Tuy nhiên, để nâng cao ý thức cho người tham gia mạng xã hội, các chuyên gia nghiên cứu về xã hội cho rằng cần có hành lang pháp lý để xử lý tin giả và thông tin gây thù ghét.
Đáng lo ngại!
Số liệu thống kê của Chương trình Nghiên cứu Internet và Xã hội (VPIS), cho thấy, Việt Nam hiện có hơn 35 triệu người sử dụng mạng xã hội (chiếm 37% dân số) với thời lượng trung bình dành cho mạng xã hội khoảng 2 giờ 18 phút/ngày. Đây là tỉ lệ cao so với mức độ trung bình toàn cầu là 31%. Bên cạnh những mặt tích cực không thể phủ nhận của mạng xã hội trong đời sống xã hội hiện đại, mạng xã hội cũng tạo ra những bất cập cho cá nhân người dùng và doanh nghiệp.
Kết quả khảo sát của VPIS cũng ghi nhận, 78% người được hỏi tại Việt Nam khẳng định từng là nạn nhân hoặc biết những trường hợp phát ngôn gây thù ghét trên mạng xã hội. Trong đó, 61,7% người sử dụng mạng xã hội từng chứng kiến hoặc trở thành nạn nhân của những phát ngôn nói xấu, phỉ báng, bôi nhọ danh dự. Tỉ lệ này ở những nội dung vu khống, bịa đặt thông tin là 46,6%.
Trên thực tế, mặt tích cực của mạng xã hội đã thấy rất rõ nét, những tiện ích mà nó mang lại cho cộng đồng như sử dụng trong học tập, giao tiếp và tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp. Tuy nhiên, lớp trẻ ngày nay có xu hướng tâm lý đám đông, muốn đi tiên phong trong việc ném đá nên họ sử dụng ngôn ngữ khác người, văng tục, nói xấu.
GS.TS Phạm Quang Minh, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Chương trình Nghiên cứu Internet và Xã hội, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN), cho rằng, mạng xã hội đã tạo ra một sân chơi rộng lớn cho công dân toàn cầu tự do kết nối và chia sẻ. Tuy nhiên, nó cũng trở thành công cụ miễn phí và “vô hình” khi bất cứ ai cũng có thể sử dụng để tấn công hay trục lợi từ những phát ngôn truyền bá bạo lực và thù hận (hate speech) đối với cá nhân và tổ chức. Tình trạng này ngày càng nghiêm trọng và đang tạo nên một thách thức lớn không chỉ tại Việt Nam mà trên phạm vi toàn cầu.
Biện pháp cần thiết
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử cho biết, thời gian qua, Bộ TT&TT, trực tiếp là Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử đã thực hiện hàng loạt giải pháp đồng bộ, bao gồm ban hành các quy định mới phù hợp với diễn biến thực tại của mạng xã hội, tiến hành đối thoại, kêu gọi sự hợp tác và trách nhiệm hơn từ các nhà cung cấp nền tảng mạng xã hội. Tuy nhiên, vẫn cần những giải pháp khả thi để hướng tới các giải pháp lâu dài và bền vững cho cộng đồng sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam.
Hiện nay các trang mạng xã hội đều cài đặt chức năng “thông báo vi phạm”, cho phép người dùng báo cáo những nội dung sai sự thật, kích động thù hận. Tuy nhiên, việc xóa bỏ còn chậm, không nhiều và chưa đáp ứng so với yêu cầu thực tế của thời đại kỷ nguyên số. Trước tình trạng này, đã đến lúc các nhà cung cấp nền tảng mạng xã hội cần phải chịu trách nhiệm nhiều hơn nữa trong việc hạn chế những phát ngôn gây thù ghét.
TS Đặng Hoàng Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng, cho rằng: “Bộ quy tắc ứng xử sẽ không đem lại kết quả nếu số đông trong xã hội không lên tiếng, khước từ bạo lực trên mạng và không chiến thắng được nỗi sợ hãi để giành lại không gian mạng cho mình. Chúng ta xứng đáng được hưởng một không gian mạng văn minh, hòa bình. Mỗi người cần học cách sử dụng mạng xã hội một cách có kiến thức chứ không mù quáng”.
Bình luận