Chuyển đổi số: Chuẩn bị tâm thế thích ứng cho cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh

GD&TĐ - Để thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong GD-ĐT giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030” cần giải pháp đồng bộ từ bây giờ.

Ứng dụng CNTT trong dạy và học tại Trường Tiểu học Lương Phong số 1 (Hiệp Hòa, Bắc Giang). Ảnh minh họa
Ứng dụng CNTT trong dạy và học tại Trường Tiểu học Lương Phong số 1 (Hiệp Hòa, Bắc Giang). Ảnh minh họa

Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong GD-ĐT giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030” có mục tiêu đến 2025, tỷ trọng nội dung chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) được triển khai dưới hình thức trực tuyến đạt trung bình 5% ở bậc tiểu học, 10% ở bậc trung học.

Mục tiêu khả thi

“Có thể có những khó khăn trong thời gian ban đầu, như chuyển biến từ cán bộ quản lý, giáo viên và phụ huynh về hình thức học trực tuyến; thiết bị, đường truyền; ý thức học tập của HS và sự quan tâm của phụ huynh HS; việc kiểm tra, đánh giá chưa phản ánh đúng thực tế năng lực học tập của HS” – thầy Trần Văn Hân chia sẻ.

Trong thời gian học sinh (HS) không thể đến trường học trực tiếp, việc dạy học trực tuyến được áp dụng để thay thế. Tuy bị động nhưng theo thầy Trần Văn Hân, Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Quý (Đồng Tháp), triển khai dạy học trực tuyến đã bảo đảm yêu cầu cơ bản trong giai đoạn qua. Vì vậy, nếu có lộ trình, giải pháp căn cơ thì mục tiêu đến 2025, tỷ trọng nội dung chương trình GDPT được triển khai dưới hình thức trực tuyến đạt trung bình 5% ở tiểu học, 10% ở trung học là khả thi. Nói vậy nhưng không có nghĩa là không có khó khăn.

Thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ) cũng nhận thấy có nhiều khó khăn cần giải quyết mục tiêu đặt ra đạt cả về chất và lượng. Trong đó, một số khó khăn cơ bản là sự đồng thuận của đội ngũ nhà giáo và xã hội; văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể; hệ thống dạy học, quản lý, kiểm tra đánh giá trực tuyến; yêu cầu của Chương trình GDPT 2018.

Liên quan đến nội dung này, cô Lê Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường THCS Quản Cơ Thành (An Giang) lại đặt vấn đề: Cần phân biệt “chuyển đổi số” và “số hóa”. Nếu “số hóa” là việc “biến đổi các giá trị thực sang dạng số”, thì “chuyển đổi số” là khi có dữ liệu được số hóa rồi, chúng ta phải sử dụng các công nghệ như AI, Big Data... để phân tích dữ liệu, biến đổi nó và tạo ra một giá trị khác.

Từ đây, có thể thấy chuyển đổi số không chỉ dừng lại ở ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) như trước nay mà còn là thay đổi cả kết cấu làm việc truyền thống. Chuyển đổi số trong giáo dục bao gồm chuyển đổi số trong quản lý và chuyển đổi số trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá.

Từ quan điểm này, cô Lê Thị Ngọc Dung cho rằng: Bối cảnh giáo dục thực hiện nhiệm vụ kép, vừa dạy học vừa chống dịch, thì năm 2025 triển khai 5% nội dung ở tiểu học và 10% ở trung học sang hình thức trực tuyến là dễ dàng. Tuy nhiên, đây chỉ đáp ứng mục tiêu “số hóa” tài liệu học tập, xây dựng platform chuẩn bị cho công nghệ số (thư viện số, sách giáo khoa điện tử, bài giảng điện tử, ngân hàng câu hỏi điện tử…), việc dạy học, đánh giá vẫn đạt được mục tiêu đề ra, triển khai dưới hình thức trực tuyến. Nhưng để đạt hiệu quả tối đa của chuyển đổi số e rằng còn nhiều khó khăn

“Khó khăn từ nhiều khía cạnh. Về thao tác, chúng ta đã quá quen kiểu dạy học truyền thống, tương tác trực tiếp; nếu chuyển đổi sang các tương tác ảo, cần sự chuẩn bị kỹ năng cho cả giáo viên và HS. Ứng dụng CNTT là một hoạt động, nhưng khai thác và tận dụng CNTT với nền tảng số hóa là một cuộc cách mạng lớn hơn. Trên hết chúng ta chưa đủ cơ sở hạ tầng để đưa tất cả nguồn lực lên không gian ảo” – cô Lê Thị Ngọc Dung chia sẻ. 

