Chuyện cứu người của lão ngư Biển Hồ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Phóng mắt ra mặt hồ bàng bạc, giữa những thơ mộng của rừng thông trăm tuổi già Ksor Nưk bỗng lặng đi bởi thời dồi dào tôm, cá không còn.

Già Ksor Nưk lên thuyền chuẩn bị cho chuyến thả lưới, đơm cá.
Già Ksor Nưk lên thuyền chuẩn bị cho chuyến thả lưới, đơm cá.

Thời hoàng kim của tôm cá chẳng còn, mọi người lần lượt rủ nhau rời đi, thế nhưng già Ksor Nưk vẫn quyết ở lại Biển Hồ để sống với những ký ức xưa cũ và cứu người, gìn giữ môi trường sinh thái trong lành vốn có.

Lời thề Biển Hồ

Chiều muộn, Mặt trời phủ xuống những ráng đỏ lấp lóa. Mùa này, nước Biển Hồ mênh mang. Phía xa xa là bóng dáng những ngư dân bắt cá lo cho bữa cơm cuối ngày.

Trong căn nhà nhỏ hướng về phía lòng hồ, ông Ksor Nưk (SN 1960) lo tối mưa chẳng thể đi đơm cá. Mỗi ngày sau bữa cơm tối lúc 6 giờ, ông dong thuyền đi giăng lưới, đến tờ mờ sáng mới ra gỡ lấy cá, tôm. Hôm nào ít thì ông để lại nấu ăn hoặc phơi khô, ngày nhiều vợ ông sẽ đến lấy mang vào làng bán. Những hôm nhiều nhất cũng chỉ bán được hơn trăm nghìn đồng, đủ tiền sinh hoạt hằng ngày.

Hơn 50 năm sinh sống ven lòng hồ, mọi sinh hoạt của ông đều gói gọn trong căn nhà được thưng bằng ván chật hẹp, chỉ vừa chỗ ăn, ngủ. Lúc rảnh rỗi, ông chèo thuyền ra hồ trò chuyện với những “ngư phủ” cho đỡ buồn.

“Mấy bữa nay thời tiết mưa nắng thất thường lắm. Chẳng biết tối nay có mưa hay không. Hy vọng thời tiết đẹp để tôi đi thả lưới kiếm ít cá, tôm… cho bữa sáng mai”, ông Ksor Nưk nhìn về phía mặt hồ nói.

Nhấp ngụm trà đặc, ông Ksor Nưk ngược dòng thời gian về hàng chục năm trước. Khi mới lên 5 tuổi Ksor Nưk theo cha mẹ ra sinh sống tại lòng hồ T’Nưng, nay là Biển Hồ Pleiku (xã Biển Hồ, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai). Hàng ngày gia đình 3 người lênh đênh trên mặt hồ thả lưới, giăng câu. Khi lưới đã đầy, cả nhà hò nhau kéo lên rồi để lại chút thủy sản nhỏ làm thức ăn còn tôm, cá tươi ngon hơn được đưa vào làng đổi lấy gạo.

Trong những lần theo ông bà, cha mẹ đi khắp các làng giao tôm, ông Ksor Nưk được nghe về truyền thuyết Biển Hồ. Qua lời kể, xưa kia nơi đây có hai hồ nước lớn và nhỏ thông nhau. Lúc bấy giờ có hai chị em sinh ra trong một gia đình nhưng lấy chồng thuộc hai làng gần kề.

Một lần rủ nhau đi hái măng, hai chị em phát hiện trong bụi rậm có một đàn lợn rừng con. Thấy những chú lợn nhỏ nhắn, xinh xắn hai chị em đưa một con về nuôi. Thế nhưng về nhà, lợn chẳng ăn cơm, rau… mà chỉ ăn đất cát.

Thấy chuyện lạ xưa nay chưa từng gặp, người chị thề độc: Cả nhà sẽ chẳng bao giờ ăn thịt chú lợn nếu không sẽ bị thần linh trừng phạt. Nghe lời thề độc của người chị, thần linh liền khiến cho lợn rừng ăn uống. Chẳng mấy chốc chú lợn rừng đã lớn nhanh như thổi.

