Chụp ảnh người quá cố: Trào lưu “vang bóng một thời”

GD&TĐ - Trào lưu chụp ảnh người quá cố phổ biến tại các nước phương Tây trong thời kì Victoria. Hoạt động này giúp các gia đình lưu giữ kỷ niệm về người quá cố.

Một em bé được trang trí hoa khi chụp ảnh.
Một em bé được trang trí hoa khi chụp ảnh.

Dù đã phai mờ khi kỹ thuật số phát triển, chụp ảnh người chết từng là ngành kinh doanh lớn, là phương thức tố cáo tội ác chiến tranh.

Khởi nguồn trào lưu

Hiện nay, máy ảnh có sẵn trên các thiết bị di động nên con người có thể lưu giữ hình ảnh mọi lúc, mọi nơi. Tuy nhiên trong thời kì Victoria, máy ảnh không phổ biến và tiện lợi như vậy. Việc chụp ảnh cá nhân cũng rất tốn kém nên nhiều người không có bất kỳ bức hình nào lúc đương sống.

Đến khi họ qua đời, người thân đã bỏ khoản tiền lớn cho một bức ảnh để lưu giữ kỷ niệm. Đặc biệt những gia đình có con nhỏ qua đời, việc chụp ảnh càng có ý nghĩa về mặt tinh thần.

Những bức ảnh trong thời kì đầu thường bị mờ nhưng không phải do công nghệ của máy ảnh lúc bấy giờ. Máy ảnh thời kì Victoria có khả năng tạo ra những bức ảnh sắc nét nhưng công nghệ rất chậm.

Thông thường, người được chụp phải ngồi yên ít nhất 20 giây, không chớp mắt, không cử động tay chân. Thậm chí việc thở cũng có thể ảnh hưởng đến độ sắc nét của ảnh. Mọi người phải chịu áp lực ngồi hoặc đứng thẳng trong những bộ quần áo được là phẳng. Việc chụp ảnh người sống vào thời điểm đó vô cùng khó khăn.

Trái lại, chụp ảnh người chết lại dễ dàng hơn vì họ không di chuyển, không hít thở làm hỏng bức ảnh. Những nhiếp ảnh gia nghiệp dư muốn nâng cao tay nghề, tạo ra những bức ảnh sắc nét thường tìm đến những vị khách đã qua đời.

Nhiều người khi sống đã lưu lại một vài tấm ảnh nhưng vì chất lượng ảnh chụp người chết thường tốt hơn ảnh chụp người sống nên gia đình vẫn chụp ảnh họ sau khi qua đời. Bức ảnh này có thể thể hiện những chi tiết, đặc điểm sắc nét về người quá cố. Khi xác chết chụp ảnh cùng người thân, họ cũng trở thành “tâm điểm” với hình ảnh sắc nét trong khi mọi người xung quanh có thể hơi mờ.

Ngày nay, việc bỏ khoản tiền lớn để chụp ảnh người chết dường như là điều điên rồ. Nhưng bởi vì ngày nay, hoặc ít nhất tại phương Tây, cái chết đã ẩn mình, không còn rình rập khắp mọi nơi. Con người hiện đại tận hưởng tối đa cuộc sống và thường tránh nghĩ về hay nhắc đến cái chết. Cái chết đã trở thành điều xa lạ, thành điều rùng rợn đối với họ.

Nhưng nghiên cứu của Trường Đại học Bắc Carolina, Mỹ, chỉ ra rằng vào thời kì Victoria, tuổi thọ con người thấp trong khi tỷ lệ tử vong cao. Mọi người liên tục phải chứng kiến người thân, bè bạn qua đời. Đặc biệt, trẻ em mất khi còn nhỏ là điều thường thấy. Từ thuở thơ ấu, con người đã làm quen và hiểu về cái chết.

Nghệ thuật chụp ảnh người đã khuất

Không chỉ dừng lại ở việc chụp ảnh, mọi người muốn những bức hình người chết trở nên chân thật, sống động như thể họ chỉ đang chợp mắt nghỉ ngơi.

Cái chết thường đi liền với sự tang tóc nhưng nếu nhìn vào những bức ảnh thời Victoria, thực tế lại trái ngược. Những bức ảnh chụp người quá cố tương đối đẹp. Nhiều bức được sắp xếp bố cục hoặc trang trí có chủ đích.

