Trọng tâm trong chuyến công du nước ngoài chính thức đầu tiên trong nhiệm kỳ hai của Tổng thống Mỹ Donald Trump là những con số hợp đồng lên tới hàng nghìn tỷ USD.
Trong chuyến công du Trung Đông kéo dài 3 ngày từ 13 đến 15/5 này, dường như quan điểm xuyên suốt của ông Donald Trump là “kinh doanh trước ngoại giao sau”, khi điểm nhấn ở mỗi chặng dừng chân đều là các bản hợp đồng kinh tế và đầu tư quy mô lớn với các nước Ả Rập.
Việc ông chọn các quốc gia vùng Vịnh để khởi đầu thay vì các đồng minh truyền thống ở châu Âu cũng đã cho thấy rõ quan điểm này của người đứng đầu Nhà Trắng.
Tại điểm đến đầu tiên là Ả-rập Xê-út ngày 13/5, Mỹ và nước chủ nhà đã ký thỏa thuận một bản hợp đồng quốc phòng khổng lồ mà Nhà Trắng gọi là thỏa thuận vũ khí lớn nhất trong lịch sử, trị giá gần 142 tỷ USD.
Hợp đồng này bao gồm việc hàng chục công ty quốc phòng của Mỹ cung cấp cho Ả-rập Xê-út các thiết bị chiến đấu tiên tiến nhất như hệ thống phòng thủ tên lửa, an ninh hàng hải, tiêm kích F-35 tối tân…
Ngoài gói mua khổng lồ về vũ khí, nhân chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump, Ả-rập Xê-út còn cam kết khoản đầu tư vào Mỹ lên tới 600 tỷ USD và hy vọng có thể nâng con số này lên 1.000 tỷ USD trong tương lai. Kết quả từ chuyến công du này tiếp tục khẳng định Ả-rập Xê-út là một trong những khách hàng mua vũ khí và nhà đầu tư lớn nhất của Mỹ hiện nay.
Trong điểm đến tiếp theo của chuyến công du Trung Đông của Tổng thống Trump là Qatar, những bản hợp đồng kinh tế trị giá lên tới hàng nghìn tỷ USD lại tiếp tục xuất hiện. Tại Doha ngày 14/5, ông Trump và Quốc vương Qatar đã cùng nhau ký một loạt thỏa thuận giữa hai chính phủ, thiết lập chương trình hợp tác kinh tế với tổng giá trị cam kết lên tới ít nhất 1.200 tỷ USD.
Nổi bật trong số này là Qatar Airways đặt mua tới 210 chiếc máy bay Boeing 787 Dreamliner và 777X từ hãng Boeing và sử dụng động cơ của GE Aerospace, trị giá 96 tỷ USD.
Đây là đơn đặt hàng máy bay thân rộng lớn nhất từ trước đến nay của nhà sản xuất máy bay Mỹ Boeing và dự kiến sẽ tạo ra 154.000 việc làm mỗi năm tại Mỹ, với tổng cộng hơn 1 triệu việc làm trong suốt quá trình sản xuất và giao hàng theo hợp đồng.
Điểm đến thứ ba trong chuyến công du Trung Đông của ông Donald Trump là Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) ngày 15/5 cũng tiếp tục có các bản hợp đồng và đầu tư trị giá hàng nghìn tỷ USD. Trọng tâm tại nước này của nhà lãnh đạo Mỹ là bàn về các cơ hội đầu tư vào các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), bán dẫn, năng lượng và sản xuất.
Hồi tháng 3 vừa qua, UAE đã công bố kế hoạch đầu tư trị giá 1.400 tỷ USD vào các lĩnh vực trên tại Mỹ trong thập niên tới. Chuyến thăm của ông Trump lần này là cơ hội để ông Trump thúc đẩy UAE cam kết hóa kế hoạch đầu tư vào Mỹ bằng các thỏa thuận chính thức giữa hai chính phủ.
Trong nhiệm kỳ thứ nhất của mình năm 2017, Tổng thống Donald Trump cũng từng chọn Trung Đông là nơi thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình. Nhưng khác với năm đó, năm nay nhà lãnh đạo Mỹ quyết định sẽ không ghé thăm Israel, đồng minh truyền thống thân cận nhất ở khu vực Trung Đông.
Việc bỏ qua điểm đến Israel như kỳ vọng được cho là dấu hiệu cho thấy sự thay đổi chiến lược và ưu tiên của Tổng thống Mỹ Trump trong nhiệm kỳ hai, trong đó những thỏa thuận về kinh tế và đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ USD luôn được đặt lên hàng đầu.