Chuỗi bài giảng kết nối đa ngành và cuộc sống tại Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội

GD&TĐ - Việc tổ chức các chương trình đào tạo liên ngành tích hợp Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học ngày càng được quan tâm tại các cơ sở đào tạo, đặc biệt hướng đến người học là nữ giới.

Trường Đại học Bách khoa (ĐHBK) Hà Nội là một trong những cái nôi đào tạo về khoa học công nghệ hàng đầu của cả nước. Trong sự nghiệp phát triển về đào tạo và nghiên cứu của trường có sự đóng góp không hề nhỏ của các nữ giảng viên có năng lực kỹ thuật và rất thành công trong các lĩnh vực khoa học công nghệ của Nhà trường.

Tuy nhiên hàng năm số lượng sinh viên nữ tuyển vào trường chưa được cao, đặc biệt trong khối ngành về Cơ khí, Công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) bao gồm: Công nghệ thông tin, Điện, Điện tử - Viễn thông. Điều này là do quan niệm và nỗi lo truyền thống là nữ giới không thể làm việc tốt trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật.

Để lan tỏa và khích lệ phong trào hoc sinh, sinh viên đam mê nghiên cứu khoa học, Đoàn Thanh niên phối hợp cùng với Chi hội Nữ trí thức của Trường ĐHBK Hà Nội, tổ chức chuỗi bài giảng Khoa học Công nghệ và đời sống trực tuyến, được dẫn dắt bởi chính các nữ giảng viên Bách khoa mang trong mình tình yêu nghiên cứu khoa học, đại diện cho ngôi trường xứng danh với truyền thống đi đầu trong khối ngành Kỹ thuật.

Chương trình nhằm đánh thức đam mê về khoa học công nghệ nói chung cho sinh viên và học sinh phổ thông, sự tự tin cho học sinh và sinh viên nữ về khả năng hoạt động phát triển tốt trong lĩnh vực Kỹ thuật.

Thông qua chuỗi bài giảng này, hình ảnh của nữ giới thành công sẽ được lan toả trên diện rộng tới học sinh, sinh viên. Một mặt, các cô giáo Bách khoa sẽ truyền cảm hứng khoa học công nghệ cho người nghe về những công nghệ mới, đã và đang được Bách khoa nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trong thực tế.

Mặt khác, bằng việc đưa hình ảnh nữ giới ra giới thiệu cho đại chúng, niềm tin về khả năng của nữ giới làm chủ được công nghệ sẽ được thiết lập cho chính sinh viên nữ của Nhà trường, và nữ sinh phổ thông, thúc đẩy các em tự tin vững bước lựa chọn trường Đại học Kỹ thuật là ngưỡng cửa đi tới niềm đam mê nghiên cứu khoa học, sự cống hiến và thành công cho tương lai.

Chuỗi bài giảng này cũng là cơ hội để các em sinh viên, thầy cô giáo trong trường, cũng như người làm trong nghề tại các cơ sở sản xuất – kinh doanh ngoài nhà trường hiểu hơn về hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau của trường ĐHBK Hà Nội, dẫn tới các kết nối đa ngành trong tương lai.

Chuỗi bài giảng được thực hiện bởi Đoàn thanh niên trường ĐHBK HN, phối hợp với Chi hội nữ trí thức tổ chức hàng tháng. Tới nay, đã có 5 bài giảng được thực hiện với  những chủ đề khác nhau, bao gồm:

 “Ô nhiễm không khí, hiện trạng và nguyên nhân"“Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong việc theo dõi và dự báo chất lượng không khí". Bài giảng trình bày thực trạng ô nhiễm không khí trên phạm vi toàn cầu và ở Việt Nam và một giải pháp quan trắc không khí dựa vào AI mới, dựa trên các thiết bị quan trắc không khí nhỏ gọn, đặt trên các phương tiện giao thông.

