Chuyển đổi số - Cuộc cách mạng về trí tuệ

GD&TĐ - Theo TS Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN, chuyển đổi số (CĐS) là cuộc cách mạng về trí tuệ. CĐS có thành công hay không phụ thuộc vào người đứng đầu.

Chuyển đổi số - Cuộc cách mạng về trí tuệ

Còn rập khuôn

Theo quy định của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình CĐS quốc gia, các bộ, ngành, địa phương đang khẩn trương xây dựng kế hoạch CĐS đáp ứng các mục tiêu của Quyết định 749.

Tại thời điểm này, một số địa phương như Bình Định, Hà Giang, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Quảng Nam, Đà Nẵng, TPHCM… đã thành lập Ban chỉ đạo Chương trình CĐS, ban hành kế hoạch CĐS cấp tỉnh.

Đa phần các địa phương đã nhận thức được tầm quan trọng của CĐS đối với quá trình phát triển kinh tế, xã hội và phân công lãnh đạo chủ chốt của tỉnh tham gia Ban chỉ đạo; mời các chuyên gia có uy tín tham gia các hội đồng tư vấn; mời các đơn vị mạnh về công nghệ và tài chính hỗ trợ.

Các bộ, ngành và địa phương cũng đã tích cực triển khai xây dựng và hoàn thiện hệ thống dịch vụ công trực tuyến, một số bộ và tỉnh đã thông báo 100% dịch vụ công đạt mức độ 4, điều này cho thấy khả năng đạt được mục tiêu về chính quyền số, chính phủ số là hiện hữu.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Quân cho rằng, mảng CĐS doanh nghiệp hiện nay còn rất chậm, nhất là các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, chế tạo. Nguyên nhân là dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh.

Các doanh nghiệp sản xuất thường là vừa và nhỏ, thiếu nguồn lực tài chính và con người, chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu số cho doanh nghiệp và chưa có sự hỗ trợ của các chuyên gia về công nghệ và quản trị. Điều này ảnh hưởng nhiều đến mục tiêu của kinh tế số, vì trụ cột của kinh tế số chính là các doanh nghiệp đã CĐS.

TS Nguyễn Quân chia sẻ: “Hầu hết các địa phương mà tôi có dịp tiếp cận đang xây dựng chương trình CĐS đều thể hiện tính quyết liệt trong hành động, phân công lãnh đạo cao nhất của địa phương chủ trì các Ban chỉ đạo, Ban điều hành, Hội đồng tư vấn… và mời các chuyên gia có uy tín, trình độ giúp địa phương xây dựng và triển khai kế hoạch CĐS.

Tuy nhiên, đề án CĐS của nhiều địa phương vẫn chưa thoát khỏi sự rập khuôn, xây dựng theo cơ cấu của Quyết định 749, kể cả một số mục tiêu cũng đặt ra theo Quyết định 749 chứ chưa căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương mình.

Ví dụ, Đà Nẵng hay Ninh Thuận đều đặt ra mục tiêu tỷ lệ kinh tế số đến 2025 là 20% như Quyết định 749, trong khi Đà Nẵng là thành phố công nghiệp, có tiềm lực mạnh về nhân lực và tài chính lẽ ra phải đặt mục tiêu cao hơn, còn Ninh Thuận là tỉnh nông nghiệp còn nhiều khó khăn, có thể đặt chỉ tiêu thấp hơn.

Thêm nữa, các địa phương chưa đưa ra được giải pháp mang tính đột phá cho CĐS dựa trên đánh giá một cách khoa học về tiềm năng và lợi thế của địa phương mình. Đồng thời cũng còn lúng túng trong việc xác định lĩnh vực chính cần ưu tiên CĐS”.

Người đứng đầu đóng vai trò quyết định

Chuyển đổi số - Cuộc cách mạng về trí tuệ ảnh 1
Khi chúng ta đã chọn đúng người, giao đúng việc thì người đứng đầu phải tin tưởng những người mình đã lựa chọn, những người mình giao việc. Những người đó có thể là người trong bộ máy của địa phương nhưng cũng có thể là chuyên gia được mời hoặc thuê từ các tổ chức trong nước và quốc tế để giúp cho địa phương mình. Họ chỉ có thể làm việc tốt khi họ được tôn trọng, được giao quyền lực đầy đủ và được tạo điều kiện tốt nhất cho quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình. TS NGUYỄN QUÂN

Theo TS Nguyễn Quân, để CĐS thành công, người đứng đầu có vai trò quyết định. CĐS cũng là một cuộc cách mạng, một cuộc cách mạng về trí tuệ. Nếu không có người đứng đầu đủ bản lĩnh, trí tuệ và tập hợp được những người giỏi nhất thì không thể có sự thành công của các quốc gia mới công nghiệp hóa (NIC) như Hàn Quốc, Singapore…

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mà cốt lõi là CĐS cần một thời gian đủ dài để đạt được những mục tiêu vĩ đại của nó. Điều này đòi hỏi người lãnh đạo phải có tầm nhìn xa, có ý chí và theo đuổi đến cùng mục tiêu của mình.

Nếu thế hệ lãnh đạo sau không tiếp tục được tư duy và nhận thức của thế hệ trước, rất có thể công cuộc CĐS sẽ bị buông rơi giữa chừng và đất nước sẽ không bắt kịp con tàu 4.0 cùng thế giới.

Người lãnh đạo cần có kiến thức đủ rộng về CĐS. Tất nhiên không phải là một chuyên gia có kiến thức chuyên môn sâu về CĐS, không nhất thiết phải biết Blockchain là công nghệ gì, trí tuệ nhân tạo vận hành ra sao, nhưng ít nhất nội hàm của CĐS cần phải nắm được.

Người đứng đầu phải biết cần làm gì để thúc đẩy CĐS ở địa phương mình, phải bắt đầu từ đâu, sử dụng quyền lực, nguồn lực của mình như thế nào? Tập trung được quyền lực trong tay mình, cùng với tập thể lãnh đạo, với địa phương thực hiện mục tiêu CĐS.

Nếu như không có đủ quyền lực và ý chí để theo đuổi mục tiêu đó thì chắc chắn khó thành công. Người lãnh đạo phải biết dùng người, tập hợp được những người tâm huyết nhất, những chuyên gia giỏi nhất của địa phương, của tổ chức mình để xây dựng chương trình CĐS một cách khoa học nhất, khả thi nhất.

Người đứng đầu phải dám chấp nhận thách thức, mạo hiểm. Bởi CĐS là cuộc cách mạng, khả năng thành công và khả năng thất bại là 50/50. Nếu chúng ta có quyết tâm, có người lãnh đạo đủ tầm, có nguồn lực thì tỷ lệ thành công cao hơn.

Nhưng không ai khẳng định được nó có thành công 100% hay không. Do đó, người đứng đầu phải chấp nhận thách thức, gần như là người bảo lãnh về mặt chính trị cho những người được giao nhiệm vụ thực hiện chủ trương CĐS của địa phương mình.

CĐS là vấn đề quan trọng nhất của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Không ai có thể dự báo được khi nào chúng ta hoàn thành được chương trình CĐS quốc gia. Vì vậy, nó đòi hỏi người lãnh đạo quản lý phải đồng hành với chương trình này với thời gian đủ dài.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