Chuyển đổi số 2022: Ưu tiên chuyển đổi văn hóa và quy trình làm việc theo hướng linh hoạt

GD&TĐ - Vietnam Agile Report 2021 là báo cáo đầu tiên về mức độ linh hoạt của doanh nghiệp Việt Nam đã được công bố trong buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Chuyển đổi Linh hoạt: Xu hướng 2021 & Dự báo 2022”.

Các chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp tham gia tọa đàm trong sự kiện công bố Vietnam Agile Report 2021.
Các chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp tham gia tọa đàm trong sự kiện công bố Vietnam Agile Report 2021.

Xu hướng chuyển đổi năm 2021

Báo cáo Vietnam Agile Report 2021 cho thấy một số thống kê rất đáng chú ý ở 5 nội dung chính gồm: Sự linh hoạt và phát triển khách hàng; Xu hướng của sự linh hoạt; Tác động của yếu tố linh hoạt đối với doanh nghiệp; Linh hoạt và thị trường nhân lực; Linh hoạt và chuyển đổi số.

Về tác động của yếu tố linh hoạt đối với phát triển khách hàng, có tới 93% số người được hỏi đề cập tới việc khách hàng của họ mong muốn sự linh hoạt ở các mức độ khác nhau trong dự án, hợp tác. Trong đó, 46% mong muốn mức độ linh hoạt nhất định; 25% cho rằng triển khai theo hướng linh hoạt là một lợi thế để hợp tác; 17% có yêu cầu cụ thể dự án, hợp tác phải được triển khai theo hướng linh hoạt.

Ông Phạm Anh Đới, CEO Học viện Agile với kinh nghiệm đào tạo, tư vấn chuyển đổi thành công cho nhiều doanh nghiệp cho rằng: “Thực tại Covid -19 rất khắc nghiệt, nhưng nó cũng thúc đẩy những chuyển đổi tích cực, trong đó thúc đẩy nhu cầu về sự linh hoạt và chuyển đổi số triệt để. Khi có được văn hóa làm việc linh hoạt thì chúng ta có thể nhìn mọi thứ theo hướng tích cực hơn”.

Tham gia chia sẻ trong buổi tọa đàm công bố báo cáo, ông Hoàng Tuấn Anh, CEO của Vua Nệm cũng đồng tình với các nội dung của báo cáo và chia sẻ thêm: “Đứng trước bối cảnh 2021 rất thách thức đòi hỏi doanh nghiệp phải đột phá, tất cả những đột phá đó đều phải xoay quanh trọng tâm là khách hàng. Và để thử nghiệm và học hỏi nhanh nhất, phương pháp luận Agile (linh hoạt) là rất phù hợp, một trong những yếu tố đóng góp vào sự đột phá của doanh nghiệp chính là sự linh hoạt.”

Dù có hoặc không tuyên bố về việc áp dụng Agile (khung tư duy về sự linh hoạt trong môi trường biến động và không chắc chắn), trong quản lý của hầu hết các doanh nghiệp, tính chất linh hoạt ngày càng trở nên rõ nét. Cũng theo báo cáo, hầu hết người được hỏi đều đồng ý rằng tính chất linh hoạt đang ngày càng rõ nét hơn trong quản lý doanh nghiệp và Agile là một xu hướng trong quản trị hiện đại.

Với vai trò là Giám đốc Sản phẩm số, Khối chuyển đổi số Ngân hàng MSB, anh Hoàng Hữu Huy trong tọa đàm cho rằng: “Lúc đầu chúng ta nghĩ sự linh hoạt xuất phát từ lĩnh vực công nghệ là chính, nhưng thời điểm hiện tại quan niệm về sự linh hoạt cũng khác nhiều, nó giúp giải rất nhiều bài toán ở rất nhiều lĩnh vực.”

Đối mặt với đại dịch, sự gián đoạn đòi hỏi các doanh nghiệp phải thích ứng, thay đổi và đưa ra quyết định nhanh chóng hơn bao giờ hết. Theo Vietnam Agile Report, có tới 34% số người được hỏi cho rằng sự linh hoạt giúp rút ngắn từ 20% đến 50% thời gian hoàn thành dự án, 84% cho rằng linh hoạt giúp sớm chuyển giao sản phẩm tới khách hàng.

Cũng theo báo cáo này, khả năng linh hoạt trước sự thay đổi chưa thể đoán định và khả năng phản hồi liên tục với khách hàng và thị trường là những yếu tố quan trọng nhất trong chuyển đổi số. Và đó cũng là lý do mà 81% số người tham gia khảo sát cho rằng cần thực hiện chuyển đổi về văn hóa và quy trình làm việc theo lối linh hoạt trước khi thực hiện những chuyển đổi về công nghệ.