Bài giảng được dẫn dắt bởi PGS. TS. Lý Bích Thủy - Giảng viên Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường, và TS. Nguyễn Phi Lê - Giảng viên trường CNTT&TT, Đại học BKHN. Đây là bài giảng liên quan tới ngành đào tạo Kỹ thuật môi trường và CNTT.

Chuỗi bài giảng kết nối đa ngành và cuộc sống tại Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội ảnh 1
Chuỗi bài giảng kết nối đa ngành và cuộc sống tại Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội ảnh 2

"Thị giác máy tính và các ứng dụng trong cuộc sống". Bài giảng đi từ tổng quan về thị giác máy tính như các khái niệm, các bài toán chính của lĩnh vực thị giác máy tính; các ứng dụng tra cứu thông tin cây thuốc, cây rừng, phân loại hạt giống, đánh giá khả năng nảy mầm trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp.

Trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, các ứng dụng sẽ là truy vết, tìm kiếm người dựa trên hình ảnh hoặc ngôn ngữ tự nhiên tiếng Việt; các hệ thống tìm kiếm công thức toán, phân tích tự động hoạt động của lớp học. 

Đây là bài giảng liên quan thiết thực tới các lĩnh vực đào tạo và ngành Công nghệ thông tin, Điện-Điện tử. Bài giảng do PGS.TS. Lê Thị Lan và PGS.TS.Trần Thị Thanh Hải, giảng viên trường Điện-Điện tử, thực hiện.

Chuỗi bài giảng kết nối đa ngành và cuộc sống tại Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội ảnh 3
Chuỗi bài giảng kết nối đa ngành và cuộc sống tại Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội ảnh 4

Bài giảng số 03 mang lại cái nhìn tổng quát về các ứng dụng của kỹ thuật mới trong thiết kế thời trang 3D phục vụ khách hàng thời trang. Ngành dệt may thời trang luôn bắt kịp xu hướng phát triển liên ngành như: mỹ thuật trang phục, kỹ thuật thiết kế trang phục, công nghệ dệt may, công nghệ thông tin, kỹ thuật cơ điện tử… để phát triển hệ thống Công nghệ thời trang 3D phục vụ đa dạng vóc dáng người tiêu dùng như thế nào?

Công nghệ 3D thúc đẩy sự phát triển của “may mặc số Fashion E-commerce” bằng cách nào? Sự xuất hiện của các nhà máy may thông minh và công nghệ 3D góp phần vào việc giảm thiểu chất thải ra môi trường qua phương pháp gì?     

Bài giảng được thực hiện bởi TS. Trần Thị Minh Kiều, TS. Đào Thị Chinh Thùy và ThS.  Ngô Thị Quỳnh Chi - Giảng viên Viện Dệt May-Da Giầy và Thời trang, Đại học Bách khoa Hà Nội.

Chuỗi bài giảng kết nối đa ngành và cuộc sống tại Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội ảnh 5
Chuỗi bài giảng kết nối đa ngành và cuộc sống tại Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội ảnh 6

Bài giảng số 04 với tiêu đề “Hạt nhân - Nguyên tử có đáng sợ như chúng ta đang nghĩ??’’ đề cập một vấn đề đang rất nóng trên toàn cầu, mà khi nhắc đến tên thôi ai cũng sẽ thấy thích thú và tò mò: “Hạt nhân - Nguyên tử”.

Khi nghe đến hai từ “Hạt nhân, Nguyên tử” rất nhiều người trong chúng ta sẽ nghĩ ngay đến “Bom nguyên tử”, “Vũ khí hạt nhân” hay những ấn tượng không tốt… và thường e ngại vì sự nguy hiểm của chúng. Vậy năng lượng nguyên tử có đáng sợ như chúng ta đang nghĩ hay không?

 Bài giảng này sẽ hé mở cho các bạn thêm nhiều thông tin tích cực của loại năng lượng này thông qua các ứng dụng của nó trong cuộc sống, do TS. Trần Thuỳ Dương - Vật lý kỹ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội thực hiện.

