Chương trình phát triển tên lửa đạn đạo của Triều Tiên đang gặp trở ngại lớn?

GD&TĐ - Cơ quan tình báo Hàn Quốc cho biết chương trình tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) của Triều Tiên đang có trở ngại vì quốc gia này gặp khó khăn trong việc phát triển công nghệ tái xâm nhập khí quyển tin cậy giúp tên lửa của họ quay trở lại từ quỹ đạo Trái đất.  

Người dân Triều Tiên theo dõi vụ phóng tên lửa Hwasong-12 trên một màn hình lớn
Người dân Triều Tiên theo dõi vụ phóng tên lửa Hwasong-12 trên một màn hình lớn

Báo cáo trên là của Cơ quan tình báo quốc gia (NIS) đưa ra sau khi có cuộc gặp kín với Ủy ban tình báo Quốc hội Hàn Quốc hôm 16/11. Theo một nguồn tin từ quốc hội nói với hãng tin Yonhap, NIS cho rằng Triều Tiên sẽ không có được ICBM đầy đủ chức năng cho tới khi họ vượt qua được trở ngại này.

“NIS cho biết Triều Tiên mới đây đã tiến hành vài cuộc thử động cơ tên lửa, tuy nhiên đây chưa phải là giai đoạn mà họ có thể hoàn thiện sự phát triển ICBM” – nguồn tin giấu tên nói với tờ Yonhap.

Triều Tiên vẫn chưa phóng tên lửa kể từ tháng 9, tuy rằng vào tháng 7 năm nay họ đã tiến hành 2 cuộc thử tên lửa ICBM Hwasong-14. Cả 2 cuộc thử đều thàng công, trong đó họ cho rằng lần thử Hwasong-14 lần 2 có thể tới bất kỳ mục tiêu nào của Mỹ.

Tuy nhiên, để bay xa như vậy, Hwasong-14 cần một phương tiện tái xâm nhập hiệu quả. Vụ thử tên lửa thứ 2 đã phóng thành công vào không gian nhưng thiết bị giúp tái xâm nhập khí quyển đã vỡ khi nó đang cố gắng trở về Trái đất.

Ngoài việc các thiết bị giúp tái xâm nhập khí quyển cần trình độ cao, NIS nói rằng các thiết bị này cũng đòi hỏi một loạt các bộ phận đặc biệt và đắt tiền. Tuy nhiên, hiện Triều Tiên đang bị cấm vận về kinh tế nên việc phát triển thiết bị này đang bị chậm lại.

NIS cũng cho biết trước áp lực của quân đội Mỹ khi đưa tàu sân bay tới bán đảo Triều Tiên và tung ra những máy bay thả bom chiến lược trên không phận Triều Tiên, nước này cũng khá do dự tiến hành thêm một cuộc thử nữa.

Tuy nhiên, theo NIS, họ sẽ tiếp tục thử tên lửa, đây chỉ là vấn đề về thời gian.

Theo Sputnik

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