Mấy mùa rẫy sau, trong vùng gặp phải mùa nắng hạn. Lúa, ngô trên rẫy cứ héo khô, vàng úa. Cũng bởi vậy mà dân làng lâm vào cảnh túng thiếu. Trong nhà chẳng còn gì ăn, người em đành giết thịt chú lợn để làm lễ tạ ơn, cầu xin thần linh cho mưa xuống. Lễ cúng xong xuôi, người em chia thịt cho gia đình người chị.

Nhớ lời thề độc nên người chị quyết tâm không ăn thịt lợn rừng. Thế nhưng, vì đói quá, đứa con ngồi trong nhà cứ khóc lóc đòi ăn. Thương con, người chị đành nướng một miếng thịt cho đứa trẻ ăn. Đứa bé vừa ăn xong bỗng dưng đất trời rung chuyển. Một vùng núi đồi rộng lớn bỗng bị sụt lún xuống. Từ lỗ hổng đó một dòng nước khổng lồ dưới lòng đất phun lên.

Chỉ trong chốc lát cả hai ngôi làng đều bị nhấn chìm trong biển nước. Câu chuyện miếng thịt heo trở thành bài học để người dân tộc Jrai luôn nhắc nhở nhau phải giữ lời thề, đặt chữ tín lên hàng đầu.

Mặt hồ rộng lớn nên vào mùa mưa, những ngọn sóng lớn vỗ vào bờ ì oạp như ở biển khơi, kể từ đó người dân nơi đây đặt tên là Biển Hồ. Dù thời tiết có khắc nghiệt, nắng gắt đến đâu thì Biển Hồ chưa bao giờ cạn nước.

Biển Hồ Pleiku gồm 2 hồ chứa nước thông nhau, rộng gần 300 ha, nước trong xanh màu ngọc bích, nằm giữa một vùng núi cao và có một dải đất chạy dài ra giữa lòng hồ.

Biển Hồ Pleiku gồm 2 hồ chứa nước thông nhau, rộng gần 300 ha, nước trong xanh màu ngọc bích, nằm giữa một vùng núi cao và có một dải đất chạy dài ra giữa lòng hồ.

Giành lại nhân mạng từ tay thủy thần

Phóng mắt ra mặt hồ bàng bạc, giữa những thơ mộng của rừng thông trăm tuổi già Ksor Nưk bỗng lặng đi bởi thời dồi dào tôm, cá không còn. Giờ đây, nghề chài lưới chẳng thể giúp ngư dân kiếm đủ thu nhập lo cho gia đình nên họ rời đi hết. Chỉ riêng ông Nưk quyết không bỏ cái nghề của cha ông truyền lại từ nhiều đời nay.

“Trước kia thủy sản dồi dào, mang lại nguồn thu nhập tốt cho nhiều người. Gia đình tôi cũng dựng chòi sinh sống quanh lòng hồ để theo con nước bắt tôm, cá. Thế nhưng mấy năm nay nghề này chẳng đủ duy trì cuộc sống. 7 người con của tôi cũng không ai giữ nghề đánh bắt cá mà đi khắp nơi mưu sinh. Vợ con khuyên tôi về làng sinh sống, an hưởng tuổi già nhưng tôi không thể rời xa nơi này. Biển Hồ là nơi chứa đựng biết bao ký ức, nếu rời đi tôi sẽ buồn và nhớ lắm”, già Ksor Nưk bộc bạch.

Những ngư dân hiếm hoi còn ở lại với Biển Hồ.

Những ngư dân hiếm hoi còn ở lại với Biển Hồ.

Hàng chục năm gắn bó với rừng núi, lòng hồ… bên cạnh sự thơ mộng thu hút mọi người đến tham quan cũng có những trường hợp tìm đến đây để quyên sinh. Ngần ấy năm trôi qua, ông Nưk chẳng thể nhớ nổi bản thân đã cứu bao nhiêu người thoát khỏi “cửa tử”.

