Bìa cuốn sách |
Phát biểu tại buổi họp báo sáng 6/10, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, tình dục chưa bao giờ được coi là chủ đề nghiên cứu của khoa học xã hội ở Việt Nam cho đến đầu những năm 1990. Tuy nhiên, những bước đi đầu tiên cũng mới chỉ dám “rón rén”, “lân la” đến những vùng được coi là “có vấn đề” liên quan đến tình dục với mục tiêu là “đề phòng”, “ngăn chặn”, “giảm bớt” những hậu quả tiêu cực do chúng gây ra đối với sức khỏe…
![]() |
TS. Khuất Thu Hồng, đồng Viện trưởng Viện NCPT XH, tác giả chính cuốn sách "Tình dục, chuyện dễ đùa, khó nói". Ảnh: antd |
Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng, tình dục của người Việt Nam trong nửa thế kỷ qua có thể được khắc họa bằng sự kiềm chế và khao khát, chối bỏ và tìm kiếm, bối rối và khẳng định, băn khoăn và cương quyết…. Được kiến tạo trên nền tất cả những mâu thuẫn đó, đối với người Việt Nam, tình dục trở thành chuyện “Dễ đùa, khó nói”… Tình dục bị đè nén và kiểm soát nghiêm ngặt đã thoát ra qua những câu chuyện bên lề với những ngôn từ khiêu khích nhất và phóng túng nhất.
Tuy nhiên, chúng ta chỉ quen đùa mà không để tâm tìm hiểu nghiêm túc về tình dục. Nhiều năm qua, tình dục vẫn còn được coi là “hộp đen” huyền bí. Đã đến lúc, tình dục phải được nói đến một cách nghiêm túc với một thái độ chân thành và cởi mở, không giả dối, không lảng tránh…
Một trong những kết quả của nhiều năm nghiên cứu về kiến tạo xã hội tình dục của Việt Nam của Viện Nghiên cứu phát triển xã hội là cuốn sách “Tình dục, chuyện dễ đùa khó nói”. Để có cuốn sách này, các nhà nghiên cứu đã thực hiện 245 cuộc phỏng vấn cá nhân với đủ thành phần xã hội, nghề nghiệp, thế hệ, giới tính, kết hôn và chưa kết hôn… để thu thập số liệu thực nghiệm, làm một phần quan trọng của nền tảng thực tiễn. Nhóm nghiên cứu có vẻ hài lòng về kết quả thu được từ những cuộc phỏng vấn này vì người được phỏng vấn tỏ ra khá cởi mở.
“Giải thích như thế nào về sự hào hứng của mọi người khi nói về tình dục trong những cuộc trò chuyện hàng ngày và thái độ ngại ngần khi đặt vấn đề nghiên cứu một cách nghiêm túc về nó?”… Day dứt bởi câu hỏi đó, những người viết cuốn sách này đã bước vào “cuộc phiêu lưu” để tìm câu trả lời, bất chấp nhiều sự ái ngại.
Với các phần chính: Tình dục được kiến tạo như thế nào ở Việt Nam? Tình dục trong xã hội Việt Nam đương đại với quan niệm về mục đích và ý nghĩa của tình dục; trinh tiết trước hôn nhân; quan hệ tình dục trong hôn nhân; tình dục ngoài hôn nhân; tình dục đồng giới; giáo dục về tình dục, cuốn sách “cảnh báo”: “Chúng ta đã đùa quá lâu, sợ quá lâu” và kêu gọi: “Đừng để tình dục mãi mãi là “hộp đen”…
Có thể coi là một nghiên cứu công phu và có hệ thống đầu tiên về kiến tạo tình dục tại Việt Nam, nhóm tác giả cuốn sách hy vọng sẽ khiến tình dục được thảo luận một cách dễ dàng hơn, qua đó góp phần giúp cho cuộc sống tình dục nói riêng và cuộc sống nói chung của người Việt trở nên giàu có hơn, đồng thời tạo cảm hứng cho các nghiên cứu sâu hơn và lớn hơn về chủ đề còn rất mới và khó tiếp cận này.
Đan Thảo