Nhiều nỗ lực nhưng bạo hành trẻ em vẫn gia tăng
Mặc dù những năm qua, Đảng, Nhà nước ta có rất nhiều chủ trương, chính sách thực hiện các chương trình chăm sóc, bảo vệ trẻ em, trong đó đã ban hành tới 22 đạo luật có liên quan đến quyền trẻ em như: Bộ luật Lao động; Bộ luật Dân sự; Bộ luật Hình sự; Luật Chăm sóc sức khỏe nhân dân; Luật Khám chữa bệnh; Luật Xử lý vi phạm hành chính...
Ngoài ra, chúng ta còn thực hiện Công ước quốc tế về quyền trẻ em và các điều ước quốc tế mà nước ta phê chuẩn. Đây là các nguồn pháp luật quan trọng giúp cho việc tổ chức, thực hiện pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Mỗi năm, Chương trình Tháng hành động vì trẻ em là dịp phát động toàn xã hội chung tay bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực xâm hại bóc lột, để trẻ em được sống trong môi trường an toàn lành mạnh, được phát triển toàn diện…
Thế nhưng theo Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, hàng năm, cả nước có tới khoảng 4.000 vụ ngược đãi, bạo hành trẻ em. Một con số thật báo động!
Đáng nói hơn đó là gần đây liên tục xảy ra những vụ bạo hành trẻ em với đủ mọi thủ đoạn đánh đập, hành hạ rất dã man, tàn ác, khiến dư luận hết sức băn khoăn lo lắng, làm nhiều người uất nghẹn.
Chẳng hạn vụ một bà mẹ ở Bình Thuận đã nhẫn tâm đổ xăng lên con gái 12 tuổi của mình rồi châm lửa đốt không chút xót thương, vì tội bán vé số không mang về đủ tiền.
Tương tự vụ bà mẹ ở Lâm Đồng cũng tưới xăng lên người con trai 13 tuổi của mình rồi châm lửa đốt, vì tội trốn học đi chơi game, chẳng khác gì một nhục hình trẻ em đang gây bức xúc trong xã hội và không một lý do nào có thể biện hộ cho hành vi tàn ác với trẻ em!
Hành vi đó không chỉ đã gây hậu quả nghiêm trọng xâm phạm sức khỏe, thể chất và tinh thần của trẻ em, mà còn đi ngược lại với truyền thống đạo đức xã hội.
Trách nhiệm không của riêng ai
Có lẽ không cần phải nói thì bất cứ ai cũng rõ, hành hạ trẻ em là phạm tội. Bạo hành trẻ em không chỉ gây thương tích về mặt thể xác mà còn gây cho các em nhỏ sự sang chấn rất nặng về tinh thần. Đó là thứ tổn thương tuy không giám định, đo đếm được song lại ảnh hưởng rất nặng nề.
Chúng ta cũng từng nói, “trẻ em là chủ nhân tương lai của đất nước”, bởi vậy việc tìm ra các biện pháp để ngăn chặn, phòng ngừa và bảo vệ để các em thoát khỏi nạn bạo hành là rất quan trọng. Đây là vấn đề không của riêng ai mà là trách nhiệm chung của cộng đồng, của toàn xã hội.
Đã đến lúc các cơ quan chức năng, các tổ chức chăm sóc, bảo vệ trẻ em, mỗi gia đình phải nghiêm túc nhìn nhận về trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ trẻ em.
Trong đó, công việc cần thiết và rất quan trọng lúc này là quan tâm và củng cố hệ thống cán bộ, hệ thống dịch vụ chăm sóc trẻ em; xây dựng cơ sở dữ liệu, bám sát trẻ có nguy cơ cao, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt.
Song song với đó cần hướng tới những giải pháp chủ yếu như thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội để mỗi gia đình giảm bớt gánh nặng mưu sinh, từ đó sẽ có cơ hội chăm sóc con cái nhiều hơn, giảm nguy cơ trẻ em bị bỏ mặc.
Đặc biệt là cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; củng cố hệ thống bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở cơ sở; bảo đảm môi trường sống an toàn, thân thiện cho trẻ em.
Nhất là trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2016 này - tháng hành động với chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em”.
Đây chính là thời gian cao điểm để cả hệ thống chính trị thể hiện rõ trách nhiệm của mình, thúc đẩy toàn xã hội dành ưu tiên chăm lo cho trẻ em, thế hệ tương lai của đất nước.