Khi chụp ảnh người chết trở thành ngành kinh doanh lớn trong thời kì Victoria, các tạp chí thương mại như Philadelphia Photographer đã đưa ra lời khuyên để “hỗ trợ nhiếp ảnh gia nghiệp dư tạo nên những bức ảnh người chết ấn tượng”. Họ gợi ý đặt xác chết gần cửa sổ để tận dụng ánh sáng tự nhiên.

Dù vậy, ánh sáng mặt trời cũng không thể biến một xác chết trở nên sinh động. Vì thế, nhiếp ảnh gia đã sáng tạo nhiều cách để việc chụp người chết trông tự nhiên hơn. Sau khi bức ảnh được in ra, họ dùng màu vẽ đôi mắt mở to giúp người chết trông có hồn.

Để người chết  ngồi thẳng, những người thân có thể chụp ảnh cùng và đỡ phía sau lưng của họ. Thông thường, cần khoảng ba người để giữ cánh tay, nâng đầu của người chết, cũng có người sử dụng giá đỡ giúp người chết đứng thẳng. Các gia đình cũng thường trang trí gấu bông, đồ chơi xung quanh trẻ em để tạo không gian vui tươi, ấm áp, an ủi những linh hồn bé bỏng…

Tuy nhiên, càng về sau việc chụp ảnh người đã bị biến tấu và thương mại hóa. Những người nổi tiếng qua đời đã trở thành “con mồi”  với cánh nhiếp ảnh gia. Họ lén lút tham gia đám tang để chụp ảnh người nổi tiếng nhằm bán cho các tờ báo hoặc công ty in thiệp để đổi lại khoản tiền lớn.

Rất nhiều người dân vì thần tượng hoặc tò mò đã bỏ tiền mua những tấm ảnh này. Chẳng hạn, bức ảnh đại văn hào người Pháp, Victor Hugo, qua đời trông như đang say ngủ đã được in số lượng lớn trên các tấm bưu thiếp.

Binh lính thiệt mạng trong cuộc nội chiến Mỹ.
Binh lính thiệt mạng trong cuộc nội chiến Mỹ.

Phơi bày tội ác chiến tranh

Chụp ảnh người chết không chỉ giới hạn trong nhà. Khi nhiếp ảnh trở nên phổ biến, cuộc nội chiến Mỹ bùng nổ. Nhiếp ảnh gia có nhiệm vụ khác là chụp ảnh chiến trường.

Trong đó, không thể thiếu việc chụp ảnh những vị tướng, binh lính thiệt mạng trong những tư thế khác nhau nhưng tựu trung lại đều là những khoảnh khắc đẫm máu, ám ảnh. Chiến tranh vốn là điều xa lạ với những người sống tại khu vực hòa bình nhưng nhiếp ảnh đã mang chiến tranh lại gần với mọi người.

Sự hy sinh của những người lính đã tố cáo sự độc ác và thiệt hại nặng nề mà chiến tranh mang lại. Ảnh về chiến tranh được trưng bày tại các triển lãm ảnh, được đăng trên báo giấy hoặc dưới dạng thiệp lưu niệm. Chúng đã tác động mạnh lên nhận thức của người dân về tội ác của chiến tranh, thúc đẩy các phong trào đòi lại hòa bình.

Trào lưu biến mất

Vào đầu thế kỷ 20, chụp ảnh người chết không còn phổ biến vì những thay đổi trong xã hội. Nhờ y tế phát triển, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và ở người dân đã giảm mạnh.

Từ những năm 1900, dù già hay trẻ, khi mắc bệnh đều được đưa vào bệnh viện và có thể qua đời trong đó khi không có người thân bên cạnh. Điều này đồng nghĩa cái chết diễn ra sau những cánh cửa đóng kín, thay vì trong không gian thoải mái và cởi mở của ngôi nhà.

Hơn nữa, chụp ảnh đã trở nên phổ biến hơn. Mọi người đều có thể tự chụp ảnh nhiều lần, không cần nhờ đến nhiếp ảnh gia nên việc chụp bức ảnh “duy nhất và cuối cùng” không còn khả thi.

Tuy nhiên, việc chụp ảnh người chết vẫn còn tồn tại nhưng mang tính riêng tư hơn hoặc vì những mục đích đặc biệt. Trong thời đại hiện nay, sẽ không dễ dàng bắt gặp những bức ảnh về người đã khuất dù trào lưu này từng nảy nở mạnh mẽ rất nhiều thập kỷ về trước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.