Một ngày cuối Đông năm 2014, như thường lệ, rạng sáng ông Nưk soi đèn kéo lưới. Giữa trời đêm tĩnh lặng, ông giật mình nghe tiếng la hét thất thanh. Dưới ánh đèn le lói treo trên mũi thuyền, ông thấy một nam thanh niên khoảng chừng 25 tuổi từ trên bờ nhảy ùm xuống dòng nước lạnh giá. Người này cố lội thật sâu ra giữa dòng nước để tìm cách quên đời.

Sống ở Biển Hồ đã lâu, già Ksor Nưk chẳng lạ gì những người đi tìm cái chết như thế. Già vội chèo thuyền lại gần rồi kéo chàng trai trẻ lên thuyền. Thế nhưng người này lại vẫy vùng đòi quyên sinh.

Qua một hồi lâu khuyên bảo, người này cũng chịu theo già Ksor Nưk về chòi để nghỉ lại qua đêm. Sợ chàng trai cảm lạnh, già đốt lửa sưởi ấm cả đêm. Già hỏi gì chàng trai ấy cũng chẳng nói. Cuối cùng già Nưk liền nghĩ ra cách mời rượu để anh chàng cởi mở hơn và thổ lộ lòng mình.

Sau vài chén rượu, chàng trai mới kể lại rằng do buồn vì cha mẹ chửi mắng nên mới nghĩ quẩn. Sáng hôm sau khi đã tỉnh táo, chàng trai đã gọi người thân đến đưa về nhà, kể từ đó Ksor Nưk chưa từng gặp lại.

Cách đây vài năm, già Nưk cũng đã cứu một nữ sinh có ý định quyên sinh. Chiều muộn của một ngày cách đây chừng 5 năm. Khi đang giăng lưới dọc bờ, già Nưk thấy một thiếu nữ mặc đồng phục học sinh với vẻ mặt u buồn đang ngồi dưới bóng cây. Biết chắc sắp có chuyện chẳng lành, già Nưk chỉ chèo thuyền quanh quẩn gần bờ.

Khi thấy nữ sinh chạy băng băng xuống dòng nước, già Nưk liền chèo thuyền lao tới rồi kéo nữ sinh dại dột lên bờ. Khi thấy già Nưk ngăn cản, cô gái oà khóc… nhất quyết đòi tự tử. Nữ sinh ra Biển Hồ tìm đến cái chết vì lỡ yêu người đã có gia đình. Sự việc vỡ lở, nữ sinh bị mẹ cha quở trách. Buồn phiền nên trong một phút nóng giận cô gái trẻ đã nghĩ đến việc gieo mình xuống dòng nước lạnh.

Mọi sinh hoạt của ông Ksor Nưk đều gói gọn trong căn nhà được thưng bằng ván chật hẹp, chỉ vừa chỗ ăn, ngủ.

Mọi sinh hoạt của ông Ksor Nưk đều gói gọn trong căn nhà được thưng bằng ván chật hẹp, chỉ vừa chỗ ăn, ngủ.

Thương cô gái trẻ suy nghĩ bồng bột, già Ksor Nưk ngồi cả giờ đồng hồ nói chuyện, động viên nữ sinh bình tĩnh. Tâm sự hồi lâu, cô gái cũng nhận ra tình yêu của mình quá mù quáng nên đã hối hận và trở về nhà xin lỗi cha mẹ.

Những người được già Nưk cứu hầu như không quay trở lại, họ sợ phải đối mặt với những ký ức đau thương. Thế nhưng vẫn có một người thường hay lui tới thăm hỏi ân nhân và tìm cách báo đáp.

Cách đây 5 năm, người đàn ông tên Nguyễn Văn Vân đã ngoài 40 tuổi đến Biển Hồ chơi. Thấy nước hồ trong vắt, người này liền xuống hồ tắm rồi bơi qua bên kia bờ để thử thách bản thân. Thế nhưng mới chỉ bơi được vài chục mét, người này bị chuột rút rồi chới với giữa dòng nước.

