ngành giáo dục

PGS.TS Huỳnh Công Pháp – Hiệu trưởng Trường VKU cho rằng, chuyển đổi số là một tiến trình diễn ra liên tục, nếu chúng ta không chuyển đổi sẽ bị “đào thải”. “Chính vì thế, hội thảo là dịp để các chuyên gia chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về chuyển đổi số. Đồng thời đây cũng là dịp để các cơ sở trường học nêu lên những cơ hội, khó khăn, thách thức, để từ đó tìm cách tháo gỡ, nâng cao nhận thức trách nhiệm hơn nữa, cùng chung tay góp sức triển khai thành công chương trình chuyển đổi số Quốc gia”, PGS.TS Huỳnh Công Pháp nói.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, đối với các trường phổ thông với ngành giáo dục vấn đề chính là hạ tầng công nghệ thông tin, về nhận thức, ý chí, quyết tâm, nhất là nguồn nhân lực về công nghệ thông tin. “Qua đây, chúng tôi có thể cùng chung tay với ngành giáo dục TP. Đà Nẵng, cùng với đó sẽ cung cấp nguồn nhân lực chuyển đổi số, chuyển giao hỗ trợ các trường phổ thông trên địa bàn”, PGS. TS Huỳnh Công Pháp chia sẻ thêm.

Kết luận tại hội thảo, bà Lê Thị Bích Thuận - Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết, Sở xác định chuyển đổi số là một trong những nội dung quan trọng đối với ngành giáo dục.

Chính vì thế, bà Thuận đề nghị mỗi thầy cô, mỗi cán bộ quản lý của ngành không ngừng học tập, tìm kiếm giải pháp, mô hình, nội dung có hiệu quả trong việc dạy học.

Bà Lê Thị Bích Thuận - Giám đốc Sở GD&ĐT TP. Đà Nẵng.

Bà Lê Thị Bích Thuận - Giám đốc Sở GD&ĐT TP. Đà Nẵng.

“Chúng tôi xác định rằng ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giảng dạy, đánh giá, kiểm tra và quản lý… sẽ giúp chất lượng tăng lên. Thời gian đến mỗi trường, mỗi phòng giáo dục phải tiếp tục cập nhật cở sở dữ liệu, tìm kiếm những mô hình chuyển đổi số…” - bà Thuận nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.