Chuyện chưa từng có ở Châu Âu: Củi đốt lên ngôi

GD&TĐ -Kể từ khi chiến sự Nga - Ukraine nổ ra, giá năng lượng tại châu Âu đã tăng gấp 4 lần, khiến nhiều người tiêu dùng phải quay trở về với hình thức sưởi ấm cơ bản trước đây là tích trữ củi để đối phó với mùa đông sắp tới.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Một số nước châu Âu đang ghi nhận sự tăng trưởng mạnh về nhu cầu các loại chất đốt như củi. Tại Đức, nơi có gần một nửa số căn nhà được sưởi ấm bằng khí đốt, người dân đang chuyển sang sử dụng củi như một nguồn năng lượng đảm bảo hơn. Những người bán củi tại Đức cho biết, họ hầu như không đáp ứng được nhu cầu tăng cao hiện nay.

Tại Hà Lan, các chủ doanh nghiệp cho biết khách hàng của họ cũng đang thu mua củi sớm hơn mọi năm. Tại Bỉ, các nhà sản xuất củi đang phải vật lộn, đáp ứng nhu cầu trên khắp khu vực, trong khi giá cả đang tăng lên.

Trong khi đó, tại Đan Mạch, một nhà sản xuất bếp đốt củi chia sẻ rằng, lợi nhuận năm nay sẽ đạt hơn 16 triệu Kroner (2,15 triệu USD), mức tăng lớn nhất kể từ đầu dịch Covid-19.

Ngay cả Hungary, quốc gia không ủng hộ quyết định của EU loại bỏ nhiên liệu hóa thạch của Nga cũng đang chuẩn bị cho một mùa đông khó khăn sắp tới. Chính quyền Budapest đã công bố lệnh cấm xuất khẩu củi và nới lỏng một số hạn chế đối với khai thác gỗ. Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới tại Hungary đã bày tỏ quan ngại về vấn đề này vì chưa từng có tiền lệ.

Trên thực tế, xung đột ở Ukraine không phải là lý do duy nhất dẫn đến cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay của châu Âu. Giá cả năng lượng tăng lên tại châu Âu vốn đã được ghi nhận từ năm 2021, nhiều tháng trước khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi cuối tháng 2 vừa qua.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, việc các nước phương Tây tung ra hàng loạt lệnh trừng phạt Nga và các biện pháp đáp trả của Moscow là nguyên nhân chính khiến giá cả năng lượng tăng vọt ở châu Âu, khiến hàng triệu người đang phải chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng địa chính trị này. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều người châu Âu quay về với việc đốt củi để lấy năng lượng.

Việc tạo ra năng lượng từ củi gỗ từng được khuyến khích tại khối EU. Đây cũng là thị trường viên nén mùn cưa lớn nhất thế giới hiện nay, với khoảng 23,1 triệu tấn được tiêu thụ vào năm 2021. Do ảnh hưởng của khủng hoảng năng lượng hiện nay, con số kỷ lục này dự kiến sẽ bị phá vỡ trong năm 2022.

Trong khi đó, nguồn cung củi và gỗ lại đang gặp khó khăn lớn do EU đã ban lệnh cấm nhập khẩu gỗ và củi từ Nga và

Belarus, trong khi gỗ xuất khẩu từ Ukraine bị gián đoạn do chiến sự. Cũng do khan hiếm năng lượng, nhiều quốc gia châu Âu cũng đã phải tính lại về chính sách năng lượng của mình.

Tại Đức, công dân nước này có thể được trợ cấp khi chuyển sang sử dụng củi làm phương tiện sưởi ấm. Trong khi đó, chính phủ Hà Lan lại quyết định ngừng trợ cấp cho việc sử dụng nhiên liệu sinh khối trong các hệ thống sưởi ấm thành phố và sưởi ấm nhà kính.

Theo quan điểm môi trường, đốt củi lại đang là một biện pháp gây tranh cãi. Theo dữ liệu của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), hàm lượng CO2 trong gỗ trên một đơn vị năng lượng tương đương với than đá và cao hơn nhiều so với khí đốt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.