Tình cờ thời điểm ấy, già Ksor Nưk cũng đang thả lưới bắt tôm, đơm cá thì nghe tiếng kêu cứu yếu ớt. Vội chèo thuyền đến, vật lộn với dòng nước kéo người này vào bờ. Đến nơi, cả hai đều mệt lả, chẳng nói nên lời. Người đàn ông được cứu yếu ớt cúi đầu cảm ơn già Ksor Nưk đã cho bản thân mạng sống thứ hai.

“Những năm về sau, cứ vài tháng anh Vân lại quay trở về đây chơi. Lần nào đến anh ấy cũng mang đồ ăn, thức uống hoặc đặc sản vùng miền để cảm ơn tôi. Tôi cũng xem như con, cháu trong nhà mà dặn dò họ hãy cẩn thận và quý trọng mạng sống của mình”, già Ksor Nưk nói.

Những ký ức gắn với Biển Hồ qua những câu chuyện của già Ksor Nưk.

Những ký ức gắn với Biển Hồ qua những câu chuyện của già Ksor Nưk.

Phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường

Ở cái tuổi 63, già Ksor Nưk đã chứng kiến biết bao đổi thay của Biển Hồ. Từ một hồ nước hoang sơ, xôn xao tiếng gió đến nay Biển Hồ đã trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng, thu hút đông du khách ghé thăm.

Quen với cuộc sống bình yên, tĩnh lặng đến khi khách du lịch khắp nơi đổ về, già Ksor Nưk bỡ ngỡ, lạc lõng giữa chính nơi mình sinh sống hàng chục năm qua. Một thời gian sau, nhận thấy những lợi ích mang lại từ du lịch, già Ksor Nưk chẳng còn buồn mà thay vào đó là niềm vui vì cuộc sống của người dân nơi này có những đổi thay.

Du lịch phát triển khiến đời sống người dân nơi đây có nhiều khởi sắc.

Du lịch phát triển khiến đời sống người dân nơi đây có nhiều khởi sắc.

Những thủy sản đánh bắt hàng ngày được người dân sơ chế, phơi khô bán cho du khách gần xa. Con gà, con lợn hay mớ rau sạch trồng được trong làng cũng được biến tấu thành thức ăn ngon quyến luyến du khách. Kể từ đó, người dân có thêm thu nhập khiến cuộc sống bớt khó khăn hơn.

Bên cạnh mang niềm vui cho bà con ấy, già Nưk cũng có chút lo lắng bởi nếu du lịch càng phát triển thì lòng hồ sẽ dễ ô nhiễm khi người dân thiếu ý thức và vứt rác bừa bãi. May mắn, mấy năm qua du khách đến đây đã có ý thức gìn giữ, bảo vệ môi trường để tránh làm ảnh hưởng đến không khí trong lành, thoáng đãng vốn có.

“Tôi hy vọng rằng nhà quản lý khu du lịch và du khách ghé đến Biển Hồ sẽ tiếp tục gìn giữ, bảo vệ môi trường sinh thái nơi này. Từ đó, bảo vệ những nét đẹp hoang sơ vốn có và luôn giữ cho môi trường xanh - sạch - đẹp”, già Nưk tâm sự.

Già Ksor Nưk rạng ngời nhớ lại những câu chuyện từ nhiều năm về trước.

Già Ksor Nưk rạng ngời nhớ lại những câu chuyện từ nhiều năm về trước.

Biển Hồ còn được người dân bản địa gọi với cái tên Ia Nueng hay Hồ T’Nưng là một hồ nước ngọt nằm cách trung tâm TP Pleiku 7 km về phía Tây Bắc, nằm ở độ cao khoảng 800 mét so với mực nước biển. Biển Hồ được gìn giữ vệ sinh nghiêm ngặt, vì đây là hồ nước ngọt cung cấp nước cho thành phố Pleiku.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