Cần đối xử công bằng với các doanh nghiệp trong chính sách thuế

GD&TĐ - Tạo môi trường công bằng, bình đẳng, minh bạch, là chủ trương xuyên suốt trong phát triển kinh tế của nước ta. Tuy nhiên, đây đó vẫn có những hiện tượng đang làm nhà đầu tư lo lắng, đặc biệt về chính sách thuế.

Formosa Hà Tĩnh luôn là một trong những đơn vị dẫn đầu trong đóng góp cho nguồn thu ngân sách. Ảnh: Báo Hà Tĩnh
Formosa Hà Tĩnh luôn là một trong những đơn vị dẫn đầu trong đóng góp cho nguồn thu ngân sách. Ảnh: Báo Hà Tĩnh

Nỗ lực của doanh nghiệp giúp ngành thuế về đích sớm

Cuối năm 2021, ngành thuế đã vượt dự toán thu ngân sách trước kế hoạch, bất chấp những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra. Để có kết quả này, ngoài những sáng kiến và công sức ngày đêm của cơ quan thuế các cấp còn phải ghi nhận những nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp trong việc duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiếp tục có đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước.

Trong số các doanh nghiệp đóng góp lớn nhất cho nguồn thu ngân sách năm 2021 có nhiều tên tuổi quen thuộc thuộc khối đầu tư trực tiếp nước ngoài như Samsung, Unilever, Formosa Hà Tĩnh… Đây đều là những đơn vị có thành tích lớn về nộp thuế và tạo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn người lao động tại các địa phương trên cả nước.

Suốt nhiều năm qua, chính sách nhất quán của Đảng và nhà nước Việt Nam là tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp có cơ hội đầu tư, kinh doanh và phát triển, trong đó có các doanh nghiệp FDI. Ở chiều ngược lại, dễ hiểu đa số các doanh nghiệp đều nhận thức rõ được vai trò, trách nhiệm của mình và luôn đồng hành cùng nhà nước, góp phần ổn định an sinh xã hội, nhất là trong thời gian dịch bệnh vừa qua.

Tuy nhiên, đây đó vẫn có những hiện tượng đơn lẻ đang làm nhà đầu tư cảm thấy bất an, chưa thực sự được đối xử công bằng về chính sách thuế. Đơn cử như tình trạng kéo dài tại Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh liên quan đến việc hoàn thuế nhà thầu nước ngoài.

Đừng để ‘con sâu làm rầu nồi canh’

Năm qua, dù dịch bệnh hoành hành nhưng Formosa Hà Tĩnh vẫn đẩy mạnh sản xuất. Ảnh: Báo Hà Tĩnh

Năm qua, dù dịch bệnh hoành hành nhưng Formosa Hà Tĩnh vẫn đẩy mạnh sản xuất. Ảnh: Báo Hà Tĩnh

Cụ thể, theo phản ánh của doanh nghiệp, đầu năm 2020, Cục Thuế tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định số 145/QĐ-CT yêu cầu Formosa Hà Tĩnh nộp 5.989,6 tỷ đồng thuế nhà thầu nước ngoài. Dù quyết định này có nhiều điểm chưa đúng, nhưng trên tinh thần thượng tôn pháp luật, Formosa Hà Tĩnh đã nộp toàn bộ số tiền trên vào tháng 2/2020. 

Sau đó, doanh nghiệp này đã báo cáo Văn phòng Chính phủ và Bộ Tài chính và làm việc nhiều lần với Tổng cục Thuế về vụ việc này. Theo đúng tinh thần các Văn bản 219/TB-VPCP ngày 02/06/2014 của Văn phòng Chính phủ và 8044/BTC-CST ngày 17/06/2014 của Bộ Tài chính, Quyết định số 145/QĐ-CT nêu trên của Cục Thuế tỉnh Hà Tĩnh là không hợp lệ.

Sau nhiều lần làm việc với các cơ quan quản lý cấp cao về thuế, ngày 15/03/2021, Formosa Hà Tĩnh đã có văn bản đồng ý với phương án xử lý vụ việc của Tổng cục Thuế với nội dung cụ thể như sau: Phần thuế VAT Formosa Hà Tĩnh đã nộp là 1.155 tỷ đồng có thể được khấu trừ (hoàn thuế), miễn nộp tiền chậm nộp 1.363 tỷ đồng và không tính phạt 294,2 tỷ đồng. 

Mặc dù các bên đã thống nhất hướng xử lý như trên, nhưng sau nhiều lần khiếu nại, kiến nghị, đến nay Formosa Hà Tĩnh vẫn chưa được giải quyết thoả đáng quyền lợi hợp pháp của mình. 

Được biết, trong nhiều năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất và kết quả kinh doanh, nhưng Formosa Hà Tĩnh vẫn luôn là một trong những doanh nghiệp có đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước, với số tiền thuế nộp mỗi năm là trên 7.000 nghìn tỷ đồng.

Trên tinh thần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài, thiết nghĩ các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét, chỉ đạo các đơn vị có liên quan giải quyết dứt điểm vụ việc nêu trên nhằm tạo lòng tin cho doanh nghiệp, đồng thời khuyến khích họ tiếp tục tham gia đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh, góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