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Quyết tâm không chỉ của ngành GD

Cô Lê Thị Ngọc Dung cho rằng: Khó khăn ở trên đã chỉ ra những yếu tố cần thay đổi để thực hiện nhiệm vụ này. Theo đó, về cơ sở hạ tầng, cần trang bị cơ sở vật chất, thiết bị công nghệ cao đáp ứng hoạt động trực tuyến. Về nhân lực, cần trang bị kiến thức, thái độ và kỹ năng cho đội ngũ giáo viên. Về quản lý, cần số hóa thông tin quản lý chất lượng giáo dục có thể nhanh hơn một bước và sớm chuyển đổi số quản lý giáo dục.

“Riêng Trường THCS Quản Cơ Thành, để thực hiện mục tiêu trên, 2 năm gần đây, những hoạt động quản lý chất lượng giáo dục đã được số hóa, cơ sở dữ liệu được cập nhật thường xuyên. Với công tác dạy học và đánh giá, trường đang hoàn thiện hệ thống dữ liệu online, tạo dựng không gian mạng cho các hoạt động dạy học. Trong tương lai gần, chúng tôi sẽ tham gia những khóa tập huấn về chuyển đổi số, chuẩn bị tâm thế thích ứng các hoạt động mới cho tập thể giáo viên, HS, từng bước làm quen các hoạt động trên mạng và học cách khai thác nguồn lực trên mạng” – cô Lê Thị Ngọc Dung thông tin.

Chia sẻ giải pháp, thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng cho rằng, Bộ GD&ĐT, sở GD&ĐT cần có văn bản hướng dẫn triển khai với yêu cầu cụ thể; văn bản hướng dẫn kiểm tra đánh giá những nội dung triển khai trực tuyến; hệ thống dạy học và kiểm tra trực tuyến đồng bộ, thống nhất; truyền thông hiệu quả để nhận được sự ủng hộ của giáo viên, các chuyên gia giáo dục, cha mẹ HS, nhân dân.

Hạn chế tối đa việc giao khoán cho cơ sở giáo dục. Với nhà trường, cần thực hiện tốt công tác truyền thông để tạo sự đồng thuận trong nội bộ và xã hội; chỉ đạo thực hiện bám sát văn bản của Bộ/sở GD&ĐT và phù hợp thực tế. Các trường cũng cần xây dựng kế hoạch thực hiện từ trường, tổ, nhóm chuyên môn đến từng giáo viên với lộ trình cụ thể; tổ chức tập huấn, sử dụng hệ thống quản lý, dạy học, kiểm tra trực tuyến do Bộ/sở GD&ĐT trang bị.

Với thầy Trần Văn Hân, điều kiện về CNTT và chuyển đổi số là yêu cầu đầu tiên và có tính quyết định để đạt được mục tiêu trên. Nhưng cần sự quyết tâm, chung tay của các ngành liên quan và toàn xã hội mới đủ điều kiện thực hiện. Với nhà trường, việc cần làm là xây dựng, công khai kế hoạch chiến lược của trường, chú trọng mục tiêu và giải pháp tăng cường ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Tạo đồng thuận cao nhất về mục tiêu, giải pháp dạy học trực tuyến theo lộ trình cụ thể từng năm.

Từng cán bộ, giáo viên, nhân viên có ý thức rõ những việc cá nhân phải làm để đạt mục tiêu chung của nhà trường. Cũng rất cần tranh thủ để có được sự quan tâm của các ngành, địa phương và nhất là phụ huynh HS. Tham mưu cấp trên trang bị và tự trang bị cơ sở vật chất, phương tiện để bảo đảm hiệu quả dạy học trực tuyến. Từng bước tuyên truyền nâng cao ý thức, tính tự giác của HS trong việc học trực tuyến. Ưu tiên thúc đẩy giáo viên tự học, tự nguyên cứu các phương pháp dạy học trực tuyến hiệu quả và ứng dụng CNTT để đa dạng hình thức kiểm tra, đánh giá, vừa tiện lợi, vừa đánh giá đúng năng lực của HS.

Khẳng định mục tiêu đưa ra trong Đề án cơ bản thực hiện được, ông Phùng Quốc Lập, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ cũng cho rằng: Bảo đảm chất lượng theo yêu cầu Chương trình GDPT 2018, cần có giải pháp đồng bộ, khả thi. Đó là tốt công tác truyền thông tới các cấp chính quyền, đoàn thể, đội ngũ nhà giáo về mục đích, yêu cầu, tầm quan trọng của chuyển đổi số trong giáo dục. Tiếp tục tổ chức hiệu quả công tác tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên kỹ năng và trình độ áp dụng CNTT trong dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục. Yếu tố đặc biệt quan trọng là sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành để bổ sung kinh phí xây dựng hạ tầng CNTT, đường truyền…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...