Chia sẻ về điều này, anh Hoàng Hữu Huy cho rằng: “Sự linh hoạt được đón nhận như một cách làm mới, cách làm giúp các dự án có khả năng sống sót cao hơn, giúp các đơn vị phối hợp dễ dàng hơn, cho phép thử sai và cải tiến nhanh hơn. Tại Ngân hàng MSB trong quá trình chuyển đổi số, sự linh hoạt được kỳ vọng sẽ tạo dựng một cách làm việc mới giúp MSB thích ứng nhanh hơn với các thay đổi của thị trường để chuyển đổi số thành công.”

Ảnh minh hoạ/INT.
Ảnh minh hoạ/INT.

Một số dự báo về xu hướng chuyển đổi năm 2022

Trong buổi tọa đàm, các chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp cũng đưa ra một số nhận định và dự báo về xu hướng linh hoạt trong chuyển đổi số năm 2022.

Ông Hoàng Tuấn Anh, CEO của Vua Nệm nhấn mạnh yếu tố tốc độ để đáp ứng trước những thay đổi trong hành vi của khách hàng. Ông Tuấn Anh cho rằng: “Chuyển đổi doanh nghiệp là hành trình không có hồi kết. Năm 2022, sẽ tiếp tục đưa sự linh hoạt vào theo cả chiều sâu và chiều rộng và tốc độ là yếu tố vô cùng quan trọng. Khách hàng thay đổi hành vi rất nhanh, buộc lòng doanh nghiệp phải có sự thích nghi nhanh hơn.”

Thêm nữa, ông Tuấn Anh nhận định: “Một trong những điều chuyển biến nhiều nhất trong năm qua là sự phát triển các phương thức kết nối từ xa. Nhìn trong bối cảnh chung, năm tới chuyển đổi số sẽ tiếp tục ở mức cao hơn, và chắc chắn sự linh hoạt tập trung trong nhiệm vụ tối ưu trải nghiệm khách hàng sẽ là ưu tiên trong năm tới.”

Từ kinh nghiệm cá nhân trong thúc đẩy chuyển đổi số trong ngân hàng, ông Hoàng Hữu Huy nhận định: “Sự linh hoạt cho thấy là cách tiếp cận tốt với các dự án chuyển đổi trong bối cảnh thị trường có nhiều biến đổi và áp lực thay đổi trong ngành Tài chính Ngân hàng. Trong năm 2022, cùng với yêu cầu về chuyển đổi số, sự linh hoạt sẽ ngày càng thịnh hành hơn ở cả các lĩnh vực ngoài công nghệ, cùng với việc lấy khách hàng làm trung tâm.”

Ông Phạm Anh Đới, CEO Học viện Agile với kinh nghiệm đào tạo, tư vấn chuyển đổi thành công cho nhiều doanh nghiệp cho rằng: “Linh hoạt là hành trình mà mỗi doanh nghiệp phải tốt dần lên mỗi ngày, nó không có hồi kết. Và chuyển đổi số năm 2022 sẽ chứng kiến sự cạnh tranh lớn hơn về nguồn nhân lực công nghệ và đặc biệt là nhân lực có năng lực linh hoạt và thích ứng. Sự cạnh tranh không chỉ đến từ các doanh nghiệp trong nước mà còn có sự tham gia của các doanh nghiệp quốc tế.”

Với vai trò là người tư vấn chuyển đổi linh hoạt cho một số ngân hàng và doanh nghiệp công nghệ, anh Nguyễn Thế Nghị, Đại diện Học viện Agile tại Hồ Chí Minh cho rằng: “Năm 2022, sự linh hoạt từ quy mô nhóm nhỏ sẽ mở rộng ra ở quy mô lớn hơn trên toàn tổ chức. Chúng ta sẵn sàng phương pháp luận để chuyển đổi cấu trúc doanh nghiệp ở quy mô lớn.”

Chuyển đổi số đã là từ khóa quan trọng trong mấy năm qua và sẽ tiếp tục là một nội dung trong tâm trong kế hoạch năm 2022 của nhiều tổ chức và doanh nghiệp. Bên cạnh chuyển đổi công nghệ, sự chuyển đổi về văn hóa và quy trình làm việc theo lối linh hoạt hơn sẽ trở thành ưu tiên trong năm tới.

Vietnam Agile Report 2021 là báo cáo về mức độ linh hoạt của doanh nghiệp do Học viện Agile công bố. Để xây dựng báo cáo này, Học viện Agile đã tiến hành khảo sát trên diện rộng thông qua bảng hỏi trực tuyến trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 10/2021 với 530 người thuộc 4 nhóm đối tượng chính là: Lãnh đạo cấp cao, người làm công tác nhân sự, người triển khai/ thực hành Agile (linh hoạt), và quản lý trong lĩnh vực CNTT. Người tham gia khảo sát chủ yếu đến từ các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT (69%) với quy mô phổ biến nhất từ 50 đến 200 nhân sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.