Chuyến bay về ký ức

GD&TĐ - Khi các chuyến bay dọc đất nước, các chuyến bay xuyên lục địa liên tục bị hạn chế do đại dịch Covid-19, thì chúng ta mới thấy nhớ bầu trời biết bao nhiêu.

Nhà thơ Hữu Việt trong chương trình Quán Thanh Xuân.
Nhà thơ Hữu Việt trong chương trình Quán Thanh Xuân.

“Chuyến bay Quán Thanh Xuân – Ký ức bầu trời” diễn ra tháng 8/2021 (Kênh VTV1 - Đài truyền hình Việt Nam) phần nào đáp ứng niềm khao khát bay của mỗi chúng ta, khi được cùng trải nghiệm những chuyến bay để đời của các nhân vật khách mời. Và với nhà báo, nhà thơ Hữu Việt, thì chuyến bay cuộc đời của anh, chính là về những ký ức sâu đậm nhất.

Chúng ta cùng chia sẻ câu chuyện bay của nhà báo, nhà thơ Hữu Việt:

- Thưa anh, khi làm khách mời của chương trình Quán Thanh Xuân tháng 8/2021, anh có câu chuyện nào chia sẻ với ekip thực hiện và bạn xem truyền hình?

Nhà thơ Hữu Việt: Tất cả xoay quanh bầu trời. Bầu trời chiến tranh, nơi sơ tán, phố Khâm Thiên (Hà Nội) nơi vẫn còn những đám khói bay lên khi tôi là cậu bé chín tuổi, đi bộ ngang qua, từ bến xe Kim Liên về Khu Tập thể Nam Đồng. Bầu trời nước Nga khi 18 tuổi, lần đầu tiên tôi được bay đến một nơi xa lạ mà với tất cả lưu học sinh lứa chúng tôi thời ấy đều nghĩ là thiên đường.

Sau này đi làm còn có rất nhiều bầu trời gắn với vô số chuyến bay đêm bay ngày, bay trên núi, trên biển, bay qua Bắc cực và đường xích đạo. Tất nhiên mỗi một vùng trời đều gắn với con người, kỷ niệm, những ký ức không bao giờ quên. Thật ít có chuyến bay nào tẻ nhạt.

- Anh có nhớ mình đã bao nhiêu lần bay lên bầu trời? Chuyến bay đáng nhớ nhất đối với anh là chuyến nào?

Nhà thơ Hữu Việt.

Nhà thơ Hữu Việt.

Thật khó đếm, dù công việc của tôi không phải thường xuyên bay. Còn chuyến bay đáng nhớ nhất là chuyến đầu tiên, từ Nội Bài sang Sheremetyevo (Mat-xcơ-va, Nga). Mọi thứ trên máy bay đều mới lạ, ghế ngồi, đai an toàn, nước uống, những bữa cơm và sự chăm sóc của tiếp viên… với chúng tôi đều như một giấc mơ.

Lẽ dĩ nhiên còn nhiều cảm xúc lẫn lộn của một thanh niên 18 tuổi lần đầu tiên xa nhà, chưa biết đến lúc nào mới được về thăm nhà. Nhớ gia đình, bố mẹ, anh em, người yêu… thương xót sự vất vả, cần lao của mọi người trong hoàn cảnh đất nước vô cùng khó khăn vào đầu những năm 80 thế kỷ trước. Và có một chút hoang mang, lo lắng, không biết điều gì đang chờ đợi mình trong 5 năm tới.

- Anh thường có những suy tưởng gì khi nhìn qua ô cửa máy bay?

Tùy tâm trạng. Thật ra tôi thấy mây không đẹp. Thích nhất là bay trên biển. Hoặc khi bay qua những địa danh bên dưới mà ta biết là bình thường chẳng đời nào đến được, ví dụ bay qua Bắc cực, Thái Bình Dương, Siberia…, bay từ tây sang đông nước Nga, bay từ đông sang tây nước Mỹ… 

Với những chuyến bay ngắn thì hay nghĩ về công việc nơi mình đến. Còn những chuyến bay dài thì vừa nhớ nhà, vừa háo hức khi biết mình sắp hạ cánh xuống một vùng đất mới. Và dĩ nhiên là ngủ rất nhiều, thức dậy thì xem phim, nghe nhạc, đọc sách… Đó là lúc nghĩ ngợi, tưởng tượng như mình đang ở dưới mặt đất thôi.