Nội dung bài giảng ánh xạ những hoạt động nghiên cứu và ứng dụng của ngành Vật lý kỹ thuật đang được đào tạo tại trường ĐHBK HN.

Chuỗi bài giảng kết nối đa ngành và cuộc sống tại Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội ảnh 7
Chuỗi bài giảng kết nối đa ngành và cuộc sống tại Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội ảnh 8

Bài giảng số 05 về chủ đề "Robot thông minh và các ứng dụng”, vừa được thực hiện trực tuyến vào sáng chủ nhật 29-5-2022. PGS.TS. Mạc Thị Thoa và TS. Dương Thị Kim Đức, trường Cơ khí, ĐHBK HN sẽ dẫn dắt người nghe cùng tìm hiểu các khái niệm về robot thông minh, các công nghệ được tích hợp trong robot và các ứng dụng của robot thông minh hiện nay và trong tương lai; Các phương pháp thiết kế mỹ thuật công nghiệp & ứng dụng trong thiết kế Robot.

Những sản phẩm thiết kế ngày nay không những cần tốt, đáp ứng chức năng cho người sử dụng, kiểu dáng đẹp, luôn cập nhật xu hướng thời trang mà quan trọng là lấy người dùng làm trung tâm. Bài giảng tháng 5 còn có  sự góp mặt của PGS.TS. Rini Meliawati - đến từ Khoa Cơ khí, Đại học Adelaide (Úc).

 Với những giới thiệu xu hướng phát triển ngành chế tạo Robot trên thế giới cũng như cơ hội với các nữ kỹ sư. Đây cũng chính là bước đầu để những nhà Nghiên cứu trẻ tương lai bước ra thị trường hội nhập.

Chuỗi bài giảng kết nối đa ngành và cuộc sống tại Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội ảnh 9
Chuỗi bài giảng kết nối đa ngành và cuộc sống tại Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội ảnh 10
Chuỗi bài giảng kết nối đa ngành và cuộc sống tại Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội ảnh 11

GS.TS Lê Minh Thắng, Chi hội trưởng Chi hội nữ trí thức ĐHBK Hà Nội cho biết: Chuỗi bài giảng được các bạn học sinh, sinh viên đánh giá rất tích cực, nhìn chung đều cho rằng các bài giảng có nội dung dễ hiểu, phù hợp với cả những người nghe chưa có hiểu biết trong lĩnh vực chuyên môn sâu. Các nội dung khoa học hấp dẫn, lý thú, cung cấp các thông tin gần gũi, hữu ích trong cuộc sống nhưng còn chưa nhiều người biết đến một cách cặn kẽ.

Bên cạnh đó, các bạn còn có thể giao lưu và trực tiếp hỏi đáp tới các diễn giả để làm rõ thêm các vấn đề khoa học mà mình quan tâm. Để tăng sự chú ý của các bạn học sinh, sinh viên, gần đây các bài giảng có thêm phần trả lời câu hỏi tóm tắt kiến thức dành cho các bạn trả lời đúng nhất và sớm nhất, với những phần quà lưu niệm có ý nghĩa từ trường đại học Bách Khoa Hà Nội.

Tiếp nối chuỗi bài giảng này sẽ là các bài giảng về các chủ đề và lĩnh vực như: "Hương liệu, mỹ phẩm và các ứng dụng", “Thực phẩm an toan”, "Khởi nghiệp"  do PGS.TS. Trần Thu Hương, PGS. Nguyễn Thị Minh Tú, PGS. TS. Hoàng Thị Bích Thủy - Viện Kỹ thuật Hoá; và Viện CN Sinh học – Thực phẩm - ĐHBKHN thực hiện.

Các chủ đề bài giảng vẫn đang được liên tục phát triển và đóng góp bởi tập thể các giảng viên nữ năng động và tài năng của trường ĐHBK HN.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