- Theo anh, tinh thần tự kỷ luật của những người làm nghề bay chuyên nghiệp có ý nghĩa như thế nào, có mang lại cho anh suy tư, hay bài học nào không?

Thật ra tôi không biết rõ lắm về công việc của những người bay. Nhưng tôi nghĩ, để điều khiển một cỗ máy khổng lồ bay trên không như thế phải có những phẩm chất đặc biệt và phi công đều là những người phi thường.

- Có bao giờ anh từng mong mình trở thành một phi công? Hình ảnh anh hùng Phạm Tuân cho anh những ấn tượng nào?

Chưa bao giờ, mặc dù đấy là những thần tượng của tôi từ nhỏ. Đó là giấc mơ quá lớn với tôi. Tôi bằng lòng làm người dưới mặt đất quan sát các anh, thay vì bay lên trời. Bởi ngày nhỏ tôi không được khỏe, người gày gò, hay ốm vặt. Tôi biết, phi công là giấc mơ không bao giờ trở thành sự thật của tôi.

Anh hùng Phạm Tuân tôi được hân hạnh biết từ lâu qua sách báo, chiến công của anh và cả những lần gặp gỡ đời thường. Tôi luôn bất ngờ vì sự cởi mở của anh và thích thú theo dõi những câu chuyện bình dị nhưng rất hài hước của anh. Phạm Tuân vừa là một anh hùng, vừa là một người hùng.

- Anh có sáng tác nào liên quan đến nghề bay, hoặc những chuyến bay, nếu có, xin anh chia sẻ về tác phẩm ấy?

- Tôi từng viết, nhưng đến thời điểm hiện tại thì chưa có cái gì đáng kể cả. Nhưng có lẽ cũng sắp. Tôi và thượng tướng Võ Văn Tuấn, hai anh em đang có một dự án khá tham vọng cùng nhau. Xin chỉ tiết lộ thế thôi, như ta một cách tự thúc mình, chứ nói sớm về những điều chưa xảy ra thì lại sợ “nói trước bước không qua”.

- Cảm xúc của riêng anh khi tham gia chương trình Quán Thanh Xuân tháng 8/2021, sau khi nghe những câu chuyện của anh Phạm Tuân, chị Bạch Nga...?

- Rất xúc động. Tôi nhớ cha tôi – nhà văn Hữu Mai - tác giả tiểu thuyết “Vùng trời”. Nhớ căn nhà cũ của chúng tôi ở khu Nam Đồng, cha tôi viết tập II “Vùng trời” còn tôi ôn thi vào đại học. Hai cha con tôi chia nhau một cốc sữa bò Ông Thọ.

Rồi các chú phi công, mà tôi luôn coi là người thân của mình. Với họ, những người tôi được gặp như bác Đào Đình Luyện, chú Phạm Thanh Ngân, và những phi công chiến đấu thế hệ MIG 21 Nguyễn Đức Soát, Lê Thanh Đạo, Trần Việt, Nguyễn Công Huy, Nguyễn Phú Đức…, tôi luôn có những tình cảm đặc biệt: gần gũi, ấm áp, thân thương nhưng kính trọng và ngưỡng mộ.

“Bầu trời ký ức” trong chương trình Quán Thanh Xuân tháng 8 không chỉ là khoảng không bao la trên đầu chúng ta theo nghĩa đen. Tôi thấy nó còn mang những hàm nghĩa khác, là biểu tượng của  khát vọng, hoài bão, sự chinh phục, yêu thương khi con người đứng trước bầu trời và cả bất lực nữa vì con người thật bé nhỏ trước vĩ đại của tạo hóa. 

- Xin cảm ơn anh!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các chiến binh Houthi cùng hệ thống 2K12 Kub.

Ác mộng với tiêm kích Mỹ

GD&TĐ - Lực lượng Ansar Allah (Houthi) ở Yemen tuyên bố đã bắn hạ một tiêm kích hạm F/A-18 của Hải quân Mỹ khi tham gia chiến dịch tấn công Houthi.